Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ ba, 14/09/2021 20:00 (GMT+7)

Thủ tướng yêu cầu: Sắp xếp lại Tổng cục, giải thể cơ quan trùng lắp

Theo dõi GĐ&PL trên

Thủ tướng yêu cầu rà soát và đề xuất phương án sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức của bộ ngành, cơ quan thuộc Chính phủ, đặc biệt là các tổng cục

Theo văn bản, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ khẩn trương rà soát, đánh giá xây dựng dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan mình.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành rà soát, đánh giá kỹ và xác định rõ các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ theo phân công của Chính phủ và quy định pháp luật chuyên ngành, bảo đảm một ngành, lĩnh vực được giao cho một bộ chủ trì, chịu trách nhiệm giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước trên phạm vi cả nước.

Đối với cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo rà soát, đánh giá kỹ và xác định đầy đủ chức năng theo quy định của Chính phủ, đáp ứng yêu cầu phát triển theo chủ trương của Đảng và của pháp luật.

Về nhiệm vụ, quyền hạn chung của các bộ ngành, Thủ tướng Chính phủ đề nghị kết cấu lại các khoản, bảo đảm thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn chung theo quy định.

Về nhiệm vụ, quyền hạn theo ngành, lĩnh vực của các bộ ngành, Thủ tướng yêu cầu rà soát và hoàn thiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành và phân công của Chính phủ, bảo đảm thực hiện nhất quán nguyên tắc một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính. Những việc có sự giao thoa giữa các bộ, ngành và giữa các tổ chức, đơn vị thuộc bộ, ngành phải xác định rõ nội dung phối hợp, thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tổ chức, thực hiện; không chồng chéo hoặc chia cắt, bỏ trống nhiệm vụ.

Trong quá trình hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cần thể hiện rõ nội dung phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ với bộ, ngành và giữa bộ ngành với chính quyền địa phương cấp tỉnh, bảo đảm đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu bộ ngành trong quản lý nhà nước.

Về nhiệm vụ, quyền hạn chung của các cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ tướng đề nghị kết cấu lại các khoản, bảo đảm thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn chung theo quy định.

Về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu rà soát và hoàn thiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành và phân công của Chính phủ, trong đó kết cấu lại các khoản để thể hiện rõ nội dung phân cấp trong việc cung ứng dịch vụ công thuộc phạm vi, nhiệm vụ của cơ quan thuộc Chính phủ.

Về tổ chức bộ máy đối với tổ chức hành chính, Thủ tướng yêu cầu rà soát, đánh giá kỹ và đề xuất phương án sắp xếp, kiện toàn, bảo đảm đáp ứng đầy đủ các tiêu chí thành lập, tổ chức do Chính phủ quy định tại Nghị định số 101/2000 (đặc biệt là các tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục), Nghị định số 47/2019.

Thủ tướng yêu cầu, giảm tổ chức trung gian; sắp xếp, tổ chức lại các tổ chức tham mưu, quản lý chuyên ngành mà không xác định rõ phạm vi, đối tượng thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý nhà nước theo phân công của Chính phủ; giải thể hoặc tổ chức lại các cơ quan, tổ chức có trùng lắp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ và hoạt động không hiệu quả, bỏ phòng trong vụ; giảm tối đa tổ chức phòng và tương đương thuộc cục, thanh tra, văn phòng.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu rà soát, đánh giá kỹ và đề xuất phương án sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước thuộc bộ, thuộc tổng cục, cục thuộc bộ bảo đảm tinh gọn tối đa đầu mối, phù hợp với quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực và đáp ứng đầy đủ tiêu chí, điều kiện thành lập theo quy định của pháp luật chuyên ngành và Nghị định 120/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu rà soát, đánh giá kỹ và đề xuất phương án sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng dịch vụ sự nghiệp thuộc bộ, thuộc cục, tổng cục theo hướng chỉ giữ lại các đơn vị thuộc bộ phục vụ nhiệm vụ chính trị và các đơn vị đầu ngành gắn với chức năng, nhiệm vụ của bộ, đáp ứng đầy đủ tiêu chí, điều kiện thành lập do Chính phủ quy định tại Nghị định 120/2020.

Chuyển các đơn vị cung ứng dịch vụ sự nghiệp công còn lại về địa phương quản lý và sắp xếp, cơ cấu lại các đơn vị theo ngành lĩnh vực, bảo đảm thu gọn tối đa đầu mối và đáp ứng đầy đủ tiêu chí, điều kiện thành lập theo quy định của pháp luật chuyên ngành và Nghị định số 120/2020. Cùng với đó đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ theo yêu cầu tại Nghị quyết 19 của Trung ương và các nghị định có liên quan Chính phủ.

Về thời gian thực hiện, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành sớm hoàn thành dự thảo Nghị định gửi về Bộ Nội vụ để thẩm định trước ngày 20-9-2021 và tiếp thu giải trình, hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ theo quy định.

tm-img-alt
Văn bản Bộ TNMT ký gửi Tổng cục Quản lý đất đai về dự kiến triển khai phương án kiện toàn tổ chức bộ máy.

