Kiến nghị giảm mức đóng bảo hiểm xã hội
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất không nên tăng tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội lên mức 27% mà giảm xuống còn 20% do lo ngại mức đóng cao hơn sẽ làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Mới đây, trong góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), VCCI cho rằng, dự thảo đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động. Tuy nhiên, cơ quan này cũng đề xuất không nên tăng tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội lên mức 27% mà giảm xuống còn 20% do lo ngại mức đóng cao hơn sẽ làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Theo quan điểm của VCCI, tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội hiện nay là 17% đối với doanh nghiệp, cộng cả phần đóng của người lao động là 25%, cộng thêm các khoản bảo hiểm y tế và các khoản khác đã lên đến 32%. Trong khi đó, nhiều nước trong khu vực có tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội thấp hơn nhiều, như Indonesia 10%, Philippines 8%, Thái Lan 5%. Điều này khiến cho sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước khó hơn, các đơn hàng sẽ ít đi và như vậy, việc làm, thu nhập của người lao động cũng bị ảnh hưởng.
Vì vậy, để nuôi dưỡng nguồn thu và phát triển bảo hiểm xã hội, các hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị giảm mức đóng của cả của doanh nghiệp và người lao động xuống còn khoảng 20%. Trong bối cảnh doanh nghiệp gặp không ít khó khăn như hiện nay việc hạn chế gia tăng chi phí cho doanh nghiệp là rất cần thiết. Đặc biệt, khi nhân công giá rẻ không còn là lợi thế của Việt Nam và nhiều đối thủ cạnh tranh sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam đã và đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm cả chi phí về bảo hiểm xã hội.
Ngoài việc điều chỉnh tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội, dự thảo Luật còn quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần với hai phương án.
Phương án 1: Quy định việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau: Đối với người lao động đã tham gia trước khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực trở đi thì không được nhận bảo hiểm xã hội một lần (trừ các trường hợp: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành).
Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
Qua đó, VCCI mong muốn rằng việc điều chỉnh tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội và áp dụng các phương án hưởng bảo hiểm một lần sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy tạo việc làm và phát triển kinh tế.