Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ ba, 14/09/2021 11:23 (GMT+7)

Thái Bình: Các cơ sở kinh doanh dịch vụ được hoạt động kể từ 15/9

Theo dõi GĐ&PL trên

UBND tỉnh Thái Bình vừa ban hành văn bản cho phép một số loại hình kinh doanh dịch vụ trên địa bàn hoạt động trở lại từ 5 giờ ngày 15/9.

Tại hội nghị trực tuyến triển khai một số nhiệm vụ cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 chiều 13/9, tỉnh Thái Bình thống nhất chủ trương, từ 5 giờ ngày 15/9 cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống được phục vụ tại chỗ.

Theo báo cáo của ngành Y tế, liên quan đến bệnh nhân nhiễm Covid-19 được công bố ngày 8/9, có địa chỉ tại khu 2, thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy) đã rà soát được 4 trường hợp F1, 88 trường hợp F2. Hiện chưa ghi nhận thêm ca bệnh lây nhiễm thứ phát, các trường hợp F1, F2 đều đã có kết quả xét nghiệm 3 lần âm tính với SARS-CoV-2. Các hoạt động: quản lý ổ dịch; quản lý F0 điều trị khỏi về theo dõi sức khỏe tại nhà; giám sát, truy vết, xét nghiệm, cách ly; kiểm soát người qua chốt được thực hiện hiệu quả.

Đến nay Thái Bình đã hoàn thành 7 đợt tiêm chủng với hơn 158.600 mũi tiêm và đang tiến hành tiêm đợt 8 với 50.000 mũi AstraZeneca. Dịch Covid-19 trên địa bàn vẫn đang được kiểm soát tốt, các mầm bệnh xâm nhập đều đã được quản lý, xử lý kịp thời, không để lây lan ra cộng đồng. Tuy nhiên theo nhận định của ngành Y tế, nguy cơ xâm nhập dịch vào địa bàn tỉnh vẫn luôn thường trực, cần tiếp tục củng cố các biện pháp phòng, chống dịch sao cho phù hợp, hiệu quả.

Ông Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thái Bình đánh giá, các biện pháp phòng, chống dịch đã đưa ra được triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả và nhận được sự hưởng ứng, đồng thuận cao từ nhân dân nhờ đó dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh vẫn được kiểm soát tốt; nhiều ngày không có ca lây nhiễm thứ phát trong cộng đồng, do đó cần điều chỉnh một số biện pháp phòng, chống dịch cho phù hợp.

tm-img-alt
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát ở Thái Bình được phép phục vụ tại chỗ và phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. ( Ảnh:Internet).

Để bảo đảm giữ vững địa bàn an toàn với dịch Covid-19, kiểm soát chặt chẽ không để dịch từ bên ngoài xâm nhập vào tỉnh; đồng thời, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, UBND tỉnh Thái Bình đã cho phép một số loại hình kinh doanh dịch vụ trên địa bàn hoạt động trở lại từ 5 giờ ngày 15/9.

Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát, được phép phục vụ tại chỗ và phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; đảm bảo bố trí khoảng cách tối thiểu 1 mét giữa người với người, 2 mét giữa bàn với bàn.

Khuyến khích sử dụng vách ngăn, lắp đặt camera, hạn chế dùng điều hòa; chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ phải công khai số lượng khách tối đa mà cơ sở có thể phục vụ tại cùng một thời điểm và đảm bảo không phục vụ quá 1/2 số khách tối đa; đóng cửa trước 21 giờ hàng ngày, thực hiện nghiêm ghi nhật ký khách hàng; nghiêm cấm việc sử dụng vỉa hè để kinh doanh.

Đối với dịch vụ ăn uống, giải khát trên tuyến giao thông quốc lộ, giao UBND huyện, TP chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh đánh giá yếu tố nguy cơ, các điều kiện đảm bảo quy định phòng, chống dịch; chủ động quyết định cho phép mở cửa đối với từng khu vực, trường hợp cụ thể, đảm bảo sát với tình hình thực tế và đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch.

Đối với khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở lưu trú: Được đón khách trở lại và phải thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch; hàng ngày cập nhật bản đồ dịch tễ, tổ chức đánh giá, phân loại khách từ tỉnh ngoài đến lưu trú để áp dụng các biện pháp phòng chống dịch phù hợp; phòng nghỉ, phòng ăn được bố trí, sắp xếp dựa vào đánh giá, phân loại yếu tố nguy cơ, sẵn sàng phương án khi có trường hợp nhiễm, nghi nhiễm.

Yêu cầu khách đến lưu trú thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế; không sử dụng dịch vụ ăn uống, giải khát ngoài khu vực lưu trú, không tham gia hoạt động nơi công cộng, chỉ đến nơi đã đăng ký theo lịch trình ban đầu.

Đối với các cơ sở giáo dục, được phép tổ chức ăn bán trú, giao Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND huyện, TP tổ chức thực hiện; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 định kỳ đối với người phục vụ và cơ sở cung cấp dịch vụ theo hướng dẫn của ngành Y tế.

Đối với các bến đò, bến phà tiếp giáp với các tỉnh lân cận, giao Chủ tịch UBND các huyện chủ động quyết định; phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Giao thông Vận tải và các sở, ngành, đơn vị có liên quan siết chặt các biện pháp kiểm soát người và phương tiện ra, vào tỉnh, đảm bảo các quy định phòng, chống dịch.

Cùng với đó, siết chặt quản lý người và phương tiện ra, vào tỉnh. Tiếp tục thực hiện không tiếp nhận công dân (bao gồm cả công dân người Thái Bình) từ các tỉnh, TP, địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ cho tới khi hết giãn cách (trừ các trường hợp thực hiện công vụ, đoàn ngoại giao, các nhà đầu tư, bệnh nhân, người hoàn thành cách ly và các trường hợp thực sự cần thiết phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính trong vòng 72 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm và phải có các giấy tờ liên quan để chứng minh phù hợp với lý do di chuyển vào tỉnh).

Đối với công dân về từ địa phương khác, yêu cầu thực hiện nghiêm việc khai báo y tế và áp dụng các quy định phòng, chống dịch của tỉnh, đảm bảo các điều kiện cần thiết, phù hợp với lý do vào tỉnh./.

Cùng chuyên mục

Hà Nội sắp rét hơn 10 độ C
Do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh mạnh sắp về miền Bắc, nhiệt độ ở Thủ đô Hà Nội có thể sẽ giảm hơn 10 độ C vào ngày cao điểm (dự kiến ngày 28/11).

Tin mới

Hà Nội sắp rét hơn 10 độ C
Do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh mạnh sắp về miền Bắc, nhiệt độ ở Thủ đô Hà Nội có thể sẽ giảm hơn 10 độ C vào ngày cao điểm (dự kiến ngày 28/11).
Đề xuất bệnh viện hạng I có thêm 02 năm để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử
Bộ Y tế hiện đang hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 46/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định hồ sơ bệnh án điện tử. Trong đó, dự thảo này đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 của Điều 20 Thông tư 46/2018/TT-BYT về lộ trình thực hiện bệnh án điện tử, như sau: Đến ngày 31/12/2025, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc phải áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử tại đơn vị.