Sau 10 năm dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Đình Lâm, sức khoẻ tài chính của PVComBank ra sao?
Quý 4/2022, lợi nhuận trước thuế của PVComBank chỉ đạt 14,5 tỷ đồng, giảm tới 83,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng tăng gần 30% so với hồi đầu năm 2022.
Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVComBank) được thành lập ngày 16/09/2013 trên cơ sở hợp nhất giữa Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) và Ngân hàng TMCP Phương Tây (WesternBank). Kể từ năm 2013 đến nay, ông Nguyễn Đình Lâm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT của ngân hàng này.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022, lợi nhuận trước thuế của PVComBank giảm tới 83,1% so với cùng kỳ năm 2021, chỉ đạt gần 14,5 tỷ đồng.
So với quý 4/2021, thu nhập lãi thuần của PVComBank tăng đột biến cao gấp 32,7 lần lên mức 1.211,3 tỷ đồng; lãi từ hoạt động dịch vụ đạt 53,2 tỷ đồng cao gấp 4,3 lần; lãi từ hoạt động khác đạt 174,8 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ gần 94 tỷ đồng).
Tuy nhiên, lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh giảm 59,7% xuống còn 43,1 tỷ đồng; thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần giảm 90,8% chỉ đạt 4,9 tỷ đồng. Đáng chú ý, hoạt động kinh doanh ngoại hối lỗ gần 45 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 950 triệu đồng); hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lỗ 271,7 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi tới 1.578 tỷ đồng.
Trong quý 4/2022, chi phí hoạt động của PVComBank là 990 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ; chi phí dự phòng rủi ro tín dụng là 166,2 tỷ đồng, giảm tới 67,3%.
Mặc dù cắt giảm chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng nhưng lợi nhuận trước thuế của PVComBank chỉ đạt 14,5 tỷ đồng giảm 83,1% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 11,4 tỷ đồng, giảm 85,8%.
Tính tới ngày 31/12/2022, dòng tiền hoạt động kinh doanh của PVComBank đang âm tới 6.673,4 tỷ đồng (cùng kỳ dương gần 630 tỷ đồng); dòng tiền hoạt động đầu tư âm 89,6 tỷ đồng; Trái ngược, dòng tiền hoạt động tài chính lại dương tới 8.923,3 tỷ đồng nhờ nguồn tiền từ phát hành giấy tờ có giá dài hạn.
Tại thời điểm cuối năm 2022, tổng tài sản của PVComBank đạt 235.151,7 tỷ đồng, tăng 22,5% so với hồi đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 21,4%, đạt 107.713 tỷ đồng; tiền gửi tại NHNN giảm 42,5% còn 2.863,4 tỷ đồng; tiền gửi tại các TCTD khác tăng 25,1% lên mức 21.784,2 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, tiền gửi của khách hàng tại PVComBank đạt 164.870,2 tỷ đồng, tăng 10,2% so với thời điểm đầu năm; tiền gửi của các TCTD khác tăng 68,1% đạt 25.767,7 tỷ đồng.
Về chất lượng cho vay, hết quý 4/2022, tổng nợ xấu nội bảng của PVComBank đạt mức 3.063 tỷ đồng, giảm 1,3% so với hồi đầu năm. Tuy nhiên lại có sự dịch chuyển từ nhóm nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3), nợ nghi ngờ (nhóm 4) sang nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5). Dẫn tới, nợ nhóm 5 tăng 29,5% lên mức 2.008,5 tỷ đồng, chiếm 65,5% tổng nợ xấu của PVComBank. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của PVComBank khi kết thúc quý 4/2022 là 2,84%.
Nguyên nhân sụt giảm nợ xấu của PVComBank là do ngân hàng này đã bán nợ xấu 742,4 tỷ đồng cho Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản các TCTD Việt Nam (VAMC) trong năm 2022.
