Lô vắc xin COVID-19 nhập khẩu đầu tiên về Việt Nam sẽ được tiêm cho những đối tượng nào?
Bộ Y tế đã cho phép Công ty AstraZeneca Việt Nam nhập khẩu ngay 204.000 liều vắc xin để phục vụ nhu cầu khẩn cấp chống COVID-19.
Theo văn bản số 1215/ QLD-KD vừa được ông Lê Việt Dũng, Phó cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) ký ban hành, Cục Quản lý dược đã chấp thuận cho Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam nhập khẩu vắc xin ngừa COVID-19 AstraZeneca, số lượng 204.000 liều.
Cụ thể, tên vắc xin: COVID-19 Vaccine AstraZeneca. Nhà sản xuất: SK Bioscience Co Limited-Hàn Quốc.
Theo quyết định này, vắc xin được nhập khẩu để sử dụng cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch, phải đáp ứng các điều kiện đi kèm trong văn bản chấp thuận phê duyệt vắc xin ngày 1-2 của bộ trưởng Bộ Y tế.
Văn bản cũng nêu rõ, Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam phải chịu trách nhiệm về nguồn gốc, chất lượng vắc xin nhập khẩu để đảm bảo việc sử dụng vắc xin đúng mục đích, an toàn, hiệu quả, theo đúng cam kết.
AstraZeneca phải thực hiện đúng các quy đinh hiện hành về xuất nhập khẩu, lưu thông phân phối thuốc và các quy định có liên quan.
Vắc xin AstraZeneca là vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên được phê duyệt nhập khẩu có điều kiện vào Việt Nam. Đây là vắc xin do Công ty dược AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford (Anh) nghiên cứu, phát triển. Hiện vắc xin này đã được cấp phép lưu hành 1 năm hoặc nhập khẩu có điều kiện tại Philippines, Thái Lan, Anh, Việt Nam và một số quốc gia khác.
Dự kiến ngày 28/2, lô vắc xin đầu tiên này sẽ về đến Việt Nam. Cùng đó khoảng 4,88 triệu liều vắc xin của COVAX facility cũng dự kiến sẽ về đến Việt Nam. Như vậy, chúng ta có khoảng hơn 5 triệu liều để tiêm mũi thứ nhất cho hơn 5 triệu người.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, việc nhập khẩu vắc xin phòng COVID-19 phụ thuộc vào các chuyến bay. 2 vấn đề quan trọng trong thời điểm này là nguồn cung cấp vắc xin và đơn vị vận chuyển.
Theo ông Cường, nhà sản xuất vắ xin phòng COVID-19 – Công ty AstraZeneca – cho biết đến ngày 23/2 lô vắc xin phòng COVID-19 sẽ về đến Việt Nam. Tuy nhiên, sau đó lại chuyển sang ngày 28/2.
Về đối tượng tiêm vắc xin phòng COVID-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết sẽ căn cứ vào luật truyền nhiễm và khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Ngoài ra, tất cả loại vắc xin khi về đến Việt Nam đều có khả năng bảo quản theo đúng nhiệt độ mà nhà sản xuất khuyến cáo.
Đề cập đến vấn đề này tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ thường tháng 1/2020, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, được chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã ký với Công ty của Anh, theo đó trong năm 2021 sẽ cung cấp 30 triệu liều vắc xin. Bộ đang nỗ lực đàm phán để trong quý I sẽ có vắc xin về Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang gặp khó khăn do EU khống chế, hạn chế xuất khẩu vắc xin. Hiện, Bộ đang thúc đẩy hợp tác quốc tế để nhanh chóng có được vắc xin về Việt Nam. Cùng với đó, Bộ Y tế cũng đang nỗ lực đàm phán để mua vắc xin từ các nước như Mỹ, Nga, Trung Quốc.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng thông tin, khi có vắc xin nhập khẩu về Việt Nam sẽ ưu tiên các cán bộ y tế những người trực tiếp làm công tác điều trị, phòng, chống dịch bệnh, người cao tuổi, người có bệnh nền nguy cơ cao, cán bộ ngoại giao./.