Nghệ An: 'Biến' đường thành chợ, thu phí trái phép ở chợ Ga Vinh?
Hàng chục sạp hàng hóa, ki ốt kinh doanh ở chợ Ga Vinh “biến” đường thành nơi buôn bán gây ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, nguy cơ cháy nổ. Mặt khác còn có dấu hiệu “bảo kê”, thu phí trái phép.
Dân khóc vì ngõ, đường “biến” thành chợ
Đã nhiều năm nay, người dân sống ở ngõ số 4 đường Phan Bội Châu và ngõ 278 đường Trường Chinh (phường Lê Lợi, TP Vinh) kêu “trời” vì đường đi của họ đã “biến” thành chợ buôn bán của các tiểu thương. Việc lấn chiếm trái phép này không chỉ gây ách tắc giao thông, tiềm ẩn tai nạn mà còn nguy cơ cháy nổ, mất an toàn VSMT. Sự việc tồn tại nhiều năm nay nhưng BQL chợ Ga Vinh, các cơ quan chức năng TP Vinh không có phương án xử lý triệt để.
Vào giờ cao điểm người dân phải nhích từng bước, chen chân qua các quầy hàng, xe cộ trong mùi hôi thối, chật chội mới về được nhà. Các tiểu thương “biến” đường thành chợ này vô tư bày ra hết lối đi, buôn bán tấp nập, trong khi đó khu vực phía trong chợ lại lác đác người.
Tình trạng biến đường thành chợ khiến các hộ dân xung quanh chợ Ga Vinh kêu trời nhiều năm nay. |
Theo một cán bộ phường Lê Lợi thì nguyên nhân của việc lấn chiếm, ách tắc nhiều năm nay là do UBND TP Vinh cho phép nhiều kiot đập tường chợ Ga Vinh, mở quầy ra các ngõ 278 đường Trường Chinh và số 04 đường Phan Bội Châu buôn bán. Việc làm không tính trước này khiến các tuyến đường, ngõ xung quanh chợ Ga Vinh ách tắc kéo dài, người dân kêu trời.
Ngoài ra theo cán bộ này thì một số hộ dân có nhà giáp chợ đã cho thuê kinh doanh, buôn bán lấn ra cả khu vực đường đi, việc kiểm tra, xử phạt qua loa của đội QLTTĐT, phường Lê Lợi khiến tình trạng vẫn không được khắc phục triệt để.
Đặc biệt, có hàng chục quầy hàng thịt cá, rau quả, tạp hóa… “mọc” chình ình trên đường đi, cổng chợ, bày hết lối đi khiến ngày nào cũng ách tắc giao thông. Do tiện lợi, lại không muốn mất tiền gửi xe nên nhiều người đã đi xe vào chợ. Rất nhiều vụ va quẹt, chửi bới, xích mích nhau cũng từ đây mà ra.
Ngoài các điểm lấn chiếm, kinh doanh trái phép này thì trên vỉa hè đường Trường Chinh còn “mọc” hai điểm giữ xe trái phép tồn tại nhiều năm nay. Số tiền thu từ kinh doanh vỉa hè này khá lớn, lại chẳng mất gì nên sau khi bị xử phạt, “đâu lại vào đó”.
Trên đường Phan Bội Châu, đoạn giáp chợ dù thành phố đã kẻ vạch cho ô tô đậu đỗ nhưng nhiều hộ kinh doanh lấn chiếm, xe đẩy nướng gà vịt, hàng hoa quả vô tư bày bán nên tình trạng hết sức lộn xộn. Do không có chỗ để xe, nhiều chủ phương tiện đành để trên đường nên đã bị cảnh sát trật tự xử phạt.
Một hộ tiểu thương ngang nhiên phá tường để quay ốt trái phép ra đường trong sự “im lặng” khó hiểu của BQL chợ Ga Vinh và UBND phường Lê Lợi. |
Thực hiện công văn chỉ đạo của UBND TP Vinh về việc kiểm tra xử lý tình trạng họp chợ lấn ra lề đường tại ngõ 278 đường Trường Chinh, ngày 19/01/2021, UBND phường Lê Lợi đã có báo cáo số 16. Theo báo cáo này thì việc lấn chiếm lòng lề đường tại khu vực chợ Ga Vinh làm ảnh hưởng đi lại của người dân đã được UBND phường Lê Lợi chỉ đạo Đội QLĐT phối hợp với công an phường, BVDP ra quân giải tỏa rất nhiều lần, xử lý nhiều trường hợp. Đầu năm 2021 đã lập 01 biên bản vi phạm hành chính và ban hành 05 quyết định xử phạt với số tiền 1650.000 đồng, thu giữ 12 bạt che, 01 ô, 05 ghế.
