Thu phí CCCD gắn chip sai quy định: Hành vi lạm quyền trong thi hành công vụ
Luật sư nhận định, nếu ở địa phương nào mà cán bộ thu phí làm thẻ CCCD vượt quá mức phí Nhà nước quy định thì đó là hành vi lạm quyền trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại đến tài sản của công dân.
Những ngày gần đây, dư luận xã hội luôn bức xúc trước câu chuyện thu phí chuyển đổi CMND 09 số, CCCD 12 số sang thẻ CCCD gắn chip. Theo đó, việc thu phí nhận được nhiều ý kiến đánh giá là chênh lên quá nhiều so với quy định và không có phiếu thu.
Theo phản ánh của nhiều người, tại xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, nhiều ngày qua, quá trình làm căn cước gắn chip (thay thế CMND và căn cước cũ) người dân bị thu phí cao hơn nhiều lần so với quy định.
Tại khu vực thu lệ phí, mức phí trung bình mà người dân tại đây đến chuyển hoặc thay thế CMND 09 số là 45.000 đồng/căn cước gắn chip. Cá biệt, có trường hợp bị thu đến 65.000 đồng/căn cước. Đáng nói, nhiều người khi nộp tiền xong hỏi cán bộ phụ trách thu phí có phiếu thu hay chứng từ không thì đều nhận được câu trả lời là không có.
Ngoài ra, nhiều trường hợp khi phát hiện thông tin trên căn cước mới bị sai sót đã yêu cầu chỉnh sửa nhưng cũng bị mất phí 20.000 đồng/lần sửa.
Tại Hải Phòng, cũng đã từng xảy ra vụ việc tương tự dẫn đến kết quả 02 cán bộ Công an viên xã của tỉnh này bị tạm đình chỉ trong 15 ngày để giải quyết vụ việc thu tiền làm CCCD gắn chip điện tử sai quy định.
Tại thời điểm phát hiện vụ việc trên, Công an TP. Hải Phòng đã nhanh chóng vào cuộc xác minh. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các phòng nghiệp vụ điều tra, làm rõ và sẽ xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm.
Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng VPLS Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, nếu ở địa phương nào mà cán bộ thu phí làm thẻ CCCD vượt quá mức phí Nhà nước quy định thì đó là hành vi lạm quyền trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại đến tài sản của công dân. Hành vi này cần phải bị xem xét xử lý theo quy định pháp luật.
Theo Luật sư Cường, đối với vấn đề thu phí vượt mức quy định, chính quyền địa phương, cơ quan Thanh tra, Công an cần nhanh chóng vào cuộc xác minh làm rõ thông tin mà báo chí phản ánh, làm rõ những chứng cứ mà người dân cung cấp để xác định có sai phạm hay không, ai là người sai phạm, mức độ đến đâu để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.
Trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì cần đình chỉ công tác để phục vụ công tác điều tra, xác minh.
Ngoài ra, Luật sư Cường cũng cho biết, các mức phí, lệ phí cấp thẻ CCCD đã được công khai rộng rãi trên các cơ quan truyền thông, báo chí, truyền hình liên tục thời gian gần đây. Bởi vậy, rất nhiều người dân đã nắm được thông tin về các mức phí này.
Cụ thể, theo Thông tư 112/2020/TT-BTC, kể từ ngày 01/01/2021 đến hết ngày 30/6/2021, lệ phí cấp Căn cước công dân bằng 50% mức thu lệ phí quy định tại Điều 4 Thông tư 59/2019/TT-BTC ngày 30/8/2019 quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp CCCD.
Kể từ ngày 01/7/2021 trở đi, mức thu lệ phí nêu trên thực hiện theo Thông tư 59/2019/TT-BTC.
Điều 4, Thông tư 59/2019/TT-BTC quy định về "Mức thu lệ phí" cấp thẻ căn cước công dân như sau: 1. Công dân chuyển từ Chứng minh nhân dân 09 số, Chứng minh nhân dân 12 số sang cấp thẻ CCCD: 30.000 đồng/thẻ CCCD. 2. Đổi thẻ CCCD khi bị hư hỏng không sử dụng được; thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng; xác định lại giới tính, quê quán; có sai sót về thông tin trên thẻ; khi công dân có yêu cầu: 50.000 đồng/thẻ Căn cước công dân. 3. Cấp lại thẻ CCCD khi bị mất thẻ CCCD, được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam: 70.000 đồng/thẻ CCCD. |
“Như vậy, lệ phí cấp CCCD gắn chip từ ngày 01/1/2021 đến hết ngày 30/6/2021 là 15.000 đồng/thẻ CCCD, từ ngày 01/7/2021 trở đi là 30.000 đồng/thẻ CCCD”, Trưởng VPLS Chính Pháp cho hay.
Ngoài ra, Thông tư 59/2019/TT-BTC cũng quy định các trường hợp miễn, không phải nộp lệ phí thực hiện theo Điều 5 Thông tư 59/2019/TT-BTC.
