Sách “Kiến trúc Hà Nội - Giao thoa văn hóa Việt - Pháp” - thước phim đưa người đọc “xuyên không” về Hà Nội thế kỷ XIX - XX
Được ví như một cuốn phim về lịch sử Hà Nội, cuốn sách “Kiến trúc Hà Nội - Giao thoa văn hóa Việt - Pháp” là chuyến du hành ngược thời gian trở về với Hà Nội của thế kỷ 19, 20. KTS Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch AA Corporation, đồng thời là cố vấn cao cấp của dự án chia sẻ những câu chuyện thú vị về cuốn sách.
“Kiến trúc Hà Nội - Giao thoa văn hóa Việt - Pháp” do NXB Thế giới in ấn và Phanbook phát hành đã chính thức ra mắt bạn đọc, với định dạng bìa cứng, thiết kế ấn tượng, dày 364 trang, song ngữ Việt - Pháp, kèm theo ấn phẩm là một video ngắn về quá trình thực hiện, nghiên cứu.
Cuốn sách đưa bạn đọc khám phá từng ngóc ngách và chi tiết của 18 công trình kiến trúc tiêu biểu của Hà Nội qua các thời kỳ, đặc biệt là các công trình thời Pháp thuộc như Phủ Chủ tịch, Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà khách Chính phủ, Trụ sở Tòa án Nhân dân Tối cao, Nhà tù Hỏa Lò, Khách sạn Metropole Hanoi, Thư viện trường PTTH Chu Văn An… Đây là cuốn sách được biên soạn bởi những người trẻ Việt Nam với mong muốn tiếp tục gìn giữ di sản vô giá.
Phải mất hai năm để thực hiện cuốn sách, chắc hẳn khó khăn trong quá trình này không hề nhỏ, thưa ông?
Việc biên soạn cuốn sách gặp khá nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. Thứ nhất là một số công trình bây giờ không hẳn giống xưa vì người ta có thể đã bắt đầu sửa chữa dù đại đa số đều giữ được khá tốt. Thứ hai là nhiều ảnh chụp không đúng như thực tế vì đã bị che bằng biểu hiện hoặc biển quảng cáo.
Thứ ba là tìm kiếm tư liệu gốc, bởi vì chúng tôi muốn cuốn sách mang tính học thuật, nghĩa là phải biết ngày xưa bản vẽ thế nào, bây giờ là nó ra sao. Nên đội ngũ biên soạn phải tìm kiếm rất nhiều tư liệu lưu trữ. Nơi lưu trữ nhiều nhất những tư liệu này là ở các thư viện tại Pháp. Và cũng rất may mắn, trong quá trình thực hiện chúng tôi đã kết nối được với chị Trần Hải Anh - Chủ nhiệm dự án đã mất nhiều tháng ròng ngồi lì ở thư viện ở bên Pháp, chụp ảnh và gửi về Việt Nam cho chúng tôi.
Thêm một điều nữa, thực sự là thách thức chứ không phải là khó khăn, đó chính là đã có nhiều cuốn sách viết về kiến trúc Hà Nội. Bây giờ khi chúng tôi bắt tay làm một cuốn cùng đề tài thì phải làm sao mới và hay hơn những cuốn đã từng ra mắt.
Một cuốn sách kiến trúc hấp dẫn đã khó, vậy thì làm thế nào để hấp dẫn những người trẻ?
Nội dung sách hoàn toàn mang tính học thuật, để mà nói là hấp dẫn thú vị thì là không. Nhưng hình thức lại được trình bày bắt mắt. Nhiều người đọc nhận xét xem sách như một cuốn phim ký sử.
Tôi tin là cuốn sách này sẽ khiến cho độc giả trẻ cảm thấy yêu thích. Hoạ sĩ vẽ những bức minh hoạ là một người rất trẻ, có cách nhìn khá thú vị về Hà Nội.
Sách cho người trẻ nhưng giá bán lại khá cao, lên tới 2,5 triệu đồng?