Tính đến ngày 31/12/2022, nợ xấu của PVComBank tại VAMC (dưới dạng trái phiếu đặc biệt) là gần 8.243 tỷ đồng tăng gần 10% so với hồi cuối năm 2021. Do đó, ngân hàng này phải trích lập dự phòng 290,4 tỷ đồng cho khoản nợ xấu này.
Theo báo cáo dư nợ cho vay theo ngành, PVComBank đang cho vay vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt mức 7.254,6 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2022, chiếm 6,7% dư nợ cho vay của ngân hàng này. Tuy nhiên, trên thực tế, dòng vốn chảy vào bất động sản có thể còn nhiều hơn con số này vì tiền vào bất động sản có thể thông qua kênh “vay tiêu dùng” và đầu tư trái phiếu.
PVComBank hiện đang nắm giữ 7.559,3 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp dưới dạng chứng khoán nợ và 86 tỷ đồng dưới dạng chứng khoán vốn.
Mặc dù không công bố nhưng theo BCTC hợp nhất quý 1/2023 của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, HoSE: NVL), công ty con PVComBank là Công ty CP Chứng Khoán Dầu Khí (PVComBank sở hữu 51,17% vốn) với tư cách đại lý phát hành/tổ chức tư vấn tới 6.443,8 tỷ đồng cho Novaland.
Trong đó bao gồm 5 gói trái phiếu ngắn hạn lần lượt có trị giá 946,7 tỷ đồng, 1.000 tỷ đồng, 650 tỷ đồng, 450 tỷ đồng và 250 tỷ đồng.
Ở trái phiếu dài hạn, Công ty CP Chứng Khoán Dầu Khí cũng tổ chúc tư vấn phát hành lần lượt các gói 1.497,1 tỷ đồng, 1.000 tỷ đồng, 650 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đình Lâm 10 năm giữ Chủ tịch HĐQT PVComBank
PVComBank được thành lập ngày 16/09/2013 trên cơ sở hợp nhất giữa Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) và Ngân hàng TMCP Phương Tây (WesternBank). Hiện ngân hàng này có cổ đông lớn là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (chiếm 52%), cổ đông chiến lược Morgan Stanley (6,7%) và cổ đông khác (chiếm 41,3%). Từ khi hoạt động đến nay, ông Nguyễn Đình Lâm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT của ngân hàng này.
Ngoài vị trí Chủ tịch HĐQT PVComBank, ông Lâm còn là Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC). Theo thông tin mà PV có được, ông Nguyễn Đình Lâm (SN: 1970) có trình độ cử nhân Pháp luật quốc tế (Đại học Luật Hà Nội) và là thạc sĩ Quản trị kinh doanh (Đại học Kinh tế Quốc dân).
Về quá trình làm việc, trong khoảng thời gian năm 2004-2005, ông làm Giám đốc Xí nghiệp Phát triển công nghệ và hạ tầng (thuộc Công ty Xây dựng số 4, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội). Từ tháng 4/2005 đến tháng 3/2006 là Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây Dựng số 4 (Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội).
Giai đoạn từ tháng 3/2006 đến tháng 8/2007, là Giám đốc Ban Điều hành thi công xây dựng dây chuyền số 2 -công trình nhà máy xi măng Nghi Sơn - Thanh Hóa của Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội. Từ tháng 8/2007 đến tháng 2/2008, ông Nguyễn Đình Lâm chuyển sang làm Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Điện lực dầu khí.
Từ tháng 2/2008 ông Lâm làm Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) cho đến tháng 12/2008. Và từ tháng 1/2009 ông Lâm ngồi ghế Chủ tịch HĐQT PVFC cho đến nay. Như vậy, ghế Chủ tịch HĐQT PVFC cũng chỉ ông Lâm ngồi đến nay đã gần 15 năm.
Đồng thời, từ tháng 9/2013 đến nay, ông Lâm cũng là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại chúng (PVComBank).