Trước đó, tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có loạt bài phản ánh về đề xuất kiện toàn tổ chức lại bộ máy tại Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đề xuất gửi các Tổng cục dự kiến giải thể 4 Tổng cục, nhưng lại "phình" ra 12 Cục trực thuộc Bộ. Cụ thể:

1) Tổng cục Quản lý đất đai sẽ "tách" Tổng cục Quản lý đất đai ra làm 4 Cục trực thuộc Bộ TNMT gồm: Cục Đăng ký và Thông tin đất đai; Cục Kinh tế và Phát triển Quỹ đất; Cục Điều tra, Quy hoạch và Bảo vệ đất; Cục Chính sách và kiểm soát đất đai.

2) Tổng cục Môi trường "tách" ra làm 4 Cục trực thuộc Bộ, gồm: Cục Bảo vệ môi trường; Cục Quản lý chất lượng môi trường; Cục Quy hoạch và Đánh giá chất lượng môi trường; Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học.

3)Tổng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam sẽ "tách" ra làm 2 Cục trực thuộc Bộ gồm: Cục Địa chất và Cục Khoáng sản.

4) Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam sẽ "tách" ra làm 2 Cục trực thuộc Bộ gồm: Cục Điều tra, Quy hoạch biển và hải đảo; Cục Quản lý tổng hợp biển và Hải đảo.

Theo các chuyên gia, cách đề xuất nêu trên là chưa đúng với chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước theo tinh thần Nghị quyết số 18 năm 2017 của Trung ương Đảng và các Nghị quyết, văn bản có liên quan. Đề xuất trên chẳng những tinh giảm mà lại làm phình to bộ máy và lập thêm nhiều đầu mối trung gian, càng gây lãng phí tiền của Nhà nước và Nhân dân.

Dư luận rất đồng tình khi Thủ tướng Chính phủ đã vào cuộc quyết liệt và tiếp tục ký ban hành văn bản chỉ đạo yêu cầu các Bộ ngành rà soát, đánh giá kỹ và xác định rõ các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ theo phân công của Chính phủ và quy định pháp luật chuyên ngành, bảo đảm một ngành, lĩnh vực được giao cho một bộ chủ trì, chịu trách nhiệm giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước trên phạm vi cả nước. Đồng thời kiên quyết giải thể hoặc tổ chức lại các cơ quan trùng lắp, chồng chéo. /.

Một số Bộ hiện nay có nhiều Tổng cục, Cục và tương đương:

I - Bộ Tài nguyên và Môi trường: Có 5 Tổng cục và 5 Cục trực thuộc Bộ

1.Tổng cục Quản lý đất đai 2.Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam 3.Tổng cục Môi trường 4.Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam 5.Tổng cục Khí tượng Thủy văn 6.Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam 7.Cục Biến đổi khí hậu 8.Cục Quản lý tài nguyên nước 9.Cục Viễn thám quốc gia 10.Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường

II. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Có 4 Tổng cục và 8 Cục trực thuộc Bộ.

1.Tổng cục Lâm nghiệp. 2.Tổng cục Thủy sản. 3.Tổng cục Thủy lợi. 4.Tổng cục Phòng, chống thiên tai. 5.Cục Trồng trọt 6.Cục Bảo vệ thực vật. 7.Cục Chăn nuôi. 8.Cục Thú Y. 9.Cục Quản lý xây dựng công trình. 10.Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn. 11.Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản. 12.Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản.

III Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Có 3 Tổng Cục ; 7 Cục và tương đương trực thuộc Bộ

1. Tổng cục du lịch 2.Tổng cục Thể dục,Thể thao 3.Ban Quản lý Làng văn hóa Du lịch các Dân tộc Việt Nam 4.Cục Bản quyền tác giả 5.Cục Nghệ thuật biểu diễn 6.Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm 7.Cục Điện ảnh 8.Cục Văn hóa cơ sở 9.Cục Di sản văn hóa 10. Cục Hợp tác quốc tế

IV. Bộ Công thương: 01 Tổng cục và 12 Cục trực thuộc Bộ

1.Tổng cục Quản lý thị trường 2.Cục Công tác phía Nam 3.Cục Điều tiết điện lực 4.Cục Công nghiệp 5.Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo 6.Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng 7.Cục Phòng vệ thương mại 8.Cục Xúc tiến thương mại 9.Cục Công Thương địa phương 10.Cục Xuất nhập khẩu 11.Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp 12.Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số 13.Cục Hóa chất

V. Bộ Tài chính: 5 Tổng cục, tương đương và 8 Cục trực thuộc Bộ

1.Tổng cục Thuế. 2.Tổng cục Hải quan. 3.Tổng cục Dự trữ Nhà nước. 4. Kho bạc Nhà nước. 5.Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. 6.Cục Quản lý công sản. 7.Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại. 8.Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm. 9.Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán. 10.Cục Quản lý giá. 11.Cục Tin học và Thống kê tài chính. 12.Cục Tài chính doanh nghiệp. 13. Cục Kế hoạch - Tài chính.

Cùng chuyên mục

08 trường hợp có thể thu hồi giấy phép lái xe
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang dự thảo Thông tư quy định về đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi giấy phép lái xe; cấp, sử dụng giấy phép lái xe quốc tế; kiểm tra, cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ. Tại dự thảo này, Bộ GTVT đề xuất 8 trường hợp thu hồi giấy phép lái xe.

Tin mới

08 trường hợp có thể thu hồi giấy phép lái xe
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang dự thảo Thông tư quy định về đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi giấy phép lái xe; cấp, sử dụng giấy phép lái xe quốc tế; kiểm tra, cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ. Tại dự thảo này, Bộ GTVT đề xuất 8 trường hợp thu hồi giấy phép lái xe.