Những sự kiện kinh tế nổi bật của Việt Nam năm 2021
Ban hành Nghị quyết cho phép thực hiện một số biện pháp chưa có tiền lệ trong hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19; Khai thác thương mại tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông;... là những sự kiện kinh tế nổi bật của Việt Nam trong năm 2021.
Ban hành Nghị quyết cho phép thực hiện một số biện pháp chưa có tiền lệ hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19
Ngày 28/7, tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15; trong đó giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và tổ chức thực hiện một số biện pháp chưa được quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.
Đồng thời, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều quyết sách, đặc biệt Nghị quyết 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 được coi là mở đường, tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương chủ động các biện pháp chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh.
Theo số liệu từ các cơ quan chức năng, tính đến đầu tháng 12/2021, các ngành đã miễn, giảm, giãn khoảng 140 nghìn tỉ đồng tiền thuế, phí cho doanh nghiệp; xuất cấp hơn 253 nghìn tấn gạo hỗ trợ người dân; giải ngân 1.754 tỉ đồng hỗ trợ trả lương cho người lao động; miễn, giảm lãi, phí khoảng 31 nghìn tỉ đồng cho khách hàng của các tổ chức tín dụng...
Khai thác thương mại tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của cả nước Cát Linh - Hà Đông
Ngày 06/11, Bộ Giao thông Vận tải và UBND TP. Hà Nội chính thức ký bàn giao dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông để đưa vào vận hành khai thác.
Là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Thủ đô và của cả nước, phương thức vận tải khách công cộng khối lượng lớn này hứa hẹn sẽ góp phần giảm tắc nghẽn giao thông tại Hà Nội. Tuyến đường có tổng chiều dài 13km, toàn bộ đi trên cao với 12 ga (điểm đầu là ga Cát Linh, điểm cuối là ga Yên Nghĩa) và 13 đoàn tàu.
Dự án sử dụng vốn vay ODA của Trung Quốc với tổng mức vốn đầu tư là 18.000 tỉ đồng, tăng thêm 57% so với dự toán ban đầu. Dự án đã trải qua 10 năm thi công với nhiều lần lỡ hẹn hoàn thành.
Cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050
Ngày 01/11, tại Hội nghị Thượng đỉnh của các Nhà lãnh đạo trong khuôn khổ Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã công bố những cam kết của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.
Việt Nam cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đồng thời nhất trí ủng hộ những tuyên bố, sáng kiến quan trọng về bảo vệ rừng, chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, hỗ trợ thích ứng cho các cộng đồng địa phương và giảm thiểu khí metan.
Việt Nam cũng cam kết dần loại than khỏi sản xuất điện và ngừng hỗ trợ xây nhà máy điện than mới. Những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đã nhận được đánh giá tích cực của dư luận quốc tế, đồng thời cho thấy rõ hơn vai trò dẫn dắt của Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á và trên thế giới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Quốc hội thông qua kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế
Ngày 12/11, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Nghị quyết chỉ rõ cần hình thành cơ cấu hợp lý, hiệu quả; phát triển được nhiều sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao; tạo bứt phá về năng lực cạnh tranh của một số ngành kinh tế chủ lực; nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế.
Trong bối cảnh quốc tế và trong nước có những cơ hội, thuận lợi đan xen với thách thức, khó khăn, đặc biệt dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, Chính phủ xác định Kế hoạch này cần được thực hiện quyết liệt nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi của nền kinh tế và tạo đà bứt phá cho giai đoạn tới.
Những kỷ lục chưa từng có trên thị trường chứng khoán
Năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam đã lập những kỷ lục chưa từng có trong lịch sử về điểm số, thanh khoản và số tài khoản mở mới. VN-Index đạt mức cao nhất 1.500,8 điểm trong lịch sử giao dịch vào phiên 25/11, tăng gần 36% so với cuối năm 2020.
Thanh khoản thường xuyên đã đạt mức hàng tỉ USD, đặc biệt lập kỷ lục ngày 23/12 với gần 53 nghìn tỉ đồng, tương ứng gần 2,3 tỉ USD. Riêng trong 11 tháng, nhà đầu tư trong nước mở mới hơn 1,3 triệu tài khoản chứng khoán, cao hơn tổng lượng tài khoản mở mới của 4 năm trước đó cộng lại. Nhà đầu tư trong nước chính là nhân tố quyết định xác lập các kỷ lục lịch sử của thị trường chứng khoán trong năm.
Ngoài ra, theo thông tin từ Tổng cục thống kê, GDP năm 2021 của Việt Nam ước tính tăng 2,58% so với năm 2020. Như vậy, có thể nói, trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, đây là một thành công, nỗ lực rất lớn của Việt Nam.