Điều 5, Thông tư 59/2019/TT-BTC quy định về "Các trường hợp miễn lệ phí" như sau: + Đổi thẻ CCCD khi Nhà nước quy định thay đổi địa giới hành chính; + Đổi, cấp lại thẻ CCCD cho công dân là bố, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của liệt sỹ; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; con dưới 18 tuổi của thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; công dân thường trú tại các xã biên giới; công dân thường trú tại các huyện đảo; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; công dân thuộc hộ nghèo theo quy định của pháp luật; + Đổi, cấp lại thẻ CCCD cho công dân dưới 18 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa. - Các trường hợp không phải nộp lệ phí: + Công dân từ đủ 14 tuổi trở lên làm thủ tục cấp thẻ CCCD lần đầu theo quy định tại khoản 1 Điều 19, khoản 2 Điều 32 Luật Căn cước công dân; + Đổi thẻ CCCD khi đến tuổi đổi thẻ CCCD theo quy định tại Điều 21 và điểm a khoản 3 Điều 32 Luật Căn cước công dân; + Đổi thẻ CCCD khi có sai sót về thông tin trên thẻ CCCD do lỗi của cơ quan quản lý CCCD. |
Bởi vậy, hành vi thu phí vượt quá mức phí theo Thông tư số 59/2019/TT-BTC nêu trên là vi phạm pháp luật. Cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ số tiền thu phí trái quy định, buộc cơ quan tổ chức cá nhân này phải trả lại số tiền đã thu trái phép cho công dân đồng thời xem xét trách nhiệm pháp lý của các cán bộ có liên quan.
Còn về việc thu phí, lệ phí, Luật sư Cường cho biết việc này đã được thực hiện rõ ràng theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, theo Luật Phí và lệ phí năm 2015 thì phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả nhằm cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công được quy định trong Danh mục phí ban hành kèm theo Luật này.
Còn lệ phí là khoản tiền được ấn định mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công, phục vụ công việc quản lý nhà nước được quy định trong Danh mục lệ phí ban hành kèm theo Luật này.
Bên cạnh đó, Luật sư Cường cũng cho biết, trách nhiệm và các hành vi nghiêm cấm của Luật phí, lệ phí đã được quy định rõ trong Điều 14 và Điều 16 Luật phí và lệ phí 2015.
Điều 14, Luật Phí, lệ phí quy định trách nhiệm của tổ chức thu phí, lệ phí như sau: 1. Niêm yết công khai tại địa điểm thu và công khai trên Trang thông tin điện tử của tổ chức thu phí, lệ phí về tên phí, lệ phí, mức thu, phương thức thu, đối tượng nộp, miễn, giảm và văn bản quy định thu phí, lệ phí. 2. Lập và cấp chứng từ thu cho người nộp phí, lệ phí theo quy định của pháp luật. 3. Thực hiện chế độ kế toán; định kỳ báo cáo quyết toán thu, nộp, sử dụng phí, lệ phí; thực hiện chế độ công khai tài chính theo quy định của pháp luật. 4. Hạch toán riêng từng loại phí, lệ phí. 5. Báo cáo tình hình thu, nộp, quản lý, sử dụng phí, lệ phí. Điều 16, Luật phí và lệ phí quy định các hành vi nghiêm cấm bao gồm: - Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức, cá nhân tự đặt và thu các loại phí, lệ phí; - Thu, nộp, quản lý và sử dụng khoản thu phí, lệ phí trái với quy định của pháp luật. |
Ngoài ra, Điều 16, Luật Phí và lệ phí cũng quy định: “Trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về phí, lệ phí thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, pháp luật nghiêm cấm cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thu phí, lệ phí thu vượt quá mức phí lệ phí nhà nước quy định.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy có cán bộ đã “lợi dụng chức vụ quyền hạn” để “chiếm đoạt tài sản” hoặc “lạm quyền trong thi hành công vụ” đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Luật sư Cường cho biết cán bộ đó sẽ bị xem xét xử lý hình sự theo quy định pháp luật.
Nếu hành vi có dấu hiệu của “Vụ lợi”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản của công dân” mà số tiền từ 2.000.000 đồng trở lên thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 355, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Điều 355, Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" như sau: 1. Người nào lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 06 năm: a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm; b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm: a) Có tổ chức; b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; c) Phạm tội 02 lần trở lên; d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng359 đến dưới 3.000.000.000 đồng; e) Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng; c) Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động; d) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên; b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên. 5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. |
Còn nếu hành vi thu phí trái quy định (thu phí vượt quá mức phí nhà nước quy định hoặc thu phí đối với trường hợp được miễn phí) không có mục đích vụ lợi thì hành vi sẽ bị xử phạt hành chính theo Thông tư số 186/2013/TT-BTC ngày 05/12/2013 của Bộ tài chính, mức phạt cao nhất có thể lên đến 50.000.000 đồng.
“Do đó, ở địa phương nào mà cán bộ lạm quyền, thu trái quy định mức phí vượt quá mức phí Bộ tài chính đã đưa ra thì người dân cần lưu lại chứng cứ và khiếu nại hoặc tố cáo cán bộ đã Lạm quyền để cơ quan chức năng xem xét xử lý theo quy định của pháp luật. Mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải bị xử lý nghiêm minh", Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Ngoài ra, Trưởng VPLS Chính Pháp cũng cho hay, khi phát hiện hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức, người thi hành công vụ thì công dân có thể làm đơn thư tố cáo, khiếu nại gửi đến Trưởng Công an cấp quận huyện hoặc Viện trưởng VKSND cấp quận, huyện hoặc cơ quan điều tra Công an tỉnh để được xem xét giải quyết theo quy định pháp luật.