Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ tư, 05/06/2024 16:32 (GMT+7)

10 biện pháp để phòng tránh lừa đảo trực tuyến

Theo dõi GĐ&PL trên

Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố tuyên truyền thường xuyên trên đài truyền thanh cơ sở và các hình thức thông tin cơ sở khác về 10 biện pháp phòng tránh lừa đảo.

10 biện pháp để phòng tránh lừa đảo trực tuyến
Ảnh minh họa.

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành Công văn số 397/TTCS-TTTH về việc tuyên truyền phòng, chống lừa đảo trực tuyến. Theo đó, 10 biện pháp đưa ra để người dân phòng tránh lừa đảo trực tuyến là:

Thứ nhất, bảo vệ thông tin cá nhân: Không công khai ngày tháng năm sinh, số CCCD/CMND, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng… trên mạng xã hội để tránh bị đối tượng lợi dụng khai thác, sử dụng vào mục đích lừa đảo..

Thứ hai, kiểm tra và cập nhật: Thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội và cần bảo mật tuyệt đối thông tin các tài khoản trên (tên đăng nhập, mật khẩu, mã xác thực OTP hoặc số thẻ tín dụng… và không cung cấp cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào khi chưa xác định được danh tính).

Thứ ba, cẩn trọng xác minh: Đối với các tin nhắn qua mạng xã hội vay tiền cần trực tiếp gọi điện thoại để xác nhận kỹ thông tin trước khi chuyển tiền.

Thứ tư, tìm hiểu kỹ thông tin khi kết bạn: Tìm hiểu kỹ thông tin khi kết bạn với những người lạ trên mạng xã hội, đặc biệt là những người hứa hẹn cho, tặng số tiền, tài sản lớn hoặc quà có giá trị lớn.

Thứ năm, trình báo tại cơ quan công an nơi gần nhất: Khi nhận được cuộc gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước hay lực lượng công an để thông báo, đe dọa mình có liên quan đến vụ án, cần liên lạc ngay với cơ quan công an nơi gần nhất để trình báo.

Thứ sáu, cẩn trọng khi thực hiện các giao dịch: Không truy cập các đường link trong tin nhắn hay email lạ không rõ nguồn gốc, không thực hiện giao dịch theo yêu cầu của các đối tượng lạ khi nhận được điện thoại, tin nhắn có nội dung liên quan đến giao dịch ngân hàng…

Thứ bảy, cẩn trọng trước lời mời chào hấp dẫn: Không nên nghe và làm theo những lời hướng dẫn, giới thiệu, dụ dỗ làm theo các cách thức làm việc nhẹ, kiếm tiền dễ. Cảnh giác trước các thông tin thông báo nhận thưởng qua mạng…

Thứ tám, cẩn trọng khi cài ứng dụng, phần mềm: Không cài đặt trên điện thoại, máy tính các ứng dụng chưa được xác thực. Khi phát hiện sim điện thoại bị vô hiệu hóa, cần liên hệ ngay nhà mạng để yêu cầu hỗ trợ, xác mình. Nếu bị mất điện thoại, cần nhanh chóng báo cho nhà mạng để khóa sim kịp thời.

Thứ chín, quản lý đăng ký tài khoản ngân hàng: Không mở, cho thuê, bán tài khoản ngân hàng cho người khác. Khi phát hiện đối tượng có hành vi mua bán, cho thuê tài khoản ngân hàng, cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.

Thứ mười, cẩn trọng đối với các website, ứng dụng giả mạo: Tuyệt đối không truy cập website, ứng dụng trong tin nhắn nhận được, trang web có nội dung không rõ ràng, giả mạo dịch vụ chuyển tiền quốc tế, trang web ngân hàng.

Trước đó, theo thống kê của Cục An toàn thông tin, trong năm 2023, hệ thống cảnh báo an toàn thông tin đã tiếp nhận gần 17.400 phản ánh về các trường hợp lừa đảo trực tuyến hướng đến người dùng Internet Việt Nam. Cũng trong khoảng thời gian này, theo số liệu của Bộ Công an, cơ quan công an đã khởi tố 1.500 vụ án vì tội lừa đảo trên không gian mạng, tổng số tiền người dân đã bị lừa đảo là 8.000 - 10.000 tỉ đồng.

Cùng chuyên mục

Lâm Đồng: Bắt đối tượng gây án mạng trong đêm
Sau khi nói chuyện, T. và một số người trong nhóm của Cường đã xảy ra đánh nhau. Lúc này, Cường đã dùng dao mang theo đâm T. một nhát khiến nạn nhân bị thương nặng và tử vong khi đang trên đường đến bệnh viện.

Tin mới