Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ hai, 04/09/2023 15:29 (GMT+7)

Thủ tướng đốc thúc tiến độ các công trình, dự án trọng điểm quốc gia ngành GTVT

Theo dõi GĐ&PL trên

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 780/CĐ-TTg về việc tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, nỗ lực đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải.

Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: GTVT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo đó, thời gian qua, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT và lãnh đạo Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình giao thông trọng điểm, đặc biệt là các dự án đường bộ cao tốc.

Các chủ đầu tư, nhà thầu xây lắp, nhà thầu tư vấn đã tích cực làm việc liên tục "3 ca, 4 kíp", nhiều công trình thi công cả trong các ngày lễ, tết; nhờ đó đến nay cả nước đã có 1.832 km đường bộ cao tốc đang khai thác và đang tích cực triển khai xây dựng các đoạn còn lại trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông; các tuyến đường vành đai Vùng Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tuyến đường bộ cao tốc kết nối khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong kỳ nghỉ lễ kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 vừa qua, trên các công trình giao thông trọng điểm, cán bộ, công nhân viên và người lao động nhiều nơi vẫn hăng say lao động, "vượt nắng, thắng mưa, tháo gỡ khó khăn", làm việc xuyên lễ, xuyên tết, trong đó đã kịp thời đưa vào thông xe khai thác một số đoạn tuyến quan trọng; khởi công thêm một số dự án lớn về hàng không.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng tham gia thi công, tư vấn đã nỗ lực, quyết tâm để đưa các công trình về đích đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng.

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

Để tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, kịp thời khắc phục mọi khó khăn, vướng mắc, phấn đấu mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 3.000 km đường bộ cao tốc và đến năm 2030 có 5.000 km đường bộ cao tốc như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương làm tốt một số vấn đề.

Cụ thể, Bộ GTVT, các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT và lãnh đạo Chính phủ; chỉ đạo các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền địa phương nỗ lực hơn nữa, tập trung tháo gỡ khó khăn, xử lý tồn tại trong công tác giải phóng mặt bằng, di chuyển các công trình hạ tầng kỹ thuật, tháo gỡ vướng mắc liên quan đến khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng;

Tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng các công trình, dự án theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng; rà soát kết nối đồng bộ với các tuyến đường bộ cao tốc nhằm phát huy hiệu quả đầu tư, khai thác quỹ đất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các vùng, địa phương và cả nước.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ GTVT, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có hình thức phù hợp, kịp thời để tuyên truyền, động viên, khích lệ, khen thưởng các tập thể, cá nhân, tạo khí thế mới, nâng cao tinh thần thi đua sôi nổi lao động sản xuất tại các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải.

Liên quan đến vấn đề nguồn vốn, tại Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 8 tháng 7 năm 2023, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã được Quốc hội quyết nghị tại Nghị quyết 93/2023/QH15.

Tại Thông báo số 328/TB-VPCP ngày 15 tháng 8 năm 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện trước ngày 18 tháng 8 năm 2023. Tuy nhiên, đến nay việc điều hòa giữa hai nguồn vốn vẫn còn nhiều vướng mắc.

Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài chính khẩn trương có văn bản hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương, địa phương về điều chỉnh vốn giữa các nhiệm vụ, dự án của Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội với các nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được bố trí vốn trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 theo Nghị quyết số 93/2023/QH15 bảo đảm giải ngân tối đa nguồn vốn được giao.

Trước mắt tập trung giải quyết ngay việc điều hòa nguồn vốn cho dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và các dự án trọng điểm khác, tuyệt đối không để ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thi công các dự án, hoàn thành trước ngày 9 tháng 9 năm 2023 và báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính theo nhiệm vụ được giao phối hợp chặt chẽ với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư để khẩn trương giải ngân số vốn điều chỉnh được giao trong năm 2023, bảo đảm tiến độ theo yêu cầu và đúng quy định.

Cùng chuyên mục

Tin mới

Đề xuất bệnh viện hạng I có thêm 02 năm để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử
Bộ Y tế hiện đang hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 46/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định hồ sơ bệnh án điện tử. Trong đó, dự thảo này đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 của Điều 20 Thông tư 46/2018/TT-BYT về lộ trình thực hiện bệnh án điện tử, như sau: Đến ngày 31/12/2025, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc phải áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử tại đơn vị.
Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.