Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ tư, 15/05/2024 07:00 (GMT+7)

Lừa dối để vay tiền, đến hạn không chịu trả nợ dù có khả năng chi trả, có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Theo dõi GĐ&PL trên

Theo quy định hiện nay, hành vi lừa dối, lấy lòng tin để vay được tiền và hành vi không chịu trả nợ đã đến hạn dù vẫn có khả năng chi trả thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

Chị T.T.H.L. trú tại TP. Đà Nẵng hỏi: Trong quá trình hoạt động kinh doanh, vợ chồng chị có quen biết vợ chồng ông H. và bà P. (trú tại TP. Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk).

Năm 2020, vợ chồng ông H. ngỏ ý vay tiền từ vợ chồng chị L., tự giới thiệu có nhiều mối quan hệ với lãnh đạo chính quyền. Vì tin tưởng nên vợ chồng chị L., đã vay ngân hàng 26 tỉ đồng để cho vợ chồng ông H. vay (bởi vợ chồng ông H. không có tài sản thế chấp).

Theo lời ông H., số tiền trên đã dùng 11 tỉ đồng mua nhà ở Đà Nẵng (vợ chồng ông H. hứa sau khi bán nhà ở Đắk Lắk sẽ trả); 15 tỉ đồng còn lại dùng vào mục đích trả bớt nợ ngân hàng. Để củng cố niềm tin cho vợ chồng chị L., ông H. còn lấy tư cách Giám đốc một Công ty, hứa sẽ dùng nguồn tiền từ các công trình đang thi công của Công ty để trả nợ, hạn chậm nhất đến ngày 11/12/2022.

Tuy nhiên, sau khi đã bán nhà ở Đắk Lắk, vợ chồng ông H. đã không chịu trả tiền cho vợ chồng chị L. Cuối năm 2021, vợ chồng ông H. bán nhà ở Đà Nẵng mới trả cho vợ chồng chị L. số tiền 11 tỉ đồng. Số tiền 15 tỉ đồng còn lại, đến nay vợ chồng ông H. vẫn chưa chịu trả.

Theo chị L. hiện tại vợ chồng ông H. có rất nhiều tài sản. Cùng với đó, Công ty của ông H. trúng nhiều gói thầu xây dựng lớn tại tỉnh Đắk Lắk và một số tỉnh thành khác, có nguồn thu thường xuyên từ hoạt động kinh doanh, nhưng vợ chồng ông H. vẫn tiếp tục chây ỳ, không có ý định trả tiền.

Trong trường hợp này, vợ chồng ông H. có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi lừa dối, lấy lòng tin để vay được tiền và hành vi không chịu trả nợ đã đến hạn dù vẫn có khả năng chi trả không?

tm-img-alt
Luật sư Phan Thụy Khanh, Phó trưởng Văn phòng Luật sư Phong & Partners, Trưởng Chi nhánh Sơn Trà, TP. Đà Nẵng.

Liên quan đến nội dung trên, Luật sư Phan Thụy Khanh, Phó Trưởng Văn phòng Luật sư Phong & Partners, Trưởng chi nhánh Sơn Trà, TP. Đà Nẵng cho biết:

Vay mượn tiền là giao dịch dân sự diễn ra rất phổ biến trong xã hội. Đó là nhu cầu chính đáng và bình thường nếu bên cho vay và bên vay đều coi trọng chữ tín, tuân thủ pháp luật và thực hiện đúng thỏa thuận của các bên. Tuy nhiên, không ít trường hợp người vay sau khi vay được tiền, giải quyết được các vấn đề cá nhân của mình đã bội tín, chây ỳ không chịu trả lại số tiền đã vay, thậm chí có trường hợp cố tình chiếm đoạt số tiền đã vay mượn. Trường hợp của vợ chồng chị L. được nhìn nhận dưới góc độ pháp lý như sau:

Hành vi lừa dối, lấy lòng tin để vay tiền là có dấu hiệu hình sự về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 174, Bộ luật Hình sự

Theo thông tin chị L. cung cấp, ông H. đã tự giới thiệu mình có nhiều mối quan hệ với lãnh đạo chính quyền để tạo niềm tin đối với vợ chồng chị L. nhưng thực tế đây là thông tin không chính xác. Vì vợ chồng chị L. tin tưởng vợ chồng ông H. và tin vào mối quan hệ mà ông H. giới thiệu nên đã cho ông H. vay số tiền lớn. Cho đến nay, mặc dù đã quá thời hạn thanh toán theo giao ước của hai bên, vợ chồng ông H. vẫn không trả nợ mặc dù có nhiều tài sản.

