Phát hiện trứng gà 1.000 năm tuổi còn nguyên vẹn
Theo các nhà khảo cổ học, quả trứng gà 1.000 năm tuổi được bọc trong lớp phân người tạo ra điều kiện kỵ khí hiếm gặp thực tế đã giúp bảo quản lớp vỏ mỏng của nó một cách hoàn hảo.
Các nhà khảo cổ học Israel đã phát hiện ra một quả trứng gà hoàn toàn nguyên vẹn 1.000 năm tuổi ở Yavne, một thành phố ở miền trung Israel, nhưng khi họ cố gắng làm sạch và duy trì tình trạng hoàn hảo của nó, quả trứng không may bị nứt.
Theo thông báo công bố hôm 9/6, quả trứng gà được các nhà khoa học từ Cơ quan Cổ vật Israel phát hiện trong một hầm chứa khi đang khai quật Yavne như một phần của dự án phát triển đô thị trong thành phố.
Tiến sĩ Lee Perry Gal, một nhà nghiên cứu về gia cầm trong thế giới cổ đại, mô tả sự hiếm có của phát hiện này.
"Các mảnh vỡ của vỏ trứng từng được tìm thấy trước đây, ví dụ như ở thành phố David, ở Caesarea và Apollonia, nhưng do lớp vỏ mỏng manh nên hầu như không có quả trứng gà nguyên vẹn nào được bảo quản. Ngay cả ở cấp độ toàn cầu, đây là một điều hiếm có", tiến sĩ Gal cho hay. “Trong các cuộc khai quật khảo cổ, chúng tôi thỉnh thoảng tìm thấy những quả trứng đà điểu cổ đại, có lớp vỏ dày hơn giúp chúng được bảo quản nguyên vẹn”.
Tuy nhiên, vỏ của quả trứng đã vỡ trong quá trình thu thập dù các nhà khảo cổ cố gắng hết sức để giữ gin nó trong tình trạng tốt nhất. May mắn thay, lớp vỏ này đã được phục hồi trong phòng thí nghiệm hữu cơ của Cơ quan Cổ vật Israel.
"Chỉ còn một ít lòng đỏ bên trong, nhưng nó ít nhiều đã rỗng. Chúng tôi sẽ lấy phần còn lại và chiết xuất một số collagen để cố gắng tạo chuỗi ADN", Gal nói. Đừng lo lắng, quả trứng đã trở lại tình trạng hoàn chỉnh sau khi xử lý trong phòng thí nghiệm hữu cơ".
"Thậm chí ngày nay, trứng hiếm khi tồn tại được lâu trong các hộp ở siêu thị. Thật kinh ngạc khi nghĩ rằng đây là một phát hiện 1.000 năm tuổi", nhà khảo cổ Alla Nagorsky của Cơ quan Cổ vật Israel, nói.
Theo các nhà nghiên cứu, gà đã tồn tại ở Israel gần 2.300 năm, có niên đại từ thời Hy Lạp hóa và thời kỳ đầu La Mã. Và sự hiện diện của gà ngày càng nhiều, sau sự nổi lên của đạo Hồi ở thế kỷ thứ VII sau Công nguyên trong khu vực, với lệnh cấm tiêu thụ thịt lợn, bằng chứng là lượng xương lợn được tìm thấy tại một số địa điểm trong khu vực đã giảm.
Perry Gal cho biết: “Các gia đình cần một chất thay thế protein không cần làm lạnh và bảo quản và họ đã tìm thấy chất này trong trứng và thịt gà".
Ngoài quả trứng thời Trung cổ, ba con búp bê bằng xương được sử dụng làm đồ chơi trong thời kỳ Hồi giáo, khoảng 1.000 năm trước, cũng được phát hiện trong bể chứa.