Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ ba, 16/08/2022 07:09 (GMT+7)

Livestream ở phiên tòa có thể bị phạt 30 triệu đồng, tịch thu tang vật

Theo dõi GĐ&PL trên

Việc ghi âm, ghi hình phiên tòa và phát trực tiếp (livestream) trên không gian mạng có thể bị tới 15 triệu đồng. Nhà báo phát trực tiếp có thể bị phạt tới 30 triệu đồng và tịch thu tang vật.

Thanh niên đưa tin, sáng 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật, cho ý kiến dự thảo Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng hành chính.

Livestream ở phiên tòa có thể bị phạt 30 triệu đồng, tịch thu tang vật Ảnh 1
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Thanh niên).

Theo tờ trình Phó chánh án TAND tối cao Nguyễn Chí Tuệ trình bày tại phiên họp, mức phạt tiền tối đa đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cá nhân đến 40 triệu đồng, với tổ chức đến 80 triệu đồng.

Trong đó, dự thảo quy định hành vi ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh phiên tòa và phát trực tiếp trên không gian mạng sẽ bị phạt từ 7 - 15 triệu đồng.

Nhà báo ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh hội đồng xét xử mà không được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa hoặc ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh người tham gia phiên tòa mà không được sự đồng ý của họ cũng bị phạt từ 7 - 15 triệu đồng.

Nhà báo có hành vi livestream hình ảnh của hội đồng xét xử cũng như người tham gia tố tụng mà không được sự đồng ý cũng bị phạt tiền với mức phạt từ 15 - 30 triệu đồng.

Những người vi phạm còn bị hình thức phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm; đồng thời buộc thu hồi, nộp lại tư liệu, tài liệu, hình ảnh và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp do thực hiện các hành vi vi phạm.

Nguồn tin trên cũng cho biết, theo dự thảo, hành vi cản trở hoạt động tố tụng bị xử phạt vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của bộ luật Tố tụng hình sự; bộ luật Tố tụng dân sự; luật Tố tụng hành chính; Pháp lệnh Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND; Pháp lệnh Trình tự, thủ tục TAND xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; pháp luật về trình tự, thủ tục bắt giữ tàu bay, tàu biển mà không phải là tội phạm.

VNExpress đưa tin, giải thích vi phạm trong lĩnh vực tư pháp thường bị xử lý nặng hơn so với các lĩnh vực khác, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết do "đây là đặc thù của ngành". Nhưng các mức phạt đều nằm trong khung, đảm bảo thấp hơn mức tối đa, không vượt quá thẩm quyền của luật hiện hành.

Ông dẫn chứng, việc đánh người gây thương tích đã được nêu trong Bộ luật Hình sự nhưng công an, kiểm sát viên đánh người thì đấy là "hành vi buộc phải xử nặng". TAND Tối cao sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo pháp lệnh để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng tình với việc tăng mức phạt. Tuy nhiên để đồng bộ với hệ thống pháp luật, ông đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát các luật chuyên ngành để "tránh một hành vi mà hai văn bản quy phạm pháp luật lại xử lý khác nhau".

Dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, gồm 4 chương, 45 điều. Mức phạt tối đa với cá nhân là 40 triệu đồng; với tổ chức 80 triệu đồng.

Nguồn tin trên dẫn theo TAND Tối cao, các hành vi cản trở hoạt động tố tụng xảy ra ngày càng nhiều, có xu hướng tăng. Trong khi đó, quy định xử phạt chưa cụ thể, nằm rải rác trong các luật.

Việc xây dựng Pháp lệnh nhằm xử phạt nghiêm những hành vi cản trở hoạt động tố tụng; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong tố tụng, giữ gìn sự tôn nghiêm của tòa án...

Cùng chuyên mục

Tin mới

Đề xuất bệnh viện hạng I có thêm 02 năm để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử
Bộ Y tế hiện đang hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 46/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định hồ sơ bệnh án điện tử. Trong đó, dự thảo này đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 của Điều 20 Thông tư 46/2018/TT-BYT về lộ trình thực hiện bệnh án điện tử, như sau: Đến ngày 31/12/2025, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc phải áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử tại đơn vị.
Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.