Dưới góc độ pháp lý, việc ông H. dùng thủ đoạn gian dối làm cho vợ chồng chị L. tin vào những thông tin giả là thật và đã trao tài sản cho vợ chồng ông H., là hành vi có cơ sở để xem xét về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 174, Bộ luật Hình sự, cụ thể như sau:

Điều 174. Tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản"

Theo Điều 174, Bộ luật Hình sự nêu trên, hành vi lừa dối, sử dụng mánh khóe, lấy danh nghĩa có nhiều mối quan hệ để đi vay tiền, tạo niềm tin hòng khiến cho người khác tin tưởng mà đem tài sản trao cho mình, đồng thời sau đó cố tình không trả lại tài sản, là có dấu hiệu hình sự về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Đồng thời, với số tiền chiếm đoạt lên đến 15 tỉ đồng, hành vi này được quy định tại khoản 4, Điều 174, Bộ luật Hình sự, vợ chồng ông H. có thể đối diện với khung hình phạt tù từ 12 đến 20 năm tù.

Hành vi không chịu trả nợ đã đến hạn mặc dù có khả năng chi trả, có dấu hiệu hình sự về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" theo Điều 175, Bộ luật Hình sự

Điều 175, Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bởi khoản 35, Điều 1, Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017, quy định về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", như sau:

Điều 175. Tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản"

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.

4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.

Theo thông tin chị L. cung cấp, vợ chồng ông H. đã nhận được tiền thông qua việc vay tiền từ vợ chồng chị, đã sử dụng số tiền vay đó, nhưng khi đến hạn trả nợ, vợ chồng ông H. vẫn không trả nợ mặc dù có tài sản, có nguồn thu từ hoạt động kinh doanh của Công ty. Nghĩa là vợ chồng ông H. đủ khả năng trả nợ nhưng không trả. Hành vi của vợ chồng ông H. thể hiện rõ ý chí không muốn trả lại số tiền đã vay cho vợ chồng chị L. Do đó, căn cứ Điều 175, Bộ luật Hình sự nêu trên, hành vi của vợ chồng ông H. có dấu hiệu của tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

Đồng thời, với số tiền chiếm đoạt lên đến 15 tỉ đồng, theo quy định tại khoản 4, Điều 175, Bộ luật Hình sự, vợ chồng ông H. có thể đối diện với khung hình phạt tù từ 12 đến 20 năm tù. Bên cạnh đó, hình phạt bổ sung có thể áp dụng là phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Theo Luật sư, nội dung giải đáp dựa vào thông tin chị L. cung cấp, trên cơ sở các quy định pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, thực tế việc xác định tội danh, hành vi phạm tội cần có sự vào cuộc điều tra của cơ quan có thẩm quyền. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, vợ chồng chị L. có quyền tố giác vợ chồng ông H. đến Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát theo thẩm quyền. Cùng với đó, vợ chồng chị L. cần chuẩn bị đầy đủ tài liệu, chứng cứ liên quan đến giao dịch cho vay tiền như trên để cung cấp cho cơ quan điều tra.

Cùng chuyên mục

Những điểm mới của Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực từ ngày 01/8/2024
Ngày 29/6/2024, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và Luật Các tổ chức tín dụng 2024. Theo Điều 2 Luật sửa đổi Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đã sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 197 Luật Nhà ở 2023, Luật Nhà ở 2023 chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024.
Có phải ký lại hợp đồng lao động khi tăng lương?
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa có giải đáp phản ánh của người lao động gửi đến về việc tiền lương là nội dung bắt buộc cần được thỏa thuận rõ ràng trong hợp đồng lao động. Cụ thể, khi người lao động được tăng lương, thì người sử dụng lao động cần phải sửa đổi hợp đồng lao động, hay ký bản hợp đồng mới hay không?
Hướng dẫn cách làm thẻ căn cước online cho trẻ em dưới 6 tuổi
Theo quy định tại Luật Căn cước 2023, trẻ em dưới 6 tuổi không bắt buộc làm thẻ căn cước mà chỉ thực hiện khi có nhu cầu. Bên cạnh đó, cha, mẹ hoặc người đại diện hợp pháp có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử (VNeID) để làm thẻ căn cước online cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Tin mới

Mắc bệnh ngoài da vì nước ngập
Nhiều người Hà Nội trong 2 ngày gần đây đều phải ngâm xe và chân trong nước do ngập úng. Không ít người sau khi trở về nhà đã phải dắt xe đi sửa, đồng thời đi khám bác sĩ vì mắc bệnh ngoài da.