Muốn nuôi dạy đứa trẻ có tấm lòng nhân hậu, hãy luôn nói với con 5 câu
Lời nói tích cực của bố mẹ có thể nuôi dưỡng tâm hồn, hướng đứa trẻ hình thành tính cách và thói quen tốt.
Chuyên gia tâm lý Qian Zhiliang, giảng viên khoa tâm lý Đại học Sư phạm Bắc Kinh (Trung Quốc) cho biết, ngôn ngữ của bố mẹ, bao gồm cả thái độ, giọng điệu, quyết định chất lượng mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái, cũng như ảnh hưởng sâu sắc đến hạnh phúc nội tâm của trẻ.
Vì vậy, trong cuộc sống hàng ngày, hãy nhớ nói 5 câu này với con, nhằm nuôi dưỡng đứa trẻ giàu lòng nhân ái, tự tin, trưởng thành hạnh phúc.
“Mẹ biết con buồn, không sao đâu, mẹ sẽ luôn ở bên con”
Mọi người đều mong muốn được thấu hiểu và trẻ em cũng vậy. Thực tế, việc “hiểu” không phải là biết trẻ làm gì mà là nhận ra cảm xúc hiện tại của trẻ.
Trong nhiều gia đình, bố mẹ thường khó hiểu được con cái. Khi một đứa trẻ gặp rắc rối, mất bình tĩnh hoặc khóc lóc, phản ứng đầu tiên thường là đổ lỗi, cách làm này khiến trẻ cho rằng cảm xúc của mình không phù hợp, sai trái, đối với trẻ nhỏ, nội tâm tức giận, xấu hổ, buồn bã không thể giải quyết được, hành vi ngày càng mất kiểm soát và khó giao tiếp.
Thật khó để giáo dục tốt trẻ nếu chỉ nói về lý trí mà không hiểu được cảm xúc. Vì vậy, chuyên gia Qian Zhiliang gợi ý tiếp cận đúng là nói với trẻ: “Mẹ biết con buồn, không sao đâu, mẹ sẽ luôn ở bên con”.
Câu nói này trao cho trẻ cảm giác được chấp nhận, cho phép trẻ biết được tính hợp lý trong cảm xúc, đồng thời thực sự có thể thúc đẩy đứa trẻ tạo ra những thay đổi tích cực. Khi bố mẹ hiểu được nội tâm của trẻ, sẽ dễ dàng chia sẻ, trao đổi và làm bạn với con.
"Mẹ tin con"
Tình yêu và sự tin tưởng của bố mẹ sẽ là động lực giúp trẻ biết phấn đấu tốt hơn. Trong tâm lý học, có "hiệu ứng Pygmalion" nổi tiếng, đại khái có nghĩa là con người sẽ vô thức chấp nhận ảnh hưởng, cũng như gợi ý của những người xung quanh.
Khi bố mẹ trao cho con niềm tin vào khả năng của mình, khuyến khích trẻ phát triển theo hướng tích cực, đây là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng lòng tự tin và động lực để làm tốt việc đó.
Điều này tạo ra một môi trường an toàn và đồng thời khích lệ khả năng thử thách của trẻ. Bố mẹ có thể tạo ra một tác động tích cực bằng cách khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động mới, đặt mục tiêu và đồng hành cùng trẻ trong quá trình phát triển.
“Con hãy tin vào lựa chọn của mình”
Trẻ càng nhỏ thì việc trau dồi khả năng lựa chọn càng tốt. Bố mẹ hỏi ý kiến của con về việc nên mặc quần áo gì khi ra ngoài, chơi ở đâu trong kỳ nghỉ và gọi món gì ở nhà hàng.
Một số phụ huynh có thể nghĩ: “Trẻ còn nhỏ chưa biết gì, nếu để tự do lựa chọn sẽ mất thời gian". Tuy nhiên, việc đánh giá thấp khả năng của trẻ có thể khiến con dần phụ thuộc, kỹ năng độc lập và sự tự tin kém.
Mặc dù một số trường hợp không thể để trẻ lựa chọn hoàn toàn, nhưng bố mẹ có thể đưa ra hướng dẫn, để trẻ tự suy nghĩ về kết luận của mình trong phạm vi hợp lý.