“Tuy nhiên tình trạng người dân đang còn vi phạm về việc lấn chiếm gây ách tắc giao thông, căng bạt kinh doanh buôn bán làm mất vệ sinh môi trường, trật tự đô thị, gây khó khăn đi lại cho người dân; việc này một phần do UBND TP Vinh đã đồng ý cho BQL Chợ Ga xây dựng các ki ốt quá nhỏ ngoảnh mặt ra đường dân cư, mặt khác các hộ gia đình xung quanh chợ Ga đều cho thuê mặt bằng phía trước nhà để kinh doanh” văn bản báo cáo cho biết.
Ai “bảo kê”, thu bỏ ngoài sổ sách hàng trăm triệu đồng?
Không chỉ lần chiếm, kinh doanh trái phép trên ngõ phố, lòng lề đường trong sự bất lực của các cơ quan chức năng, sự “im lặng” khó hiểu của BQL chợ ga Vinh mà nhiều năm nay, hàng chục sạp tạp hóa, rau củ, thực phẩm…đã được thu phí chỗ ngồi nhưng có dấu hiệu bỏ ngoài sổ sách.
Mặc dù khu vực đường Phan Bội Châu đã đặt biển “Cấm đổ rác, cấm họp chợ” của UBND phường Lê Lợi nhưng các tiểu thương vẫn bất chấp buôn bán gây ách tắc giao thông. |
Từ ngõ số 4 đường Phan Bội Châu đi vào chợ, ngoài các ki ốt được mở cho phép, các hộ gia đình có nhà cho thuê buôn bán thì có rất nhiều sạp, quầy ngang nhiên buôn bán trên lòng lề đường. Khi được hỏi buôn bán ở đây không sợ bị thu giữ hàng hóa, xử phạt à? thì một tiểu thương cho biết: chỗ này là đường đi nhưng họ thu phí chỗ ngồi và phí bảo vệ, vệ sinh môi trường nên chúng tôi vẫn được bán. Khi có lực lượng phường ra kiểm tra thì nép nép vào là được. Một chỗ ngồi vài m2 này tháng từ 1,5 triệu đến 2, 3 triệu đồng.
Không chỉ ngõ số 4 đường Phan Bội Châu mà tại ngõ 278 đường Trường Chinh cũng bị chia nhỏ mặt bằng ra cho kinh doanh buôn bán rồi thu phí. “Chú nghĩ đi, họ không thu tiền thì chúng tôi có “mọc” thêm đầu cũng không dám bày bán ở đây. Mỗi tháng tiền triệu chứ ít gì. Cứ hết ngày là họ đến thu nhưng có nộp vào sổ sách hay không thì chúng tôi không biết” – một tiểu thương có quầy bán tại ngõ 278 cho hay. Tuy nhiên khi hỏi cụ thể “họ” là ai, tên tuổi cụ thể thì không ai dám trả lời vì các tiểu thương sợ mất chỗ mưu sinh.
Tính sơ sơ, có hàng chục quầy bán nằm phía ngoài phạm vi chợ ga Vinh mỗi ngày đều phải đóng tiền đều đặn, không thiếu một xu. Số tiền đó tính cả năm phải lên đến hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên thật bất ngờ khi đề cập đến, ông Lê Vĩnh Hùng – Trưởng BQL chợ Ga Vinh liền “phủ nhận”: Các quầy hàng đó nằm ngoài phạm vi chợ không thuộc sự quản lý của chúng tôi. Ai “bảo kê”, thu tiền hàng ngày, hàng tháng thì người đó phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi chỉ quản lý, thu phí trong khu vực chợ mà thôi.
Việc UBND TP Vinh cho phép mở các ki ốt ra ngõ 4 đường Phan Bội Châu và ngõ 278 đường Trường Chinh khiến tình hình ách tắc giao thông, mất VSMT càng thêm trầm trọng, trong khi phía trong chợ lại lác đác người buôn bán. |
Còn ông Võ Trung Kiên phó BQL chợ Ga Vinh cho rằng: chúng tôi không thu phí chỗ ngồi của các hộ tiểu thương này vì đây là đường đi, không thuộc phạm vi quản lý của chợ, có chăng anh em chỉ thu tiền bảo vệ an ninh, môi trường (?!)
Như vậy việc trả lời giữa các tiểu thương (có sạp ngoài phạm vi chợ) và lãnh đạo BQL chợ Ga là hết sức mâu thuẫn, phi lý. Vậy ai đã đứng ra “bảo kê” các tiểu thương này buôn bán trên lòng lề đường? Số tiền thu phí chỗ hàng tháng nộp về đâu?
Theo một lãnh đạo phường Lê Lợi thì nếu không có việc thu phí chỗ ngồi trái phép này thì các tiểu thương không bao giờ “dám” bày bán la liệt ra đường, cản trở giao thông như thế.
Vì vậy để giải quyết dứt điểm tình trạng nhức nhối kéo dài này, đề nghị phía công an điều tra, xử lý nghiêm đối tượng nào “bảo kê” chỗ ngồi trái phép cũng như làm rõ số tiền thu phí đã được nộp về đâu, ai hưởng lợi bất hợp pháp nhiều năm qua.