Không phải điểm số, 3 thói quen này mới tạo nên những đứa trẻ thành công, có cuộc sống như mơ ước
Các nhà nghiên cứu đã liệt kê những ảnh hưởng lớn của giáo dục gia đình đến việc học tâp và phát triển tương lai của trẻ.
Vào tháng 10 năm 2021, thành phố Tô Châu (Trung Quốc), đã tổ chức dự án khảo sát giáo dục gia đình đối với học sinh, trong đó dữ liệu khảo sát bảng câu hỏi của 50.826 phụ huynh học sinh lớp 8 được đối chiếu và tương quan với dữ liệu giám sát chất lượng học tập được thực hiện trong cùng thời kỳ.
Theo như khám phá và phân tích tác động đối với sự trưởng thành của trẻ cho thấy, yếu tố giáo dục gia đình có vai trò quan trọng trọng định hướng và phát triển tương lai cho trẻ. Điều này cũng bộc lộ quan niệm và hành vi giáo dục gia đình, hướng dẫn bố mẹ thiết lập quan niệm nuôi dạy con khoa học, giải tỏa lo lắng mù quáng.
Các nhà nghiên cứu đã liệt kê những ảnh hưởng lớn của giáo dục gia đình trong việc giúp trẻ rèn luyện bản thân, phát triển nhân cách, định hướng học tập và xây dựng tương lai...
3 thói quen chính ảnh hưởng đến kết quả học tập của trẻ
Theo kết quả cuộc nghiên cứu, những đứa trẻ thường xuyên ăn sáng ở nhà, có không gian học tập và thói quen ham đọc sách là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh.
Những học sinh thường xuyên ăn sáng ở nhà có kết quả học tập tốt hơn
Kết quả cuộc khảo sát cho thấy, số ngày trung bình trong tuần học sinh ăn bữa sáng do gia đình nấu có tương quan với kết quả học tập của các em.
Điểm học tập của những học sinh ăn bữa sáng do bố mẹ nấu hàng ngày là 513 điểm, trong khi điểm học tập của những học sinh không ăn bữa sáng do gia đình nấu hàng ngày là 450 điểm, với chênh lệch 63 điểm. Có thể thấy, việc bố mẹ đầu tư vào bữa ăn sáng cho trẻ, kết quả học tập của học sinh càng tốt.
Học sinh học trong không gian yên tĩnh sẽ học tập tốt hơn
Chia không gian học tập ở nhà của học sinh thành 4 loại theo hai chiều độc lập và yên tĩnh: Không gian độc lập yên tĩnh, không gian mở yên tĩnh, không gian độc lập có xáo trộn và không gian mở có xáo trộn.
Có sự khác biệt đáng kể về kết quả học tập của những học sinh học trong các loại không gian học tập tại nhà khác nhau. Kết quả học tập của những học sinh học trong một không gian độc lập yên tĩnh là 508 điểm, trong khi học lực của những học sinh học trong một không gian mở với phiền nhiễu là điểm 479. Sự khác biệt giữa trẻ là 31 điểm.
Học sinh có thói quen đọc sách sẽ học tập tốt hơn
Có một mối tương quan tích cực giữa thói quen đọc sách và kết quả học tập của học sinh. Thành tích học tập của học sinh có bộ sưu tập sách hơn 200 cuốn sách là 550 điểm, cao hơn 109 điểm so với học sinh có bộ sưu tập sách chỉ từ 0-25 cuốn sách.
Bố mẹ là người ảnh hưởng lớn nhất đến sức khỏe tinh thần và chất lượng học tập của trẻ
Phong cách nuôi dạy con cái, mức độ đồng hành và hành vi của bố mẹ có tác động đáng kể đến sức khỏe tinh thần và chất lượng học tập của học sinh.
Học sinh có bố mẹ kỷ luật sẽ có sức khỏe tinh thần và chất lượng học tập tốt hơn
Các nhà nghiên cứu tiến hành phân tích điểm số của bố mẹ trên các khía cạnh về đáp ứng nhu cầu cụ thể của trẻ thông qua giao tiếp, chăm sóc, đồng hành, hỗ trợ và yêu cầu về kỷ luật trẻ thông qua các chuẩn mực hành vi, giám sát hoạt động...,
Quan sát dựa trên 4 kiểu phụ huynh: Phụ huynh tính kỷ luật cao, phụ huynh dễ tính, phụ huynh độc đoán và phụ huynh phong cách nuôi dạy thờ ơ.
Kết quả cho thấy, có sự khác biệt đáng kể về điểm số của các chỉ số sức khỏe tâm thần và chất lượng học tập giữa những học sinh có phong cách nuôi dạy con khác nhau.
Những học sinh có bố mẹ có tính kỷ luật cao sẽ khỏe mạnh và có chất lượng học tập tốt hơn, tiếp theo là phong cách bố mẹ dễ tính, trong khi những học sinh được nuôi dạy bởi bố mẹ có tính độc đoán hay thờ ơ có trạng thái tinh thần và chất lượng học tập kém hơn.
