Thái Lan: 10 triệu người phải điều trị y tế do ô nhiễm không khí
Kể từ đầu năm 2024, con số này là khoảng 1,6 triệu người, với các căn bệnh như viêm phế quản mãn tính, ung thư phổi, hen suyễn và bệnh tim.
Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia Thái Lan (NESDC) cảnh báo nước này cần tăng cường các biện pháp nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí, trong bối cảnh hơn 10 triệu người tại quốc gia Đông Nam Á này đã phải điều trị y tế liên quan đến tình trạng ô nhiễm vào năm 2023.
Theo NESDC, các thành phố của Thái Lan thường xuyên có mặt trong danh sách những địa điểm có nồng độ bụi mịn PM 2.5 cao nhất nhất thế giới trong những tháng đầu năm nay, do nông dân đốt rơm rạ và khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ hoạt động sản xuất công nghiệp và các phương tiện giao thông.
NESDC nhấn mạnh chính quyền các địa phương cần lưu tâm tới "tác động của PM2.5 đối với sức khỏe cộng đồng," do bụi mịn PM 2.5 có thể dễ dàng xâm nhập cơ thể con người thông qua đường hô hấp và gây nên một số bệnh nguy hiểm như đột quỵ, tim mạch, ung thư...
Dữ liệu của Bộ Y tế Thái Lan cho thấy số bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí tại nước này trong năm 2023 là 10,5 triệu người.
Kể từ đầu năm 2024, con số này là khoảng 1,6 triệu người, với các căn bệnh như viêm phế quản mãn tính, ung thư phổi, hen suyễn và bệnh tim.
Chất lượng không khí ở Thái Lan giảm sút đáng kể trong những tháng đầu năm nay. Trong tháng Hai vừa qua, nhà chức trách thậm chí đã khuyến nghị người dân tại Thủ đô Bangkok làm việc tại nhà trong hai ngày, trong bối cảnh sương mù độc hại bao phủ thành phố này.
Hồi đầu năm nay, Thủ tướng Srettha Thavisin đã cam kết cải thiện chất lượng không khí tại Thái Lan, trong khi Nội các của ông đã tán thành dự luật mang tên “Đạo luật Không khí Sạch” nhằm giải quyết tình trạng chất lượng không khí.