Nắng nóng dữ dội ảnh hưởng tới hơn 6,5 tỉ người trên toàn cầu
Nghiên cứu mới được công bố gần đây cho thấy đợt nắng nóng dữ dội trong tháng 7 ảnh hưởng hơn 6,5 tỉ người trên khắp Trái đất (tức 81% dân số toàn cầu).
Nghiên cứu do Climate Central - một tổ chức truyền thông phi lợi nhuận chuyên về khoa học khí hậu có trụ sở tại bang New Jersey (Mỹ) thực hiện.
Tháng 7 đã chứng kiến những đợt nắng nóng kỷ lục trên khắp Bắc Mỹ, châu Á và châu Âu. Đợt nóng này được ghi nhận là nóng nhất lịch sử địa cầu, đã gây ra loạt trận cháy rừng nghiêm trọng ở miền Nam châu Âu và Canada.
Theo nghiên cứu, tần suất và cường độ ngày càng tăng của những sự cố tàn khốc này chính là hậu quả của việc thải khí CO2 ra môi trường, chủ yếu từ việc đốt than, dầu và khí tự nhiên. “Hầu như không nơi nào trên Trái đất thoát khỏi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu vào tháng 7” - trích nghiên cứu.
Đài CNN đưa tin khoảng 150 triệu người Mỹ đang đối mặt với tình trạng nhiệt độ tăng cao khi đợt nắng nóng kéo dài hàng tháng thiêu đốt vùng Tây Nam và Florida gần đây đã lan sang vùng Trung Tây và Đông Bắc. Ở El Paso (bang Texas), nhiệt độ đã vượt quá 37,7 độ C trong 41 ngày liên tiếp. Nhiệt độ ở TP Phoenix (bang Arizona) đã vượt qua 43,3 độ C trong 26 ngày liên tiếp.
Hồi giữa tháng 7, chính phủ Ý ban bố báo động đỏ về thời tiết nắng nóng tại 16 TP trong nước. Bộ trưởng Bộ Y tế Ý Orazio Schillaci khi đó cảnh báo mọi người cẩn thận khi đến thăm những di tích nổi tiếng của Rome. “Không nên đến Đấu trường La Mã khi nhiệt độ ở đây lên tới 43 độ C, đặc biệt đối với người cao tuổi” - ông Orazio Schillaci chia sẻ với tờ Il Messaggero, đồng thời khuyến cáo mọi người nên ở trong nhà từ 11 giờ đến 18 giờ.
Hy Lạp cũng đóng cửa thành cổ Acropolis vào thời điểm nóng nhất trong ngày 14/7 để đảm bảo an toàn cho du khách. Trong khi đó, các cơ quan dự báo thời tiết Tây Ban Nha cũng cảnh báo nguy cơ cháy rừng, đồng thời cho biết nhiệt độ ban đêm trên toàn quốc khó có thể xuống dưới 25 độ C, theo hãng tin Reuters.