Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố tuyên truyền thường xuyên trên đài truyền thanh cơ sở và các hình thức thông tin cơ sở khác về 10 biện pháp phòng tránh lừa đảo.
Theo thống kê, năm 2023, cổng cảnh báo an toàn thông tin ghi nhận gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại hơn 390.000 tỉ đồng. Trong đó có 91% thông tin liên quan lĩnh vực tài chính, tỷ lệ người dùng nhận tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo trực tuyến là 73%.
Tốc độ phát triển của công nghệ và mạng xã hội đang khiến một bộ phận người dùng bị lạc vào “ma trận” cập nhật. Nếu không đủ tỉnh táo và nhận thức để bắt kịp các xu hướng, nhiều người sẽ rất dễ trở thành nạn nhân của các hình thức lừa đảo trực tuyến.
Theo cảnh báo của Cục An toàn thông tin, Bộ thông tin và Truyền thông, trong những ngày đi làm sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán, tình hình lừa đảo trực tuyến vẫn diễn ra khá phức tạp. Nhiều người dân bị sập bẫy trước những thủ đoạn ngày càng tinh vi của đối tượng lừa đảo. Bên cạnh đó, những chiêu trò lừa đảo nhằm vào một bộ phận người dân cả tin, ham lợi và không thạo công nghệ.
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), gần Tết, hoạt động lừa đảo trực tuyến ngày càng nở rộ với nhiều hình thức lừa đảo mới như: Lừa đảo biên lai chuyển tiền giả mạo, lừa đảo đóng phí để xác nhận số dư tài khoản treo; quảng cáo dịch vụ làm Căn cước công dân (CCCD) giả để lấy cắp thông tin người dùng và cảnh báo chiêu lừa mới nhắm vào trẻ em.
Người dân cần nâng cao cảnh giác khi nhận được các cuộc gọi điện thoại cố định mà người gọi tự xưng là cán bộ cơ quan nhà nước, đặc biệt là lực lượng Công an để thông báo yêu cầu cung cấp qua điện thoại thông tin phục vụ điều tra.