Ví dụ: "Hôm nay con muốn mặc váy màu vàng hay váy hồng?" "Con muốn đồ ngọt hay đồ mặn?" "Con muốn đăng ký lớp học khiêu vũ hay lớp học bơi trong kỳ nghỉ hè?"
Trong quá trình này, bố mẹ không nên đưa ra cho con những lựa chọn nhưng lại phủ nhận sau đó, chẳng hạn khi sự lựa chọn của trẻ không như mong đợi, bố mẹ sẽ nói với trẻ: “Điều này không tốt, con đã sai rồi”. Và cuối cùng, sự lựa chọn của đứa trẻ cũng không được tuân theo.
Điều này làm giảm đi sự nhiệt tình trong việc suy nghĩ và lựa chọn của trẻ, theo thời gian trẻ sẽ học cách che giấu cảm xúc thật, không tự tin vào lựa chọn của mình và dễ chiều theo ý kiến của người khác.
Vì vậy, bố mẹ hãy cố gắng tin tưởng vào khả năng phán đoán và lựa chọn của trẻ. Cho dù đôi khi sự lựa chọn đó là sai lầm thì loại sai lầm, cũng có thể dạy trẻ học hỏi, có thêm kinh nghiệm để trưởng thành.
"Con giúp mẹ làm việc này được không?"
Một bà mẹ từng chia sẻ câu chuyện trong gia đình mình, có một thời gian người mẹ bị bong gân ở chân, khi từ bệnh viện về nhà, bà nói với con trai: “Mẹ phải trông cậy vào con trong khoảng thời gian này”.
Kết quả là bà vô cùng ngạc nhiên khi thấy con trai mình đột nhiên ân cần, mang nước và thuốc, dường như trở thành “người đàn ông ấm áp bé nhỏ”, luôn biết chăm sóc mẹ.
Không ít phụ huynh dù mệt mỏi nhưng vẫn luôn cố gắng trở nên mạnh mẽ trước mặt con, tuy nhiên theo góc nhìn của các chuyên gia, điều này vô thức tước đi cơ hội được bày tỏ tình yêu thương của trẻ.
Tình yêu là một loại năng lực, trong giáo dục nhiệm vụ quan trọng là dạy trẻ biết yêu thương người khác. Bố mẹ có thể tham khảo những cách sau đây:
- Đầu tiên hãy tạo cơ hội để trẻ quan tâm đến bố mẹ, tìm kiếm sự giúp đỡ từ trẻ một cách phù hợp, cho trẻ cơ hội để trẻ trải nghiệm cảm giác được cần đến.
- Hãy thử nói với trẻ “Mẹ không xách được chiếc túi này, con giúp mẹ được không?” “Mẹ bận quá, con có thể qua giúp mẹ hái rau được không?” “Cám ơn con đã giúp, mẹ rất vui".... Khi trẻ nhận thấy mẹ cũng cần được quan tâm, sẽ khiến trẻ tự nhiên bộc lộ hành động tốt, trở thành người có trách nhiệm hơn.
"Mẹ yêu con"
Một trang tin tức từng thực hiện một cuộc khảo sát và phát hiện, 80% trẻ em muốn nói “Con yêu bố mẹ” nhưng tình yêu thương đó khó được thể hiện.
Trong một cuộc phỏng vấn ngắn trong bộ phim tài liệu “Mẫu giáo”, phóng viên hỏi đứa trẻ: “Con đã bao giờ nghe mẹ nói yêu con chưa?” Đứa trẻ lắc đầu nguầy nguậy và nói không.
Có thể trong tâm trí phụ huynh, thể hiện hành động quan trọng hơn lời nói, nhưng thực tế, việc nói "yêu con" bằng lời cũng rất quan trọng.
Việc nói lời yêu thương giúp tạo ra một môi trường gia đình yêu thương và gần gũi. Trẻ sẽ cảm thấy an toàn và tin tưởng trong việc chia sẻ cảm xúc, nhu cầu và mọi thứ liên quan đến cuộc sống của mình.
Trẻ cũng cảm nhận được tình yêu và hỗ trợ từ bố mẹ, từ đó xây dựng một mối quan hệ mạnh mẽ giữa bố mẹ và con cái.