Mẹ dạy con gái 5 điều "quý hơn vàng" trở thành người kiêu hãnh, khí chất thanh cao
Trẻ cần được trau dồi có ý thức lành mạnh về lòng tự trọng, thấu hiểu bản thân và tin rằng mình có giá trị làm nên cuộc sống tốt đẹp.
Nếu bố mẹ quan sát con gái cảm thấy bản thân không quan trọng, không thể làm tốt bất cứ việc gì, lúc này nên cảnh giác với tính cách yếu đuối đang bén rễ, mặc cảm tự ti, làm hài lòng người khác, tự kìm nén bản thân...
Tư duy này khiến trẻ có thói quen chối bỏ bản thân, ngay cả khi đã làm tốt. Một lời bình luận nhỏ cũng dễ dàng khiến trẻ rơi vào trạng thái tự ti... Những dấu hiệu này ở các bé gái dễ bị bỏ qua, bởi nhiều bố mẹ muốn con ngoan ngoãn và không gây rắc rối.
Thực tế, đằng sau những hành vi có vẻ tốt bụng hoặc hợp lý này là chìa khóa hình thành nên "cảm giác rẻ tiền" trong tương lai, khiến trẻ không nhận ra giá trị bản thân, dễ xung đột nội tâm và bị người khác lợi dụng.
Nếu việc giảng dạy không hiệu quả, bố mẹ nên thử 5 phương pháp sau đây, nhằm giúp trẻ thấu hiểu giá trị và yêu thương chính mình, cũng như có cách ứng xử, hành vi phù hợp.


Khen ngợi trẻ - Đánh giá của bố mẹ là một cửa sổ quan trọng để con hiểu bản thân mình
Nhiều bậc bố mẹ dạy con thói quen kìm nén, không được khen con quá nhiều...
Tuy nhiên, cách dạy này khiến trẻ tự nhận thức rằng “Mình tệ lắm” và “Mình không làm được”.
Sự đánh giá mà bố mẹ dành cho con nên khách quan. Dù là lời khen hay lời chỉ trích cũng cần bám sát vào sự thật.
Hãy phê bình khi cần phê bình, và đừng tiết kiệm lời khen khi cần.

Bằng cách này, trẻ sẽ biết được điều gì đúng, điều gì sai.
Công thức chung để khen ngợi trẻ:
- Khen ngợi những hành vi cụ thể + cải thiện chất lượng + bày tỏ kỳ vọng.
Ví dụ "Hôm nay con thức dậy đúng giờ mà không cần mẹ phải giục. Con ngày càng trở nên độc lập hơn".
Khi trẻ hiểu đúng về bản thân mình, sẽ có ý thức tốt về giá trị bản thân.

Khuyến khích trẻ bày tỏ suy nghĩ thay vì im lặng chịu đựng
Dù là tình bạn hay tình yêu, nhiều người thường quen với việc hy sinh bản thân, sợ rằng sau khi bày tỏ suy nghĩ, ẽ không còn bạn bè và mất đi tình yêu.
Nội dung chính ở trường hợp này là trẻ hiểu cảm xúc của mình và biết cách bày tỏ.
Trẻ càng nhỏ thì mong muốn chia sẻ với bố mẹ càng mạnh mẽ. Nếu bố mẹ phàn nàn, phủ nhận, trẻ sẽ dần mất đi sự tự tin để thể hiện bản thân.

Đối với trẻ lớn, đặc biệt ở giai đoạn dậy thì, cần được công nhận nhiều hơn. Vì vậy, khi trẻ bày tỏ ý kiến, cảm xúc và nhu cầu, bất kể có đúng và hợp lý hay không, bố mẹ nên lắng nghe và cho trẻ biết rằng cảm xúc đó rất quan trọng.
Đồng thời, hãy đưa ra những phản hồi tích cực khi trẻ bày tỏ ý tưởng của mình.
"Mẹ hiểu rồi, cảm ơn con đã cho mẹ biết suy nghĩ đó."
Vì vậy, các bé gái cần được dạy cách đọc suy nghĩ, hiểu cảm xúc của mình để diễn đạt chúng bằng lời nói thay vì trốn tránh trong im lặng.

