Kon Tum: Nhiều dự án chậm triển khai có nguy cơ bị thu hồi
Vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum đã có quyết định thành lập tổ kiểm tra, rà soát một số dự án chậm triển khai trên địa bàn tỉnh để có phương án thu hồi.
Theo đó, các dự án bị kiểm tra tại thành phố Kon Tum gồm Dự án Khách sạn tại Khu đô thị Nam Đăk Bla của Công ty CP Chiến Thắng trúng đấu giá quyền sử dụng đất thuê để thực hiện dự án tại Lô C19 và Dự án Văn phòng, Ngân hàng và Khách sạn tại giao lộ Phan Đình Phùng – Nguyễn Thị Minh Khai của Công ty CP Đầu tư Sài Gòn.
Cụ thể, Dự án Khách sạn tại Khu đô thị phía Nam cầu Đăk Bla có diện tích đất thuê 7.464,8 m2, vốn đầu tư dự kiến 550 tỷ đồng và Dự án Văn phòng, Ngân hàng và Khách sạn của Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn được UBND tỉnh cho thuê đất với thời hạn 50 năm. Mặc dù hai dự án này được xác định là đất dịch vụ thương mại và đã được bàn giao cho chủ đầu tư từ rất sớm, nhưng sau nhiều năm, đến nay vẫn chưa được triển khai và đang có hành vi chiếm đất.
Ngoài ra, tổ kiểm tra cũng sẽ rà soát hai dự án tại xã Đăk Long, huyện Kon Plông, gồm Dự án nông trại hữu cơ tổng hợp sản xuất rau củ quả xứ lạnh xuất khẩu, kết hợp chăn nuôi do Công ty TNHH Kon Tum Bellest làm chủ đầu tư và Dự án Nhà máy sản xuất nước ép từ trái sim rừng của Công ty TNHH Sim Thiên Sơn.
Được biết, Dự án nông trại hữu cơ tổng hợp sản xuất rau củ quả xứ lạnh xuất khẩu, kết hợp chăn nuôi có diện tích 90 ha, được xây dựng và phát triển trang trại chăn nuôi heo trên diện tích 15,2 ha. Đây là dự án đã bị Thanh tra Chính phủ đề nghị chấm dứt hoạt động trong kết luận số 222, công bố đầu tháng 3/2022.
Dự án Nhà máy sản xuất nước ép từ trái sim rừng của Công ty TNHH Sim Thiên Sơn có tổng vốn đầu tư 28,7 tỷ đồng, được thực hiện tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông. Tháng 12/2021, UBND huyện Kon Plông đã có báo cáo rà soát các dự án đầu tư có mục đích sử dụng chưa phù hợp với quy hoạch xây dựng trên địa bàn. Qua đó xác định diện tích xây dựng vườn ươm và mô hình mẫu kết hợp du lịch sinh thái trên diện tích hơn 63 ha của công ty này là đất rừng sản xuất, đất mặt nước và đất trồng lúa.