Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ sáu, 21/07/2023 10:26 (GMT+7)

Sử dụng Flycam khi chưa được cấp phép bị xử lý thế nào?

Theo dõi GĐ&PL trên

Luật sư cho biết, những hành vi không đăng ký mà cho bay Flycam trên bầu trời còn có thể bị xử lý hành chính; trường hợp gây ra các hậu quả đến tính mạng, danh dự, sức khoẻ;… thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Sử dụng Flycam khi chưa được cấp phép bị xử lý thế nào?
Ảnh minh họa.

Ngày 16/7, Công an tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh phát hiện 01 phương tiện bay không người lái có gắn camera (Flycam) bay trên địa bàn phường Tân Quang, TP. Tuyên Quang chưa được cấp giấy phép theo quy định của pháp luật.

Qua tiến hành xác minh, tổ công tác xác định Flycam trên do anh P.M.H (sinh năm 1999, trú Tổ 6, phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang) điều khiển. Tổ công tác đã tiến hành mời anh P.M.H đến trụ sở để làm việc.

Tại cơ quan Công an, sau khi nghe cán bộ giải thích về các quy định của pháp luật, anh P.M.H đã nhận thức rõ hành vi điều khiển thiết bị bay không được cấp phép bay là trái quy định. Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản vi phạm, bàn giao cho Công an TP. Tuyên Quang để xử lý theo thẩm quyền.

Qua vụ việc trên, nhiều người dân thắc mắc đặt ra câu hỏi về vấn đề ai được phép sử dụng Flycam? Những khu vực nào cấm bay Flycam? Trong trường hợp nào người dân sử dụng thiết bị bay không người lái (Flycam) thì vi phạm pháp luật và bị xử lý như thế nào?

Liên quan đến vấn đề này, theo Luật sư Bùi Xuân Lai, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, Flycam còn có tên gọi khác là Flying Camera hay là máy bay điều khiển từ xa. Flycam là một thiết bị bay có gắn camera và được điều khiển từ xa để chụp ảnh, quay video.

Căn cứ tại khoản 1, Điều 3, Nghị định 36/2008/NĐ-CP về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ quy định, tàu bay không người lái là thiết bị bay mà việc điều khiển, duy trì hoạt động của chuyến bay không cần có sự tham gia điều khiển trực tiếp của phi công, tổ lái trên thiết bị bay đó.

Do đó, Flycam được xem như một thiết bị tàu bay không người lái.

Hiện nay, theo quy định pháp luật của Việt Nam về quản lý tàu bay không người lái, các phương tiện bay siêu nhẹ được nêu rõ tại Nghị định 36/2008/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 79/2011/NĐ-CP). Cụ thể, các tổ chức, cá nhân sử dụng tàu bay không người lái, khí cầu bay không người điều khiển, mô hình bay, khí cầu có người điều khiển để thực hiện các chuyến bay trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, thể thao, nghiên cứu khoa học cần thực hiện xin cấp phép bay theo đúng quy định của pháp luật.

Theo đó, việc sử dụng Flycam ở nước ta không bị cấm hoàn toàn nhưng cũng sẽ có một số giới hạn nhất định. Điển hình như việc người sử dụng phải làm thủ tục xin phép bay do hoạt động bay có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng… Những hành vi không đăng ký mà cho bay Flycam trên bầu trời còn có thể bị xử lý hành chính; trường hợp gây ra các hậu quả đến tính mạng, danh dự, sức khoẻ;… thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo Điều 16, Nghị định 36/2008/NĐ-CP quy định, các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định tại Nghị định này tùy theo mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, thu hồi giấy phép hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, căn cứ tại điểm đ, khoản 2, Điều 7, Nghị định 144/2021/NĐ-CP; điểm i, khoản 2, Điều 7, Nghị định 144/2021/NĐ-CP; điểm k, khoản 2, Điều 7, Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về trật tự công cộng thì sẽ xử phạt hành chính với các hành động sử dụng Flycam không xin giấy phép bay như sau:

- Sử dụng tàu bay không người lái chưa có giấy phép hoặc đã đăng ký nhưng điều khiển bay không đúng thời gian, địa điểm, khu vực, tọa độ, giới hạn cho phép;