Điều này được lý giải bởi kiểu phụ huynh độc đoán có thể khiến cho con cảm thấy bị ép buộc và không được tự do, dẫn đến sự phản kháng và khó khăn trong việc học tập.
Trong khi đó kiểu phụ huynh thờ ơ thường ít quan tâm đến việc giáo dục và phát triển của con cái mình. Điều này có thể do nhiều nguyên nhân, bao gồm sự bận rộn với công việc, áp lực cuộc sống hoặc thậm chí là vì không quan tâm đến việc nuôi dạy con cái.
Những học sinh có gắn bó tình cảm với bố mẹ sẽ có trạng thái tinh thần và chất lượng học tập tốt hơn
Khảo sát về giáo dục gia đình cho thấy 46,0% người bạn đồng hành và giáo dục chính của học sinh THCS là mẹ, 17,0% là bố, 28,5% là bố mẹ và 8,5% là ông bà hoặc người khác. Học sinh có bạn đồng hành học tập khác nhau có điểm số khác nhau về sức khỏe tinh thần và chất lượng học tập.
Điều này cho thấy, trạng thái tinh thần và chất lượng học tập của trẻ em được bố mẹ nuôi dưỡng tốt hơn, tiếp đến là trẻ em chỉ có bố hoặc mẹ đi cùng, trong khi trẻ em được nuôi dưỡng bởi ông bà và những người khác có sức khỏe tinh thần và chất lượng học tập kém hơn.
Trong nghiên cứu này, đồng hành của bố mẹ được chia thành đồng hành học tập, cuộc sống và tình cảm. Sau khi kiểm soát các cá nhân học sinh và tình trạng kinh tế gia đình, kết quả phân tích cho thấy mức độ đồng hành học tập, cuộc sống và tình cảm của bố mẹ có tác động tích cực đến sức khỏe tâm thần của trẻ.
Bố mẹ ít sử dụng các thiết bị điện tử thông minh ở nhà sẽ giúp trẻ có trạng thái tinh thần, chất lượng học tập tốt hơn
Trong trường hợp kiểm soát các cá nhân học sinh và tình trạng kinh tế xã hội gia đình, phân tích cho thấy khoảng thời gian bố mẹ sử dụng thiết bị điện tử thông minh trước mặt con cái có tác động tiêu cực đáng kể đến sức khỏe tâm thần và chất lượng học tập của trẻ.
Thực tế, thời gian bố mẹ sử dụng thiết bị điện tử thông minh ở nhà càng ít thì sức khỏe tinh thần và học tập càng tốt. Việc bố mẹ càng dành nhiều thời gian cải thiện việc đọc và học ở nhà thì sức khỏe tinh thần và chất lượng học tập của con họ càng tốt hơn.
Sự kỳ vọng của bố mẹ có tác động đến sự say mê học tập của học sinh
Nghiên cứu này chủ yếu cho thấy sự lo lắng, so sánh và kỳ vọng của bố mẹ trong việc giáo dục con cái. Phân tích cho thấy những yếu tố trên có tác động tích cực đáng kể đến tình trạng kiệt sức trong học tập của học sinh.
Nếu chia kỳ vọng giáo dục của bô mẹ thành năm cấp độ: Rất cao, cao, trung bình, thấp và rất thấp. Kết quả cho thấy, nếu phụ huynh có kỳ vọng giáo dục vừa phải sẽ giúp trẻ biết phấn đấu tốt hơn. Điều này khuyến khích con học tập một cách tích cực, tạo ra một môi trường học tập thoải mái và động lực, thì sẽ giúp con cảm thấy thích thú và say mê học hơn.
Ngược lại, nếu phụ huynh quá áp đặt, ép buộc con học một cách quá mức hoặc chỉ quan tâm đến kết quả học tập mà không để ý đến quá trình học, trẻ có thể cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi và không muốn học.
Hiệu quả của sự hợp tác giữa nhà và trường có tác động đáng kể đến ý thức học tập của trẻ
Kết quả của cuộc nghiên cứu còn cho biết, tác động của sự hợp tác giữa nhà trường và gia đình có thể dự đoán tích cực về kết quả học tập của trẻ.
Khi gia đình và trường hợp tác đồng bộ với nhau, trẻ sẽ được tiếp cận với một môi trường học tập tích cực và đồng thời nhận được sự hỗ trợ và động viên từ cả hai phía.
Gia đình có thể giúp trẻ xây dựng thói quen học tập và động viên trẻ trong quá trình học tập. Trong khi đó, nhà trường cũng có thể cung cấp cho trẻ các hoạt động học tập thú vị và hỗ trợ trẻ trong việc phát triển các kỹ năng cần thiết cho học tập.
Ngoài ra, sự hợp tác giữa nhà và trường cũng giúp cho trẻ cảm thấy được quan tâm và được chăm sóc. Điều này sẽ giúp trẻ tăng cường ý thức học tập và có động lực để tiếp tục phát triển bản thân.