Tháng hành động vì môi trường suy nghĩ về thú chơi chim cảnh!
Nhân tháng hành động vì môi trường, chúng ta bàn về thú chơi chim cảnh để hiểu về lối sống hài hoà với thiên nhiên, một nét đẹp văn hoá của người Việt.
Giữ gìn thú chơi tao nhã
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong bài tham luận tại Hội thảo về Văn hoá Sinh Vật Cảnh năm 1992 đã khái quát: "Con người là một bộ phận của thiên nhiên, phải sống hài hòa với thiên nhiên, dựa vào thiên nhiên, biết làm chủ thiên nhiên để làm cho thiên nhiên là một nguồn sống của mình. Nếu con người tự tách mình ra khỏi thiên nhiên, nói cải tạo thiên nhiên mà lại đi với hoại hủy thiên nhiên thì đó là hành động trái với quy luật dẫn tới tai họa không thể lường hết được...".
Các thú chơi sinh vật cảnh của người Việt từ xa xưa, trong đó có thú chơi chim cảnh luôn thể hiện rõ những triết lý nhân sinh quan về mối quan hệ hài hoà giữa con người với thiên nhiên nêu trên. Người Việt xưa tìm đến những thú chơi đó là để giáo dưỡng nhân cách hướng tới những giá trị Chân - Thiện - Mỹ cao đẹp khi xác định: "Chơi cá dưỡng tâm, chơi chim dưỡng chí, chơi cây dưỡng thần".
"Chơi chim dưỡng chí" được hiểu là quá trình rèn luyện sự kiên nhẫn, ý chí vươn lên trong cuộc sống. Ngay khi còn nhỏ, chú chim được bảo vệ, thuần dưỡng trong chiếc lồng, bị giới hạn trong một khoảng gian nhỏ, bị tách biệt với thế giới tự do bên ngoài. Thời gian đầu chú buồn chán, phản ứng lại bằng cách không ăn, không hót, không bay nhảy...Rồi thời gian đã giúp chú chim nhỏ như thể nhận ra con người cố tình tìm cách nhốn chú vào lông là để bảo vệ, chăm sóc, yêu thương và cũng để thỏa lòng đam mê của họ. Chú đã dần dần thích nghi với hoàn cảnh điều kiện sống mới ở trong lồng và trở nên chịu ăn, chịu uống, biết hót líu lo, biết tung bay nhảy múa tương tác với chơi chơi chim bằng những biểu cảm bản năng của mình. Những chú chim đã thuần như thể thoả lòng trong một không gian tuy giới hạn nhỏ bé nhưng lại là "lãnh thổ" độc lập và tự do của riêng mình.
Đó là kết quả của một quá trình rèn luyện và trưởng thành của chú chim cũng là quá trình thử thách lòng kiên nhẫn, ý chí của người chăm sóc, huấn luyện chim cảnh. Quá trình đó giúp người chơi chim trở nên hiểu và yêu quý những loài chim sống quanh mình hơn. Bằng cách đó, những người chơi chim lành mạnh luôn phải gắn trới trách nhiệm giáo dục tình yêu thiên nhiên và ý thức bảo vệ môi trường.
Phát huy giá trị thời đại
Ngày nay thú chơi chim không chỉ còn là thú chơi tiêu khiển thuần tuý, mà còn là hoạt động góp phần bảo tồn và phát triển sự đa dạng sinh học, kiến tạo không gian văn hóa, phát huy giá trị du lịch sinh thái…Đặc biệt, từ năm 2018, hoạt động sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh được Chính phủ công nhận là một ngành nghề phát triển nông thôn thì thú chơi sinh vật cảnh nói chung, thú chơi chim có điều kiện để phát triển cả về quy mô và chất lượng.
