Lời tiên tri của ông Park và nỗi lo lớn cho U23 Việt Nam thế hệ mới
Trận thắng U23 Đài Loan (Trung Quốc) mang đến nỗi lo rất lớn cho bóng đá Việt Nam về U23 thế hệ mới.
Có một chi tiết rất quan trọng trong trận thắng của U23 Việt Nam trước U23 Đài Loan là ông Park dùng đến 6 gương mặt của tuyển Việt Nam. Cụ thể, 5 cầu thủ được đưa xuống U23 Việt Nam gồm Thanh Bình, Văn Toản, Việt Anh, Văn Xuân, Hoàng Anh. Một cầu thủ khác cũng được gọi lên tuyển Việt Nam là Liễu Quang Vinh, sau đó hậu vệ trẻ này bị ông Park loại.
Dù có 6/11 tuyển thủ đá chính trong trận đấu với U23 Đài Loan nhưng U23 Việt Nam chỉ thắng 1-0. Một màn trình diễn có thể nói gây thất vọng lớn bởi đối thủ rất yếu với nhiều năm chưa biết mùi chiến thắng, còn trận đấu đáng chú ý nhất là U23 Đài Loan từng cầm hoà 1-1 trước U23 Campuchia.
Đúng hơn, U23 Việt Nam thắng Đài Loan 1-0 và có 3 điểm nhưng bóng đá Việt Nam bắt đầu nỗi lo lớn khi nhìn về tương lai. Liệu 3-5 năm tới thì ĐTQG sẽ ra sao nếu lứa Công Phượng, Quang Hải không còn ở đỉnh cao sự nghiệp, hoặc nhiều cầu thủ bước sang tuổi 30?
Lỗ hổng phía sau mỗi thế hệ vàng là bài toán lớn chưa bao giờ có lời giải đáp cho bóng đá Việt Nam. Chúng ta từng có thế hệ Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Trần Minh Quang, Việt Hoàng, Đức Thắng vùi dập Thái Lan ở Tiger Cup 1998, nhưng thua Singaore 0-1 ở trận chung kết. Sau đó, ĐTQG cần 10 năm để lứa Công Vinh, Việt Thắng, Dương Hồng Sơn, Quang Thanh, Tài Em, Minh Phương, Vũ Như Thành vô địch AFF Cup 2008. Vòng tròn 10 năm tiếp tục xuất hiện với lứa Công Phượng, Quang Hải với lần thứ 2 đăng quang AFF Cup vào năm 2018.
Dù vậy, thế hệ U23 Việt Nam ở hiện tại mang đến nỗi lo lớn hơn bao giờ hết cho bóng đá Việt Nam. Đó cũng là vấn đề được HLV Park Hang Seo cảnh báo cách đây hơn 1 năm.
Tháng 7/2020, HLV Park Hang Seo nói về nỗi lo cho bóng đá Việt Nam: "Ba năm trước, khi tôi đến Việt Nam thì lứa cầu thủ sinh năm 1995 và 1997 rất giỏi và tài năng như Xuân Trường, Công Phượng, Duy Mạnh... Hiện tại, không có nhiều tuyển thủ trẻ có năng lực giỏi như thế nữa.
Xem V.League, tôi thấy các cầu thủ trẻ không có cơ hội thể hiện, thay vào đó là ngoại binh và những cầu thủ nhiều kinh nghiệm. Tôi và các bạn cũng nên tự hỏi là tại sao lại như thế?
Tôi rất mong có cơ chế nào đó để tạo điều kiện ra sân cho cầu thủ trẻ. Chẳng hạn chúng ta có thể hạn chế ngoại binh hoặc bằng một cách nào khác, miễn là cầu thủ trẻ phải được vào sân. Nếu không, đó sẽ là vấn đề. Các bạn biết đấy, bây giờ, đội tuyển Việt Nam gồm hầu hết là những gương mặt cũ, còn cầu thủ mới hầu như không xuất hiện".
Sự trăn trở và thắc mắc của HLV Park Hang Seo cũng là lời cảnh báo cho lỗ hổng tài năng ở hiện tại. Phần lớn cầu thủ U23 Việt Nam không được trao cơ hội thi đấu. Ngay đến những cầu thủ thường xuyên được đá ở V.League 2021 như Việt Anh, Văn Xuân cũng là sự bất đắc dĩ, bởi họ khó được trao cơ hội nếu Duy Mạnh, Đình Trọng, Văn Hậu không bị chấn thương.
Hãy nhìn vào một trường hợp cụ thể là Liễu Quang Vinh - hậu vệ mang áo số 3 của U23 Việt Nam. Anh được HLV Park Hang Seo nhấc lên tuyển Việt Nam vào cuối tháng 9 năm nay. Nhưng 4 năm góp mặt ở V.League thì Quang Vinh có vỏn vẹn 205 phút thi đấu, 3 năm liên tục không có 1 phút ra sân và chỉ có 4 lần được ra sân ở V.League 2021.
Một trường hợp khác là Nguyễn Hai Long - cầu thủ được nói rất nhiều như tài năng trẻ đầy triển vọng. Hai Long có 1.499 phút thi đấu ở V.League 2020, còn năm 2021 lại không có 1 phút ra sân. Hải Long được thi đấu là do Hải Huy bị chấn thương nặng ở năm 2020, sau đó đàn anh trở lại thì Hai Long tiếp tục bị cất lên ghế dự bị ở V.League 2021.
Bức tranh chung của bóng đá Việt Nam đúng như HLV Park Hang Seo lo lắng là "các cầu thủ trẻ không có cơ hội thể hiện, thay vào đó là ngoại binh và những cầu thủ nhiều kinh nghiệm".
Trong một lần trò chuyện với tôi, một HLV của bóng đá Việt Nam cho biết các cầu thủ trẻ muốn phát triển tài năng thì một năm phải được thi đấu 20-30 trận. Nhưng dàn cầu thủ U23 Việt Nam ở hiện tại thì có số phút ra sân đáng báo động, ví dụ Hai Long có số phút ra sân là con số 0 tròn trĩnh ở CLB Quảng Ninh.
Từ nghịch cảnh của U23 Việt Nam thế hệ mới, chúng ta hãy nhìn lại lứa Công Phượng, Quang Hải để thấy sự khác biệt. Lứa Công Phượng được đá liên tục ở các sân chơi giao hữu chất lượng, bầu Đức còn nhấc cả lứa một Học viện HAGL lên đá V.League 2015 ở độ tuổi 19-20. Đến U23 châu Á 2018, lứa Công Phượng, Quang Hải đã "bỏ túi" kinh nghiệm chinh chiến ít nhất 3 năm tại sân chơi chuyên nghiệp. Họ cũng sớm trở thành nhân tố chính của tuyển Việt Nam kể từ năm 2016.
Không có cơ hội chơi bóng thì cầu thủ trẻ không thể phát triển tài năng. Bóng đá Việt Nam bây giờ đứng trước nỗi lo khủng hoảng tài năng sau lứa Công Phượng, Quang Hải. Đây là bài toán cần được nhiều CLB và lãnh đạo bóng đá Việt Nam xử lý, ngược lại thực trạng hiện tại tiếp diễn thì HLV Park Hang Seo cũng "bó tay".