Trau dồi khả năng lựa chọn, thay vì tuân theo mù quáng
Trẻ không có chính kiến riêng luôn bị bao quanh bởi cảm giác tội lỗi.
Hay khi không có khả năng phán đoán riêng, trẻ dễ bị người khác tác động hoặc ép buộc.
Khi gặp khó khăn, trẻ muốn lùi bước và có thói quen hỏi ý kiến người khác khi làm bất cứ việc gì.
Cốt lõi của vấn đề này là: Tin tưởng và phát triển khả năng phán đoán, trao cho trẻ quyền lựa chọn.
Thực tế, sẽ mất thời gian để nuôi dưỡng đứa trẻ có khả năng suy nghĩ độc lập và chính kiến riêng. Vì vậy, bố mẹ đừng vội đưa ra cho con câu trả lời đúng. Thay vào đó, hãy trao quyền cho trẻ và thường xuyên hỏi "Tại sao con nghĩ vậy?"

- Trước khi ra ngoài, hãy để trẻ tự chọn quần áo
- Khi đọc sách, hãy để trẻ chọn câu chuyện yêu thích.
- Hãy cho trẻ tiền tiêu vặt hàng tuần và để con quyết định cách chi tiêu.
- Khuyến khích trẻ tự đưa ra lựa chọn và đừng lo lắng liệu lựa chọn đó có phải là tốt nhất hay không.
Đó là quá trình đưa ra phán đoán, lựa chọn và hiểu được điều trẻ thực sự cần trong trái tim mình.
Hãy nói với trẻ "Điều quan trọng con tìm ra nhu cầu thực sự của mình".

Nuôi dưỡng ý thức về sự đúng mực, dạy trẻ tôn trọng ý kiến khác biệt của người khác
Đứa trẻ có ý thức về sự đúng mực sẽ dễ kết nối các mối quan hệ tốt.
Một cô gái thực sự tự tin sẽ hiểu được bản thân đang nghĩ gì, và tôn trọng ý kiến khác biệt.
Vì vậy, trong trường hợp này nên dạy trẻ suy nghĩ từ góc nhìn của người khác, tìm kiếm điểm chung trong khi vẫn tôn trọng sự khác biệt.
Thế giới có nhiều chiều. Những người khác nhau sẽ nhìn nhận cùng một sự việc và phản ứng theo những cách khác nhau.
Trong khi trẻ bày tỏ ý kiến của mình, điều rất quan trọng là kiên nhẫn lắng nghe ý kiến của người khác.
Ý thức đúng mực và khả năng suy nghĩ từ góc nhìn của người khác sẽ giúp trẻ tương tác tốt hơn.


Giúp trẻ tin rằng bản thân có giá trị và được cần đến
Cảm giác thiếu tự tin thường đi kèm với tâm trạng chán nản và giá trị thấp, sự tồn tại của mình là vô nghĩa.
Vì vậy, nội dung cốt lõi ở vấn đề này là: Xây dựng sự tự tin và ý thức về giá trị.
Khi trẻ muốn giúp đỡ, bố mẹ nên đồng ý, ngay cả khi trẻ làm mọi thứ tệ hơn, nhưng quá trình giúp đỡ người khác sẽ nâng cao khả năng và mang lại cho trẻ cảm giác thỏa mãn.
Hãy nói về những nỗ lực và tiến bộ để trẻ thấy rằng, bản thân có khả năng và giá trị.

Những cô gái được "cần" trong thời gian dài sẽ tự tin, ấm áp và độc lập.
Việc nuôi dạy một đứa trẻ không thể đạt được chỉ sau một đêm. Mọi chuyện bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống.
Thời thế xã hội thay đổi, những cô gái với tính cách ngoan ngoãn, luôn vâng lời không còn phù hợp với giá trị hiện đại. Vì vậy, trẻ cần được trau dồi có ý thức lành mạnh về lòng tự trọng, thấu hiểu bản thân và tin rằng mình có giá trị làm nên cuộc sống tốt đẹp.
Khi trẻ lớn lên với nền tảng giáo dục tốt, sự tự tin và độc lập sẽ thôi thúc trẻ tìm tòi học hỏi, pháy triển bản thân và hướng đến cuộc sống tuyệt vời trong tương lai.