Tập trung kiểm tra các nhóm thực phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết, lễ hội
Tập trung kiểm tra an toàn thực phẩm các nhóm sản phẩm thực phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và Lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn là yêu cầu tại Chỉ thị về tăng cường công tác y tế đảm bảo đón Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024 do Bộ Y tế ban hành.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Cục An toàn thực phẩm tham mưu Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm trung ương chỉ đạo địa phương, cơ quan chức năng trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, bảo đảm an toàn thực phẩm trong thời gian trước, trong và sau Tết. Trong đó, tập trung vào các nhóm sản phẩm thực phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và Lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn.
Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố và Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh: Tham mưu Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm địa phương triển khai Kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên Đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân 2024.
Bên cạnh đó, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định, kiến thức về an toàn thực phẩm để nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong bảo đảm an toàn thực phẩm bằng nhiều hình thức, phương tiện truyền thông thích hợp; huy động toàn xã hội tham gia phòng ngừa, đấu tranh với việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng.
Các địa phương tăng cường kiểm tra, thanh tra liên ngành bảo đảm an toàn thực phẩm trong thời gian trước, trong và sau Tết, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết, lễ hội có yếu tố nguy cơ cao; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, đồng thời biểu dương các tổ chức, cá nhân, các địa chỉ sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn cho cộng đồng.
Cục Y tế dự phòng thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trong nước, quốc tế; kịp thời báo cáo Bộ Y tế và cấp có thẩm quyền diễn biến dịch bệnh, tham mưu các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.
Bộ Y tế yêu cầu Cục Y tế dự phòng chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường triển khai các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch bệnh; đặc biệt đối với dịch bệnh lây truyền qua đường hô hấp, dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi; theo dõi, giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh ngay tại cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế để kịp thời xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm, không để lây lan rộng, bùng phát kéo dài tại cộng đồng.
Song song với đó tăng cường các biện pháp truyền thông trong phòng, chống dịch bệnh và tiêm chủng cho trẻ em đúng độ tuổi; củng cố, tổ chức tập huấn, diễn tập, sẵn sàng triển khai các đội đáp ứng nhanh phòng, chống dịch; xây dựng kế hoạch, dự trữ đủ thuốc, vật tư, hóa chất, thiết bị, phương tiện đảm bảo đáp ứng các yêu cầu trong phòng, chống dịch.
Cục Y tế dự phòng chỉ đạo các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố xây dựng và triển khai các phương án, kịch bản phòng, chống dịch trong dịp Tết; nâng cao năng lực đội phản ứng nhanh để kịp thời đáp ứng, không để bị động, bất ngờ trước các tình huống dịch bệnh.
Đồng thời, tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát các đơn vị y tế dự phòng trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tiêm chủng theo quy định.
Trước đó, Ban thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đã ban hành Kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024 nhằm thanh tra, kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và sử dụng thực phẩm; tăng cường kiểm soát, ngăn chặn kịp thời việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng; đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng; phòng chống ngộ độc thực phẩm.
Theo đó, từ ngày 20/12/2023 đến ngày 15/3/2024, năm đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm tiến hành thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, các chợ đầu mối, siêu thị… có các mặt hàng thực phẩm sử dụng nhiều trong dịp Tết Giáp Thìn và các lễ hội tại 10 tỉnh, thành phố gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Ninh Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Kon Tum, Gia Lai,Thái Nguyên, Bắc Kạn.
Ban Chỉ đạo Trung ương yêu cầu các địa phương kiểm soát bảo đảm an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân 2024, đặc biệt là các sản phẩm/nhóm sản phẩm sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán và trong các Lễ hội như: thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm... và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm, kiểm soát không để xảy ra ngộ độc thực phẩm, nhất là ngộ độc tập thể, ngộ độc rượu do methanol…