Người chơi chim giờ đây không chỉ còn là thú vui của người cao tuổi, mà đã trở thành thú chơi của mọi người trong xã hội. Người tìm đến với thú chơi chim là để gìn giữ nét đẹp văn hóa của ông cha; người thì để giải trí sau những giờ làm việc căng thẳng; người lại tiếp cận trong việc cung ứng các dịch vụ phục vụ hoạt động chăn nuôi, sinh sản, vật tư ngành chim như một nghề để sinh nhai. Và có cả những người tiếp cận với mục đích nghiên cứu, bảo tồn sự đa dạng sinh học…
Tuy nhiên, cần phải phân biệt rạch ròi giữa thú chơi chim cảnh với tư cách một loại vật nuôi gần gũi con người đã được thuần hóa, nuôi dưỡng, lai tạo, sinh sản qua nhiều thế hệ và đang được khuyến khích bảo tồn, phát triển trong dân cư với những hoạt động nghiêm cấm mua bán, trao đổi, săn bắt, nuôi giữ các loại động vật hoang dã sinh sống trong tự nhiên đã được phân loại cấp độ nguy cấp theo Công ước Quốc tế CITES và các quy định của Việt Nam.
Thực tế, những loại chim mà người dân đang chơi thành phong trào rộng lớn, có ảnh hưởng trong cộng đồng là những loại chim đồng quê đã được thuần hóa, nuôi dưỡng, sinh sản trong dân cư lâu đời như Chào mào, Vành khuyên, Cu gáy, Bồ Câu...hoặc các loại Vẹt và chim màu thương phẩm mới được nhập nội từ các nước trong khu vực và trên thế giới về Việt Nam những năm gần đây. Bên cạnh thú chơi chim cảnh trong nhân dân, gần đây, nhiều doanh nghiệp đã bước đầu tư một số mô hình khu du lịch sinh thái, khu bảo tồn thiên nhiên, khu nuôi trồng nông nghiệp hữu cơ đã nuôi nhiều loại sinh vật cảnh, trong đó có các loại chim cảnh để chủ động bảo tồn và phát triển sự đa dạng sinh học gắn với phát triển kinh tế sinh thái.
Nếu chỉ quan niệm thú chơi chim cảnh là thú chơi tiêu khiển thuần túy của một bộ phận người "vô công rồi nghề" thì họ hoàn toàn có thể tìm đến giải pháp công nghệ vừa rẻ, vừa tiết kiệm thời gian. Vì mê tiếng chim hót hay thì họ có thể ghi âm rồi mở đi mở lại; nếu chỉ vì tích bộ lông mượt mà đa sắc thì họ có thể chụp những bức ảnh nghệ thuật rồi xem đi xem lại...Nhưng không, những người nuôi chim cảnh với tư cách một thú chơi nhân văn tao nhã coi những chú chim như những người bạn tâm giao để họ chăm sóc, được sống lại với những ký ức tuổi thơ, với những hoài niệm về những miền quê yêu dấu gắn với việc gìn giữ những giá trị văn hóa giàu bản sắc dân tộc. Họ muốn dành những cảm xúc của mình cho những chú chim thông qua việc chăm sóc, gìn giữ chúng được an toàn trước kẻ thù, dịch bệnh mà còn làm cho chúng trở nên hạnh phúc trong mối tương giao với con người và đồng loại!
Trong bối cảnh đại dịch Cúm A/H5N1 trước đây và đại dịch Sars-CoV-2 hiện nay, loài người càng phải nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của lối sống hài hóa với thiên nhiên. Lối sống đó, đặt ra mối quan hệ qua lại mật thiết giữa con người với thiên nhiên, vạn vật và muôn loài. Trong mối suy tư đó, hơn lúc nào hết trong lúc này, chúng ta cần phải nhận thấy sự cần thiết phải gìn giữ thú chơi chim nhân văn tao nhã của ông cha đã trao truyền qua bao thế hệ gắn với việc bảo tồn và phát triển sự đa dạng sinh học, lên án mạnh mẽ những hành vi săn bắt chim trong môi trường tự nhiên một cách bừa bãi, nhất là nạn săn bẫy chim phục vụ hoạt động tế lễ, phóng sinh hay làm thực phẩm từ chim và cả những việc làm biến tướng làm sai lệnh những giá trị tốt đẹp vốn có của thú chơi chim cảnh.