Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ sáu, 25/08/2023 12:15 (GMT+7)

Thời hạn của tài khoản định danh điện tử

Theo dõi GĐ&PL trên

Cũng như thẻ căn cước công dân gắn chip, tài khoản định danh điện tử không sử dụng suốt đời mà có thời hạn theo từng mốc tuổi.

Thời hạn của tài khoản định danh điện tử
Ảnh minh họa.

Theo thông tin từ Bộ Công an, tài khoản định danh điện tử là tập hợp gồm tên đăng nhập (chính là mã số định danh cá nhân của công dân), mật khẩu (được gửi qua tin nhắn SMS cho mỗi cá nhân) hoặc hình thức xác thực khác được tạo lập bởi hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an. Theo đó, tài khoản định danh điện tử được quản lý và xác thực trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNeID), do Bộ Công an phát triển.

Người dân sử dụng tài khoản định danh điện tử sẽ có nhiều lợi ích như tiết kiệm được thời gian, chi phí vì không phải kê khai nhiều loại biểu mẫu, giảm nhiều khâu thủ tục khi thực hiện các giao dịch hành chính công. Ngoài ra, công dân có thể thay thế căn cước công dân và các loại giấy tờ mà họ đăng ký tích hợp, hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia như: Giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế...

Tài khoản định danh điện tử bao gồm 2 mức độ: Mức độ 1 và mức độ 2.Cụ thể mức độ 1: Tài khoản được tạo lập trong trường hợp thông tin của công dân kê khai đã được so sánh, đối chiếu tự động trùng khớp với thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Công dân có thể sử dụng một số tính năng cơ bản như: phòng chống dịch (khai báo y tế, thông tin tiêm chủng…), giải quyết dịch vụ công trực tuyến (thông báo lưu trú, đăng ký thường trú, tạm trú, khai báo tạm vắng…).

Với mức độ 2: Tài khoản được tạo lập trong trường hợp thông tin của cá nhân kê khai đã được xác minh bằng ảnh chân dung hoặc vân tay trùng khớp với thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân hoặc cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh.

Với tài khoản mức độ 2, công dân có thể sử dụng tất cả các chức năng tiện ích mà ứng dụng định danh điện tử quốc gia cung cấp như: đăng ký tích hợp hiển thị các loại giấy tờ (giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế...), thực hiện các giao dịch tài chính như thanh toán hóa đơn điện, nước, đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, chuyển tiền... Tuy nhiên cần lưu ý, tài khoản định danh điện tử của công dân được sử dụng trong một thời hạn nhất định. Theo Bộ Công an, tài khoản định danh điện tử có cùng thời hạn với thẻ căn cước công dân gắn chip. Theo đó, tài khoản định danh điện tử sẽ hết hạn khi căn cước công dân gắn chip hết thời hạn sử dụng. Sau khi làm lại thẻ căn cước công dân gắn chip mới, tài khoản định danh điện tử sẽ lại được gia hạn để sử dụng.

Bên cạnh đó, Điều 21 Luật Căn cước công dân 2014 quy định về độ tuổi đổi thẻ căn cước công dân như sau:

- Thẻ căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.

- Trường hợp thẻ căn cước công dân được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước tuổi quy định tại khoản 1 Điều này thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo.

Theo quy định trên, hạn sử dụng của tài khoản định danh điện tử sẽ phụ thuộc vào độ tuổi của người được cấp. Khi công dân đến các mốc độ tuổi là 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi thì tài khoản định danh điện tử và căn cước công dân đều sẽ hết hạn.

Tuy nhiên, nếu người dân đi làm thẻ căn cước công dân mới trong 2 năm trước khi đủ 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi thì cả thẻ căn cước mới và tài khoản định danh điện tử sẽ tiếp tục có giá trị tiếp đến mốc tuổi đổi thẻ tiếp theo. Theo đó, tài khoản định danh điện tử, căn cước công dân được cấp từ khi đủ 14 đến trước 23 tuổi sẽ hết hạn vào năm 25 tuổi. Tài khoản định danh điện tử, căn cước công dân được cấp từ khi đủ 23 đến trước 38 tuổi sẽ hết hạn vào năm 40 tuổi. Tài khoản định danh điện tử, căn cước công dân được cấp từ khi đủ 38 đến trước 58 tuổi sẽ hết hạn vào năm 60 tuổi. Tài khoản định danh điện tử, căn cước công dân từ khi đủ 58 tuổi trở đi sẽ được sử dụng cho đến khi người đó qua đời (trừ trường hợp thẻ bị mất hoặc hư hỏng).

Cùng chuyên mục

Tin mới