Người phụ nữ hàng chục năm chải bờm, chơi với hổ, sư tử nặng 200kg: 'Nó cũng tình cảm như con người'
Suốt hơn 20 năm chăm sóc những con thú dữ ở công viên, chị Ngọc đã trở nên vô cùng thân thiết với từng con thú nơi đây. Với chị Ngọc, chúng không hoàn toàn đáng sợ như mọi người thường nghĩ mà cũng có tình cảm như con người.
Tìm đến khu chuồng nuôi thú dữ của Công viên Thủ Lệ, (Hà Nội) vào một buổi chiều tháng 4, những người công nhân nơi đây đang bắt đầu các công việc quét dọn chăm sóc thú dữ như thường lệ.
Ngồi cạnh chuồng nuôi nhốt, vuốt ve 2 chú hổ to lớn, chị Trần Thị Ngọc (40 tuổi, ở Hà Nội) nở nụ cười tươi tắn khi thấy chúng tôi đến thăm. Với đa số mọi người, những con thú như hổ, sư tử thường vô cùng hung dữ và không có tình cảm. Tuy nhiên, suốt 20 năm nay, chị Ngọc vẫn hàng ngày làm công việc chăm sóc, vuốt ve những con hổ, sư tử nặng hơn 200kg.
Đối với chị Ngọc và những người chăm sóc thú tại Công viên Thủ Lệ (Hà Nội), những con vật hung dữ ấy cũng có tình cảm thân thiết như con người. Dù là ai khi mới vào khu vực chăn nuôi hay đứng sau lớp rào sắt nghe tiếng sư tử gầm đều vô cùng sợ hãi. Thế nhưng suốt hàng chục năm nay, chị Ngọc như người mẹ thứ 2 nuôi nấng, chăm sóc loài vật hung dữ ấy.
Xuất phát từ tình yêu thương động vật, công việc chăm sóc thú dữ đến với chị Ngọc như một cơ duyên: "Ban đầu tôi cũng không nghĩ mình sẽ làm nghề này, bỗng dưng mình đến với nghề theo nghề làm thử thì thấy thích và ngày càng yêu nghề hơn nên tôi làm mãi. Người thân trong gia đình cũng hiểu tính mình nên không ai ngăn cản hay cấm đoán gì cả, mọi người vẫn luôn ủng hộ tôi từ những ngày đầu tiên", chị Ngọc tâm sự.
Những ngày mới đến làm việc tại công viên, chị cũng gặp khá nhiều khó khăn. Tuy nhiên nhờ sự giúp đỡ của những thế hệ đi trước và các đồng nghiệp tại đây, chị đã dần làm quen và ngày càng yêu thích công việc của mình hơn.
“Hàng ngày chúng tôi dọn dẹp vệ sinh trong chuồng, chăm sóc cho tất cả hổ nhỏ, hổ to, sư tử và đàn gấu. Mới đầu vào thì cũng giật mình, sau thời gian làm, tuân thủ các biện pháp an toàn thì tôi càng thấy thích, yêu công việc, say mê công việc hơn”, chị Ngọc tâm sự.
Trong công việc chăm sóc thú dữ, chị Ngọc ấn tượng nhất với 2 “bạn hổ” và chú sư tử tên Chăm. Khi sinh ra Chăm chỉ nặng 1,6kg, sư tử mẹ chết sau khi sinh, kể từ đó, chị Ngọc và đồng nghiệp cùng nhau chăm sóc Chăm từng ngày.
“Thời gian đầu Chăm ăn kém, có những lúc bỏ ăn, mọi người phải cố gắng tìm mọi cách cho Chăm ăn. Nhiều khi Chăm hờn dỗi không ăn lại phải nịnh”, chị Ngọc chia sẻ.
Suốt 3 năm gắn bó với Chăm, chị Ngọc coi Chăm như người thân. Mỗi khi đến nơi làm việc, chị đều chạy đến thăm Chăm đầu tiên rồi mới bắt đầu các công việc hàng ngày tại chuồng trại.
“Chăm tình cảm lắm, khi nó còn nhỏ, tôi đi đâu nó cũng muốn chạy theo sau. Có lần tôi cố tình đi trốn thì nó chạy đi tìm khắp nhà và kêu như tìm mẹ nó vậy, mãi sau tôi mới chạy ra thì nó nhảy chồm tới ôm tôi. Lúc ấy mình cũng vui lắm vì nó cũng coi mình như người thân của nó. Nó cũng tình cảm như con người vậy”, chị Ngọc tâm sự.
Cũng là thú dữ nhưng 2 “bạn hổ” tỏ ra vô cùng thân thiện, yêu quý chị Ngọc. 2 chú hổ được đặt tên là Bống và Bi, cả 2 được đưa đến Công viên Thủ Lệ khi 4 tháng tuổi, nặng khoảng 12kg.
“Ban đầu khi mới về đây, còn nhỏ nhưng các bạn ấy cũng hung dữ lắm, doạ chúng tôi không cho lại gần. Sau thời gian làm quen mãi rồi cũng thân với nhau. Do còn nhỏ quá nên chúng tôi cũng phải cho bú bình, kích thích đi vệ sinh, cho ăn từ miếng nhỏ đến miếng lớn và làm mọi việc chăm sóc thay mẹ của chúng. Đó cũng là giai đoạn khó khăn nhất của việc chăm sóc các bạn ấy”, chị Ngọc tâm sự.
Theo chị Ngọc, do được chăm sóc từ nhỏ nên Bống, Bi hay Chăm đều vô cùng thân thiện với mọi người, đặc biệt là với chị Ngọc: “Tôi vẫn thường vuốt ve, chải chuốt cho các bạn ấy qua chuồng sắt.
Sáng nào thấy tôi, các bạn ấy cũng mừng và có những cử chỉ âu yếm, thân thiện với mình, thấy tôi đến là các bạn ấy mừng lắm. Chúng cũng có tình cảm như con người vậy chứ không chỉ là một con thú dữ như mọi người vẫn tưởng tượng. Tuy nhiên mình vẫn phải luôn phải giữ khoảng cách và đảm bảo an toàn”, chị Ngọc tâm sự.
Theo chị Ngọc, dù vui vẻ, yêu thích công việc nhưng chị cũng đã từng bị các vết cào, cắn của hổ và sư tử khi đùa nghịch: “Các bạn ấy không cắn thật, chỉ đùa nghịch thôi nhưng vì kích thước quá lớn nên thường gây thương tích khắp người cho tôi.
Đặc biệt là thời điểm mới lớn, có khi các bạn ấy còn gần gũi, nhảy vào lòng chơi cùng mình, nhiều khi về thấy khắp người bầm tím nhưng vẫn yêu thích công việc này”, chị Ngọc chia sẻ.
Giờ đây các con thú đã to lớn, trưởng thành nhưng vẫn thân thiện, trìu mến với chị Ngọc và những người chăm sóc tại đây: “Các bạn ấy lớn rồi thì tôi và mọi người cũng đỡ vất vả hơn. Hàng ngày cho ăn 2 bữa sáng và chiều, mỗi bữa từ 5-6kg thịt tươi, theo dõi sức khoẻ xem các bạn ấy có ăn uống, sức khoẻ tốt không và dọn dẹp vệ sinh đảm bảo.
Mình tình cảm với chúng nó thì chúng nó cũng tình cảm với mình như người vậy. Chỉ mong chúng nó luôn khoẻ mạnh là tôi và mọi người vui rồi”, chị Ngọc chia sẻ.