Nhìn lại năm 2021: Sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu quả
Năm 2021, ngành Nội vụ nói chung, Bộ Nội vụ nói riêng đã hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao. Bộ đã tham mưu xây dựng và hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tổ chức nhà nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng...
Bộ Nội vụ cũng tham mưu và phối hợp chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp từ Trung ương đến địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Các chỉ tiêu giảm biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019-2021 hoàn thành vượt mức nghị quyết của Bộ Chính trị.
*Giảm 7 sở và 1.648 tổ chức bên trong
Năm 2021, Bộ Nội vụ đã chủ động, tích cực tham mưu cho Hội đồng Bầu cử Quốc gia và Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết số 08/2021/QH15 về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Theo đó, cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV được giữ ổn định như nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, gồm 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ nhằm tiếp tục phát huy ưu điểm và kết quả hoạt động của Chính phủ đã đạt được trong nhiệm kỳ khóa XIV; đồng thời, bảo đảm yêu cầu chỉ đạo, điều hành trong điều kiện Chính phủ tập trung thực hiện “mục tiêu kép”. Trên cơ sở đó, Quốc hội khóa XV đã phê chuẩn Đề án cơ cấu tổ chức Chính phủ, nhân sự cấp cao và các thành viên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026; Thủ tướng Chính phủ đã phê chuẩn nhân sự cấp cao của bộ máy hành chính 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ triển khai sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong của các bộ, ngành theo hướng tinh gọn, giảm cấp trung gian, khắc phục chồng chéo gắn với xây dựng Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương tích cực hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương rà soát, triển khai xây dựng danh mục và bản mô tả khung năng lực vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính từ Trung ương đến cấp xã; tập trung rà soát, đánh giá, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.
Trên cơ sở quy định của Chính phủ tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và Nghị định số 108/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2014/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong cơ quan chuyên môn và tương đương thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Đến nay, bộ máy hành chính cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và tương đương có 1.173 sở, giảm 7 tổ chức; tổ chức bên trong cơ quan chuyên môn cấp sở có 8.122, giảm 1.648 tổ chức (giảm 1.440 phòng thuộc sở, giảm 208 chi cục thuộc sở); cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện có 8.490 phòng, giảm 451 phòng.
Đồng thời, các địa phương tiếp tục rà soát sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập và đẩy mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập. Tính đến cuối năm 2021, số lượng đơn vị sự nghiệp công lập giảm được 12,35% so với năm 2015. Một số địa phương đã chủ động, sắp xếp tổ chức bộ máy như: Cao Bằng, Bình Phước, Ninh Thuận, Cà Mau, Lạng Sơn, Long An, Kiên Giang, Vĩnh Phúc, An Giang, Gia Lai... Bắc Giang, Đắk Lắk, Bình Định, Tiền Giang, Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc, Nam Định, Quảng Trị, Quảng Ninh, Vĩnh Long, Lào Cai, Hải Dương…đã ban hành văn bản kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Sở.
Việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 theo Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gắn với mục tiêu đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Sau năm thực hiện Nghị quyết này, đến nay, cả nước đã giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện, 561 đơn vị hành chính cấp xã, 16.321 thôn, tổ dân phố.
Bên cạnh đó, Bộ đã phối hợp với các địa phương quan tâm phát triển đô thị; theo đó tăng 13 thành phố thuộc tỉnh, 138 phường và 6 thị trấn; hướng dẫn triển khai mô hình “thành phố trong thành phố” (thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh). Kết quả này có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa ở các địa phương, mà còn hoàn thành trước thời hạn mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị “phấn đấu đến năm 2030 các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã được sắp xếp cơ bản phù hợp chiến lược phát triển kinh tế - xã hội”.
* Vượt mục tiêu tinh giản biên chế
Quán triệt thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, lần đầu tiên cả nước đã hoàn thành vượt mục tiêu tinh giản biên chế mà Bộ Chính trị đề ra (10%), trong đó, biên chế công chức giảm 10,01%; biên chế sự nghiệp giảm 11,67%; cán bộ, công chức cấp xã giảm 8,94%; số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố giảm 49,25% so với năm 2015. Việc tinh giản biên chế cơ bản đã gắn với cơ cấu, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức theo vị trí việc làm và từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ.
Bộ Nội vụ chủ động phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương tích cực hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương rà soát, triển khai xây dựng danh mục và bản mô tả vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính từ Trung ương đến cấp xã và đơn vị sự nghiệp công lập.
Từ việc rà soát, đánh giá kết quả thực hiện quản lý biên chế và tổ chức bộ máy giai đoạn 2015-2020, Bộ Nội vụ đã chủ động tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ giao biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước và biên chế của các Hội có tính chất đặc thù năm 2022 cho các Bộ, ngành, địa phương. Tổng số biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước (không bao gồm biên chế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và cán bộ, công chức cấp xã) hiện nay là 247.722 biên chế.
Xuất phát từ nhu cầu giáo viên, đặc biệt là cấp mầm non và tiểu học do tăng dân số cơ học, Bộ Nội vụ đã chủ động, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo kịp thời đề xuất với Thủ tướng Chính phủ để báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế xem xét, bổ sung 27.850 biên chế giáo viên cho các địa phương để bảo đảm nguyên tắc có học sinh phải có giáo viên đứng lớp theo yêu cầu của Quốc hội.
*Giảm gánh nặng văn bằng, chứng chỉ
Theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là một trong những điểm nhấn tiến bộ của Bộ Nội vụ trong năm 2021. Bộ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các bộ, ngành, địa phương trong quản lý và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức; rà soát xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm sự thống nhất, liên thông với các quy định của Đảng; tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ; thực hiện phân cấp triệt để trong tổ chức thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
Nổi bật là Bộ Nội vụ đã tham mưu, đề xuất bỏ chứng chỉ ngoại ngữ của 74 ngạch công chức và 155 chức danh nghề nghiệp viên chức; bỏ chứng chỉ tin học của 74 ngạch công chức và 142 chức danh nghề nghiệp viên chức; giảm 17 chứng chỉ theo tiêu chuẩn ngạch công chức và 87 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức. Qua đó, vừa giảm gánh nặng văn bằng, chứng chỉ đối với công chức, viên chức, vừa đổi mới phương thức quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức đi vào thực chất, khoa học hơn. Những đổi mới trong công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức này được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ và đánh giá rất cao.
Bộ đã rà soát, xây dựng và ban hành các thông tư quy định về mã số, tiêu chuẩn nghiệp vụ, chức danh nghề nghiệp đối với công chức, viên chức thuộc lĩnh vực quản lý ở các bộ chuyên ngành, bảo đảm sự thống nhất, liên thông giữa các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Riêng Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư.