Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ bảy, 07/11/2020 21:07 (GMT+7)

Thu phí gom rác chợ dân sinh: Cần thiết để thay đổi thói quen

Theo dõi GĐ&PL trên

Luật sư đánh giá việc thu phí dịch vụ thu gom rác thải là cần thiết và nên làm.

Khi tiểu thương tạo ra lượng rác thải mỗi ngày thì phải chi trả chi phí để bù đắp cho những công tác thu gom, xử lý số rác thải đó. Tuy nhiên, việc thu phí này cũng phải cân nhắc về cách thu và mức thu.

tm-img-alt
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Công văn số 4996/UBND-ĐT ngày 16/10/2020 về việc thực hiện các giải pháp giảm thiểu chất thải nhựa với các cơ quan hành chính Nhà nước, đoàn thể chính trị, xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập theo Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/08/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, để tiếp tục phòng, chống rác thải nhựa và túi ni lông, UBND TP. Hà Nội yêu cầu thực hiện thu phí dịch vụ thu gom rác với các tiểu thương tại các chợ dân sinh truyền thống.

Rất cần thiết

Đánh giá về tính hợp lý và tính khả thi của quy định này, Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp chia sẻ: Có thể nói, tình trạng ô nhiễm môi trường đang ngày một nghiêm trọng, nhất là tại các thành phố lớn – nơi tập trung đông người và là nơi phát triển của các ngành nghề kinh doanh, dịch vụ, sản xuất. Một trong những địa điểm có lượng rác thải lớn mỗi ngày là các chợ dân sinh. Đây là không gian tập trung đông người, thường xuyên diễn ra các hoạt động trao đổi mua bán với hàng trăm hàng nghìn tiểu thương, đủ các loại mặt hàng.

Sau mỗi phiên chợ thì một lượng rác thải lớn, nước thải từ các cửa hàng, ki ốt như: rau cỏ, thực phẩm thừa, nước thải từ hoạt động giết mổ gà, vịt, cá bỏ lại. Đặc biệt, số lượng rác thải lớn ở chợ có túi nilon và chất thải nhựa – đây là loại rác thải gây nguy hại lớn cho môi trường và sức khỏe con người. Số rác thải này dù được thu gom nhưng vẫn có một phần được tích tụ lại gây ô nhiễm môi trường, lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ, ảnh hưởng đến chất lượng không khí, gây mùi hôi thối, tập trung ruồi, nhặng,… ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của nhiều hộ dân xung quanh khu vực chợ. Dù chúng ta đã nghiên cứu nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường tại những khu vực này nhưng đến nay vẫn chưa hoàn toàn khả thi.

Mới đây, Thủ tướng chính phủ đã có chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế và giảm thiểu chất thải nhựa. Theo đó, các giải pháp được đưa ra để giảm thiểu tình trạng rác thải tại các chợ dân sinh là vận động các chợ dân sinh cam kết giảm thiểu chất thải nhựa, hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần hoặc thay thế bằng các sản phẩm thân thiện môi trường; không cung cấp miễn phí túi ni lông cho khách hàng hoặc chuyển từ sử dụng túi ni lông khó phân hủy sang các loại túi khác thân thiện với môi trường; phân loại chất thải tại nguồn; bố trí hoặc chỉ đạo bố trí các thùng thu gom, phân loại rác và tập huấn, hướng dẫn phân loại rác; Tăng cường năng lực, hiệu quả công tác thu gom, xử lý chất thải rắn; thực hiện thu gom và xử lý riêng các loại chất thải đã được phân loại (bao gồm cả chất thải nhựa). Đặc biệt một trong các giải pháp được nhiều người quan tâm là thực hiện thu phí dịch vụ thu gom rác đối với các tiểu thương tại các chợ dân sinh truyền thống.

Theo Luật sư Cường, việc thu phí dịch vụ thu gom rác thải là cần thiết và nên làm. Khi tiểu thương tạo ra lượng rác thải mỗi ngày thì phải chi trả chi phí để bù đắp cho những công tác thu gom, xử lý số rác thải đó. Tuy nhiên, việc thu phí này cũng phải cân nhắc về cách thu và mức thu. Nếu mức thu quá thấp thì không để nâng cao ý thức của tiểu thương, nếu mức phu quá cao thì dễ tạo nên bất bình. Bên cạnh đó, nếu thu một mức ngang bằng nhau đối với tất cả các tiểu thương thì không đạt được hiệu quả trong việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Vì có người xả rác thải ít, có người lại xả rác thải nhiều.

