Rao bán CCCD, CMND: Coi chừng bị xử lý hình sự
Luật sư cho biết, trường hợp rao bán CCCD, CMND của người khác là hành vi vi phạm pháp luật. Theo đó, có thể tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà người có hành vi vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Những ngày gần đây, căn cước công dân (CCCD), chứng minh nhân dân (CMND) của người khác được một số đối tượng rao bán công khai trên mạng xã hội với giá vài trăm nghìn. Được biết, đây là các loại giấy tờ thật do người dân vì nhiều lý do mà không may đánh rơi, mất…
Vậy, trường hợp rao bán CCCD, CMND của người khác có vi phạm pháp luật không?
Theo Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho hay, trường hợp rao bán CCCD, CMND của người khác là hành vi vi phạm pháp luật, theo đó có thể tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà người có hành vi vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về chế tài xử phạt hành chính thì đối với hành vi vi phạm, theo quy định tại Điều 102, Nghị định 15/2020/NĐ-CP, các hành vi thu thập, rao bán thông tin CMND/CCCD có thể bị xử phạt như sau:
Đối với hành vi “Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật” có thể bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo điểm e, khoản 3, Điều 102, Nghị định 15/2020/NĐ-CP.
Còn đối với hành vi “Mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông” thì có thể xử phạt từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng theo điểm a, khoản 5, Điều 102, Nghị định 15/2020/NĐ-CP.
Về chế tài hình sự, thì hành vi này có dấu hiệu cấu thành tội "Xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác" quy định tại Điều 159, Bộ luật Hình sự năm 2015 với mức hình phạt cao nhất lên đến 03 năm tù. Ngoài ra, còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm; hoặc tội "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông" quy định tại Điều 288, Bộ luật Hình sự năm 2015, với mức hình phạt cao nhất đến 07 năm tù. Ngoài ra, còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Luật sư cho biết, nếu người nào sử dụng thông tin cá nhân của người khác để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, làm giả giấy tờ, tài liệu để tham gia các giao dịch không hợp pháp… thì tùy tính chất, mức độ của hành vi phạm tội các đối tượng sẽ bị xử lý về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự; tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức", tội "Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức".
Luật sư khuyến cáo, người dân khi bị mất CCCD, CMND cần rà soát ngay các tài khoản, các giao dịch để tăng cường tính bảo mật cho các tài khoản cá nhân như: Tài khoản ngân hàng, tài khoản làm việc, tài khoản mạng xã hội, các giao dịch trong sinh hoạt hàng ngày khác. Nếu phát hiện các tài khoản ngân hàng và tài khoản giao dịch khác có dấu hiệu bị xâm nhập trái phép sau khi mất CCCD, CMND thì người bị mất CCCD, CMND cần liên hệ ngay cơ quan quản lý các tài khoản trên để khóa tài khoản hoặc tăng cường bảo mật, hỗ trợ kịp thời.