Thái Lan cân nhắc biện pháp cứng rắn chống ô nhiễm bụi mịn
Thái Lan hành động cứng rắn và cấm nhập khẩu ngô từ các nước láng giềng vào năm tới nếu tiếp tục để xảy ra tình trạng ô nhiễm xuyên biên giới.
Thủ tướng Srettha Thavisin cho biết Chính phủ Thái Lan đang nỗ lực giải quyết các nguyên nhân gây ra tình trạng bụi mịn PM 2.5, chủ yếu do tình trạng khói mù xuyên biên giới, cháy rừng trong nước và hoạt động đốt rác thải nông nghiệp.
Chính phủ Thái Lan đã từng cảnh báo sẽ áp thuế nhập khẩu ngô từ các nước láng giềng nếu những nước này không kiểm soát các hoạt động góp phần làm trầm trọng hơn tình trạng ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, những cảnh báo này đã bị phớt lờ và Thái Lan sẽ phải cân nhắc hành động cứng rắn hơn như cấm hoàn toàn hoạt động nhập khẩu ngô từ các quốc gia nói trên.
Bụi mịn PM 2.5 là một vấn đề kinh tế và cần được giải quyết bằng những giải pháp mới và Thái Lan không thể buộc các nước láng giềng chấm dứt việc đốt rác thải nông nghiệp nhưng có thể gây sức ép hạn chế tình trạng khói mù xuyên biên giới.
Người đứng đầu Chính phủ Thái Lan tuyên bố: “Chúng ta phải thực sự xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc. Vào năm tới, từ tháng 1 đến tháng 4, việc nhập khẩu ngô sẽ bị cấm”. Ông cũng đề xuất về biện pháp tăng thuế nhập khẩu ngô từ các nước láng giềng.
Đối với tình trạng cháy rừng trong nước, Thủ tướng Srettha cho biết chính phủ không dung thứ cho các hành động đốt rừng và sẽ thưởng 10.000 Bath (280 USD) cho bất kỳ ai bắt được người đốt. Chính phủ Thái Lan gần đây đã phê duyệt thêm kinh phí cho công tác phòng chống và dập tắt cháy rừng.
Ông cũng nhấn mạnh về việc các cơ quan chức năng cần có những biện pháp mới và hợp tác với quân đội trong việc hỗ trợ người nông dân vận chuyển rác thải nông nghiệp (như rơm rạ) sau thu hoạch.
Bên cạnh đó, ông đã có cuộc thảo luận với Bộ trưởng Giao thông Vận tải và các cơ quan khác về vấn đề tắc nghẽn giao thông - một yếu tố khác góp phần gây ra tình trạng bụi mịn PM2.5.
Hôm 16/3, Trung tâm Giảm thiểu ô nhiễm không khí Thái Lan cho biết tình trạng ô nhiễm không khí ở 15 tỉnh phía Bắc đã đạt mức Đỏ, với lượng bụi PM 2.5 trong khí quyển ở mức từ 50,1µg/m³ đến 182µg/m³, cao hơn rất nhiều so với ngưỡng an toàn là 37,5µg/m³. Một số tỉnh Đông Bắc và miền Trung Thái Lan cũng bị ảnh hưởng bởi nồng độ bụi mịn PM 2.5 quá cao so với tiêu chuẩn quy định.
Theo đánh giá của trang web giám sát không khí IQAir, kể từ ngày 15/3 tới nay, thành phố lịch sử Chiang Mai, một địa điểm du lịch nổi tiếng của Thái Lan là nơi có chất lượng không khí tệ nhất thế giới.
Dữ liệu của IQAir cho thấy chỉ số mức độ ô nhiễm bụi mịn PM 2.5 (đủ nhỏ để có thể đi vào máu thông qua phổi) tại Chiang Mai ở mức 224 - cao gấp 20 lần so với hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Chính phủ khuyến cáo người dân đeo khẩu trang khi đi ra ngoài và cân nhắc làm việc tại nhà. Những người có bệnh mãn tính hay bệnh về đường hô hấp nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tham gia các hoạt động ngoài trời.
Giới chức y tế Thái Lan thông báo theo dõi chặt chẽ nồng độ bụi mịn, đồng thời mở các trung tâm khẩn cấp ở bất kỳ khu vực nào có chỉ số không tốt cho sức khỏe kéo dài.
Cơ quan chức năng Thái Lan gần đây cũng tăng cường các biện pháp ứng phó, nhất là việc tiến hành kiểm tra các phương tiện thải ra khói đen, đồng thời kiểm tra mức độ phát thải bụi mịn tại hàng trăm nhà máy than, luyện sắt, sản xuất xi măng cũng như các công trường xây dựng.
Số liệu thống kê của Chính phủ Thái Lan cho thấy trong năm 2023, hơn 10 triệu người ở nước này đã phải tới bệnh viện để điều trị các bệnh liên quan ô nhiễm không khí.