Hiện nay có nhiều ý kiến nên thu phí rác thải theo khối lượng. Muốn giảm lượng rác thải sinh hoạt thì “đánh” vào kinh tế, tính phí rác thải cao, thải nhiều rác thì trả nhiều tiền. “Tôi thấy đề xuất này cũng hợp lý, sẽ khiến người dân, tiểu thương có ý thức hơn trong việc xả rác, tìm cách tiết kiệm bằng các phân loại và giảm thiểu chất thải phát sinh vì nếu họ thải ra nhiều thì phải trả nhiều tiền. Từ đó, sẽ giảm thiểu đáng kể lượng rác thải. Việc tính đến thu phí rác thải theo khối lượng là do lượng rác thải của chúng ta quá lớn và không ngừng tăng lên mỗi ngày, tạo gánh nặng lớn đối với sự phát triển bền vững của địa phương, quốc gia cũng như toàn cầu”, Luật sư Cường bày tỏ quan điểm.

Cần nghiên cứu cụ thể

Ngoài ra, Luật sư Cường cũng cung cấp thêm thông tin về việc các nước như Hàn Quốc và Nhật Bản cũng có phương thức thu phí thông qua việc bán túi thu gom, với giá tùy theo kích cỡ cụ thể của túi. Chính phủ quy định bắt buộc người dân xả thải trong túi này, riêng rác thải có thể tái chế được thì không cần thu gom vào túi. Sẽ có hình thức xử phạt nặng nếu không phân loại rác để buộc người dân phải thực hiện nghiêm túc.

Tuy nhiên, để phương pháp này có thể áp dụng và đạt hiệu quả ở Việt Nam thì cần nghiên cứu cụ thể, có thời gian bởi tập quán, thói quen xả rác tại Việt Nam vẫn còn mang tính tự phát. Chúng ta chưa có một hệ thống giám sát camera và địa điểm thu gom rác tiến bộ như các nước khác nên việc quản lý quá trình xả rác của người dân cũng như áp dụng các biện pháp xử phạt là khó tiến hành. Điều này cần có kế hoạch, lộ trình thời gian để thực hiện.

tm-img-alt
Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp.

Vị Luật sư cũng kiến nghị về thẩm quyền thu phí rác thải và phương thức thu, nộp cũng cần phải được nghiên cứu, tránh tình trạng lạm thu, thu sai. Muốn làm được những điều trên thì cần quy định nguyên tắc thu phí trong Luật và hướng dẫn cách thức thu bằng Nghị định, Thông tư.

Mặc dù phương án là như vậy nhưng để thực hiện trên thực tế là không dễ dàng. Bên cạnh có một khung pháp lý chặt chẽ, đầy đủ thì còn phải tổ chức thực hiện trên thực tế, đảm bảo việc thực hiện là khoa học, dễ dàng chứ không gây thêm khó khăn, thiệt hại khác. Có thể các nước khác trên thế giới đã triển khai và thành công, nhưng không phải chúng ta cũng sẽ như vậy. Việc học hỏi, tham khảo kinh nghiệm của các nước là tốt tuy nhiên phải căn cứ vào đặc thù nguồn rác thải của nước ta, căn cứ tập quán thói quen sinh hoạt của người dân cũng như đặc điểm, mức độ phát triển kinh tế xã hội để có những điều chỉnh phù hợp.

Việc sử dụng công cụ kinh tế – thu phí rác thải theo khối lượng là có tác dụng, nhưng tác dụng đến đâu, mức độ tác động và hiệu quả mang lại được đến đâu cũng cần phải tính đến. Sẽ có những người dân có điều kiện kinh tế sẵn sàng bỏ thêm tiền để mua sự tiện lợi, chi trả phí rác thải cao hơn cũng được miễn là được thoải mái. Chính vì vậy, điều quan trọng vẫn là ở bản thân người xả rác thải. Cần có giải pháp tuyên truyền, hướng dẫn, giáo dục để người dân thực sự sẵn sàng và chủ động trong công tác bảo vệ môi trường, nhận thấy những tác động tiêu cực do sự tác động ngược lại của môi trường đối với họ và con cái họ trong tương lai, từ đó thay đổi hành vi, thói quen về xả rác thải.

Việc nghiên cứu và truyền tải những thông điệp ý nghĩa, cách thức cụ thể để bảo vệ môi trường, có sức lan tỏa mạnh bằng việc tận dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng internet, mạng xã hội cũng rất quan trọng. Công tác thu phí xử lý rác hay thu phí theo khối lượng dù cần thiết và nên làm nhưng vẫn sẽ không hoàn toàn giải quyết triệt để được cái gốc, cái ngọn của vấn đề mà điều quan trọng hơn cả là ý thức, thái độ của người dân. Và điều này thì nằm ở khâu truyền thông chính sách sao cho hợp lý của Nhà nước.

Cùng chuyên mục

Tin mới