- Không có đủ hồ sơ, tài liệu mang theo khi khai thác tàu bay không người lái;

- Tổ chức các hoạt động bay của tàu bay không người lái khi người trực tiếp khai thác, sử dụng chưa đáp ứng các tiêu chuẩn đủ điều kiện bay;

- Tổ chức các hoạt động bay của tàu bay không người lái khi phương tiện bay chưa đáp ứng các tiêu chuẩn đủ điều kiện bay;

Như vậy, việc sử dụng Flycam không xin giấy phép bay Flycam sẽ bị xử phạt hành chính từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Đối với những khu vực nào cấm bay Flycam thì theo Điều 3, Quyết định 18/2020/QĐ-TTg quy định, những khu vực cấm bay flycam bao gồm:

- Khu vực các công trình quốc phòng và khu quân sự đặc biệt quan trọng do Chính phủ ủy quyền cho Bộ Quốc phòng trực tiếp chỉ đạo việc quản lý, bảo vệ;

- Khu vực trụ sở làm việc các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành trung ương; trụ sở Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; trụ sở làm việc của Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; trụ sở các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam;

- Khu vực đóng quân; khu vực triển khai lực lượng, trang bị chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện chiến đấu, bảo vệ mục tiêu; khu vực kho tàng, nhà máy, căn cứ (trung tâm) hậu cần, kỹ thuật, trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ của các lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; khu vực các công trình trong danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia;

- Khu vực cảng hàng không, sân bay có hoạt động của tàu bay hàng không dân dụng, quân sự;

- Khu vực nằm trong giới hạn của đường hàng không, các vệt bay, hành lang bay đã được cấp phép trong vùng trời Việt Nam, phạm vi giới hạn của đường hàng không được nêu trong Tập thông báo tin tức hàng không của Việt Nam “AIP Việt Nam” do Cục Hàng không Việt Nam công bố;

- Trong trường hợp đặc biệt vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc theo đề nghị của các bộ, ngành, địa phương để đảm bảo an toàn bay, trật tự an toàn xã hội, Bộ Quốc phòng quyết định hạn chế bay tạm thời hoặc cấm bay tạm thời đối với tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ tại một hoặc một số khu vực trong lãnh thổ Việt Nam; quyết định này có hiệu lực ngay.

Cùng chuyên mục

Rút BHXH một lần, sau này có tham gia trở lại được không?
Theo Luật BHXH hiện hành, sau 12 tháng người lao động (NLĐ) không tham gia BHXH bắt buộc, tự nguyện và thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được rút BHXH một lần. Quy định này cho phép NLĐ dễ dàng rời khỏi hệ thống BHXH và tham gia đóng BHXH lại từ đầu.
Điều kiện đăng ký dự thi nâng ngạch công chức
Điều kiện đăng ký dự thi nâng ngạch công chức được nêu rõ tại Nghị định 116/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức do Chính phủ ban hành ngày 17/9/2024.
Những sự kiện, hành vi cần lập vi bằng làm bằng chứng
Theo khoản 1 Điều 36 Nghị định 08/2020/NĐ-CP, thừa phát lại được lập vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi toàn quốc, trừ các trường hợp không lập vi bằng.
Trường hợp về hưu trước tuổi vẫn hưởng 75% lương
Viên chức y tế đã có 28 năm 03 tháng đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, trong đó có 17 năm 08 tháng làm công việc khám và điều trị trực tiếp cho bệnh nhân AIDS. Theo đó, viên chức này muốn biết liệu mình có đủ điều kiện nghỉ hưu sớm và có bị giảm 2% lương hưu mỗi năm về trước tuổi hay không?
Nghỉ hưu có được nhận lại tiền bảo hiểm thất nghiệp đã đóng?
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết, Bộ này đã nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Vĩnh Phúc về việc nghiên cứu sửa đổi Luật Việc làm theo hướng người đóng BHTN nhưng đến khi về hưu hoặc chấm dứt hợp đồng lao động mà chưa được hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) thì được thanh toán số tiền cá nhân đã đóng BHTN (1%) vào Quỹ BHTN vì theo nguyên tắc của bảo hiểm là có đóng có hưởng.

Tin mới