Nhìn lại toàn cảnh 10 ngày nỗ lực cứu bé trai 10 tuổi rơi xuống trụ bê tông
Đã 10 ngày trôi qua, mọi công tác cứu hộ, cứu nạn đến hiện tại đều chưa thành. Thi thể cháu bé vẫn chưa thể được đưa lên mặt đất.
Trước đó, trưa 31/12/2022, em Thái Lý Hạo Nam cùng một nhóm trẻ em độ tuổi từ 11 đến 12 đi vào công trường, công trình cầu Rọc Sen nằm trên đường tỉnh 857, xã Phú Lợi.
Lúc đi qua công trình đang thi công, Nam lọt xuống cọc bê tông rỗng bên trong, đường kính 25 cm, đã đóng xuống đất sâu khoảng 35 m.
Ngay sau khi nhân tin báo, lực lượng chức năng của địa phương đã có mặt cùng phối hợp cứu hộ.
Ngày 1/1, lực lượng cứu hộ tiếp tục dùng máy khoan chọc sâu, kết hợp làm mềm đất để kéo trụ bê tông lên.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có Công điện số 01/CĐ-TTg ngày 2/1/2023 chỉ đạo các cơ quan liên quan tập trung cứu nạn, khắc phục hậu quả sự cố tai nạn tại công trường thi công dự án cầu Rọc Sen, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp.
Chiều 2/1, Quân khu 9 cử lực lượng công binh với thiết bị chuyên dụng như máy nội soi thăm dò, thiết bị cưa cắt khối bê tông… đến hiện trường giải cứu cháu bé.
Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng phân công ông Nguyễn Duy Thạch, Chi cục trưởng Chi cục phía Nam xuống phối hợp cùng các lực lượng chức năng khác đang có mặt tại hiện trường để tìm ra giải pháp để sớm cứu được nạn nhân.
Đồng thời, các Ban Quản lý dự án, các nhà thầu, cán bộ kỹ thuật tại các công trường Dự án Cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận Cần Thơ, các Dự án thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ trên khu vực… sẵn sàng ứng trực, với trách nhiệm cao nhất huy động nhân lực, máy móc thiết bị đặc chủng sẵn có, phù hợp để cứu nạn khi được yêu cầu.
Tính đến tối 2/1, tại hiện trường có hơn 350 người gồm lãnh đạo UBND tỉnh, huyện, đại diện các Sở, ngành cùng lực lượng cứu hộ, cứu nạn công an tỉnh Đồng Tháp, công an huyện Thanh Bình cùng lực lượng Công binh Quân khu 9 đã có mặt để chỉ đạo và làm công tác cứu hộ.
Ngày 3/1, Thiếu tướng Nguyễn Minh Triều, Phó Tư lệnh Quân khu 9 (Bộ Quốc phòng) đến hiện trường vụ cháu bé 10 tuổi lọt xuống trụ bê tông sâu 35m ở công trình cầu Rọc Sen (xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình).
“Được sự đồng ý của Ban Thường vụ Bộ Tư lệnh, Quân khu 9 sẽ hỗ trợ 1 căn nhà cho gia đình. Sau khi vụ việc ổn định, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Tháp, cùng các cơ quan có liên quan tiến hành khảo sát, triển khai xây dựng nhà để gia đình sớm có nơi ở ổn định và đề xuất phương án hỗ trợ cho gia đình có công ăn việc làm, sớm ổn định cuộc sống”, Thiếu tướng Nguyễn Minh Triều nói.
8h sáng 3/1, vách thép lồng được đóng xuống, hoàn thành công đoạn trùm bọc trụ bê tông.
Đến trưa 4/1, ông Đoàn Tấn Bửu đã có cuộc trao đổi nhanh với báo chí tại hiện trường. Vị Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, cho biết tính tới thời điểm đó, lực lượng cứu hộ vẫn đang tiếp tục áp dụng phương pháp khoan guồng xoắn để làm tan rã phần đất ngang đáy cọc.
“Chúng ta đã khoan sâu đến độ sâu 34-35m ngang với đầu cọc nhưng sẽ tiếp tục khoan thêm. Trong chiều nay, các lực lượng sẽ tiến hành rã đất trong lòng ống để làm giảm tối đa áp lực, qua đó sẵn sàng đưa từng đoạn ống bê tông lên bằng cáp, cẩu chuyên dụng trước khi thực hiện cứu hộ trên mặt đất”, ông Bửu thông tin vào trưa 4/1.
Vị Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp cũng thừa nhận “chưa thể xác định chắc chắn thời gian hoàn thành”, tờ Nhân dân đưa tin.
18h27, chiều 4/1, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND Đồng Tháp xác nhận với báo chí, bé Hạo Nam 10 tuổi đã tử vong và khẳng định sẽ cùng lực lượng chức năng đưa thi thể bé lên bằng mọi cánh sớm nhất để lo hậu sự cho bé.
Đến ngày 6/1, sau khi đánh giá, thảo luận, các chuyên gia tại hiện trường đề xuất một số phương án khả thi để nhấc trụ bê tông lên mặt đất.
Phương án dự kiến được các chuyên gia đồng thuận nhất là sử dụng kết hợp giữa cọc ván thép và ống vách thép trong quá trình làm sạch đất xung quanh trụ bê tông.
Cụ thể phương án này có thể tóm tắt như sau: Cọc ván thép sẽ được đóng xung quanh trụ bê tông tạo thành một bộ khung 4,8m x 4,8m, đất xung quanh trụ được lấy lên bằng gàu xúc (tạm gọi là tầng 1).
Từ đáy tầng 1, dùng ống vách thép đường kính 1,6m đóng xuống đến khi đạt độ sâu của đáy trụ bê tông (tạm gọi là tầng 2) và sau đó đất xung quanh trụ được lấy lên bằng khoan guồng xoắn.
Sau khi tiếp cận đáy trụ sẽ dùng hệ thống cáp và cần cẩu nhấc trụ bê tông lên.
Đến ngày 10/1, mọi công tác cứu hộ vẫn đang nỗ lực được triển khai.