Sở dĩ đưa ra một giá bán khá cao so với mặt bằng chung ở Việt Nam bởi chúng tôi so sánh với giá của những dòng sách tương tự xuất bản ở Trung Quốc hoặc châu Á. Sách xuất bản song ngữ và dành cho độc giả nước ngoài, nên giá bán cũng tương ứng và chừng hơn 100 USD.
Giá cao cũng để thấy sự công phu để thực hiện cuốn sách. Thực tế, có nhiều bạn trẻ sẵn sàng chi vài triệu để mua một đôi giày hay một bộ quần áo, thì việc bỏ ra 2,5 triệu đồng để sưu tập một cuốn sách công phu như “Kiến trúc Hà Nội - Giao thoa văn hoá Việt - Pháp” là điều càng đáng trân trọng.
Bản thân tôi thấy cuốn sách không nên được bày trên giá sách như thông thường mà có thể đặt trên bàn như một món lưu niệm, trang trí và những người trong gia đình có thể mở ra xem bất kỳ lúc nào.
Ông có thể chia sẻ rõ hơn về mong muốn gìn giữ các di sản thông qua cuốn sách này không?
Thực sự bản thân tôi mong muốn, đông đảo độc giả, trong đó có những độc giả trẻ hiểu được di sản văn hoá Hà Nội qua nghệ thuật kiến trúc; đồng thời phát huy giá trị của những di sản ấy trong cuộc sống đương đại.
Cách đây 10 năm khi lần đầu tiên tôi đến TP Firenze của Ý - cái nôi của kiến trúc phục hưng, tôi đã ngỡ ngàng thán phục về sự tài hoa của các KTS và nhân công Ý. Nhưng điều làm tôi ấn tượng hơn là số lượng khách du lịch đến viếng Firenze hàng năm - những người đã đóng góp rất lớn cho kinh tế Firenze, thông qua các dịch vụ ăn uống và lưu trú. Hơn 60% kinh tế của thành phố từ dịch vụ du lịch là nhờ vào các di sản kiến trúc điêu khắc, hội họa của các thời kỳ phục hưng và trước đó. Các di sản này sẽ tiếp tục đóng góp cho kinh tế Firenze và nước Ý nói chung ở tương lai.
So với các nước Đông Nam Á, Hà Nội đang có trong tay một di sản quý báu như vậy. Mặc dù trải qua hai cuộc chiến tranh, Hà Nội vẫn giữ lại phần lớn di sản kiến trúc đã được xây dựng từ thời phong kiến đến thời Pháp thuộc. Đó là những tác phẩm tài hoa được thiết kế và thực hiện bởi các KTS, nghệ nhân, công nhân Pháp lẫn Việt.
Các di sản này cần được gìn giữ, để làm nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ sáng tác mai sau. Để đóng góp vào nền kinh tế du lịch thủ đô, và nhiều hơn, để gìn giữ nét văn hóa thanh lịch của Hà thành.
Vậy, với tư cách là một du khách, ông có nghĩ Hà Nội hấp dẫn ở những góc di sản kiến trúc?
Theo quan điểm cá nhân của tôi, để một địa danh trở nên hấp dẫn cần có sự kết hợp hài hoà nhiều yếu tố. Tuy nhiên ở góc độ di sản của Thăng Long - Hà Nội đến giờ, tôi vẫn thích thú với phố cổ Hà Nội. Hà Nội 36 phố phường luôn có nét đẹp riêng, kể cả khi cuối Thu hay đầu Đông. Tuy nhiên thách thức chính là việc giữ gìn sự cổ kính, rêu phong ấy của khu phố cổ. Đó là nét đẹp riêng mà những thành phố trẻ như Bangkok hay Singapore không thể có được. Vì thế, tôi mong rằng những người trẻ dành tình yêu cho văn hoá và di sản kiến trúc Hà Nội, từ đó có ý thức bảo tồn, phát huy giá trị của nó trong tương lai.
Xin cảm ơn KTS!