'Khi nào có thẻ xanh vắc xin, khi đó mới thực sự có chuyện sống chung với Covid-19'
"Khi mở cửa cho người tiêm đủ liều vắc xin, F0 khỏi bệnh thì số ca nhiễm tăng lên là bình thường. Chỉ cần không có bệnh nặng, không có tử vong thì không có vấn đề gì hết. Và như vậy càng nhanh tạo được miễn dịch cộng đồng", BS Trương Hữu Khanh chia sẻ.
Chúng tôi có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Huy Nga, BS Trương Hữu Khanh (nguyên Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM) và chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan về vấn đề cấp thẻ xanh vắc xin, từng bước mở cửa lại nền kinh tế.
ĐỪNG QUÁ ĐỂ Ý SỐ CA NHIỄM COVID-19
Bàn về việc người tiêm đủ chủng ngừa, hoặc F0 khỏi bệnh được hòa nhập vào cộng đồng, PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho rằng rất cần triển khai sớm. Tuy nhiên, khi mở cửa trở lại, nước ta vẫn cần áp dụng các biện pháp 5K. "Trong mỗi gia đình hầu như đều có người chưa được tiêm chủng. Ví dụ như trẻ nhỏ, người già. Và người tiêm đủ liều vẫn có tỷ lệ thấp nhiễm bệnh (mức bảo vệ của vắc xin khoảng 90%), có nguy cơ lây cho người khác. Vì vậy cần phải có 5K".
PGS Nga cũng khẳng định: "Kinh nghiệm quốc tế mới chỉ cho phép người tiêm đủ 2 mũi vắc xin đi lại rộng". Đối với người mới tiêm được 1 mũi vắc xin, PGS Nga cho rằng chỉ nên giới hạn sự đi lại, tiếp xúc ở những khu công nghiệp, nhà máy, doanh nghiệp… nơi mà mọi người đều được tiêm một mũi như nhau. Vì tiêm một mũi thì khả năng nhiễm bệnh vẫn ở mức khoảng 50%.
"Về cơ bản, sau khi độ phủ vắc xin rộng thì nước ta sẽ an toàn. Có thể đến giữa năm sau sẽ mở cửa được hoàn toàn".
Trước thông tin TP.HCM sẽ sớm cấp thẻ xanh vắc xin cho người dân, PGS Nga cho rằng, đối với đầu tàu kinh tế của cả nước thì việc mở cửa sớm rất quan trọng. Hiện nay, tỷ lệ phủ vắc xin ở đây đã khá cao. Tuy nhiên, theo ông Nga, TP.HCM vẫn nên mở cửa dần dần, từng quận, từng phường một. Vừa mở cửa, vừa theo dõi rút kinh nghiệm.
Đồng tình với quan điểm này, BS Trương Hữu Khanh cho rằng, hiện nay việc giãn cách xã hội đang gây ảnh hưởng kinh tế quá nặng nề. Ai cũng mòn mỏi mong chờ mở cửa trở lại. Thế giới cũng đã áp dụng "thẻ xanh vắc xin" rất nhiều, và Việt Nam rất cần thực hiện sớm.
"Đừng quá để ý số ca nhiễm trên thế giới. Phải xem ở các nước có tỷ lệ tiêm vắc xin cao thì tỷ lệ trở nặng, tỷ lệ tử vong là bao nhiêu. 10.000 ca mắc bệnh/ngày cũng không đáng lo bằng 1.000 người mắc bệnh mà có hết 500 người trở nặng. Bởi vì chủng virus Delta này không bao giờ biến mất. Chuyện có ca nhiễm là tất nhiên. Cũng như bệnh cúm không thể có năm nào không có".
BS Khanh chỉ ra gánh nặng với ngành Y tế hiện nay không phải số ca bệnh, mà là số ca trở nặng và tử vong. "Khi nào giải quyết được cái đó thì mình sống chung được với dịch".
Để mở cửa an toàn, ông Khanh khuyến nghị nên theo dõi sát sao việc F0 khỏi bệnh hoặc người tiêm đủ 2 mũi vắc xin đi lại, tiếp xúc với ai. Bởi vì những người này chỉ nên gặp gỡ người không có nguy cơ bị trở nặng vì Covid-19.
"Thí dụ bây giờ phủ được hết vắc xin đến các đối tượng nguy cơ bệnh trở nặng thì mình không lo lắm. Nhưng khi chưa phủ hết thì phải tính toán, phải hạn chế nhóm được cập thẻ xanh tiếp xúc với những người này. Bởi vì họ chưa được bảo vệ bởi vắc xin".
Đối với việc cho phép người có thẻ xanh vắc xin được đi du lịch, ông Khanh đưa ra ý kiến nên lập bản đồ vùng xanh, vùng đỏ. Theo đó, vùng xanh là nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao, hoặc có ít nhóm đối tượng có nguy cơ trở nặng vì Covid. Đây là các vùng an toàn mà người có thẻ xanh vắc xin có thể tới.
"Sau khi nới lỏng giãn cách, chuyện số ca tăng là bình thường. Nhưng nếu không nặng thì không có vấn đề gì hết. Số ca tăng, mà không có bệnh nặng, không có tử vong thì càng nhanh tạo được miễn dịch cộng đồng", BS Khanh nói thêm.
NHỮNG ĐIỀU CHÍNH PHỦ CẦN LÀM SAU KHI TRIỂN KHAI THẺ XANH VẮC XIN
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, ở những địa phương đạt tỷ lệ tiêm chủng từ 70-80% trở lên thì nên sớm nới lỏng giãn cách và tiến tới mở cửa trở lại. "Chỉ khi nào Việt Nam làm được điều này thì đấy mới thực sự là ý nghĩa của việc sống chung với Covid-19".
Một lý do rất quan trọng để thúc đẩy thẻ xanh vắc xin, theo bà Lan, hiện nay nhiều người vẫn còn ngần ngại việc tiêm chủng, kén chọn loại vắc xin. "Tôi nghĩ thẻ xanh vắc xin sẽ là cách khuyến khích mọi người đi tiêm chủng. Chứ chính quyền cũng không thể bắt buộc người dân chưa tiêm phải đi tiêm được. Các nước khác cũng đã làm như vậy. Ví dụ Mỹ còn cho tiền người tiêm vắc xin. Nước mình thì chưa làm được như vậy. Nhưng khuyến khích theo cách mở cửa cho người có thẻ xanh vắc xin là rất cần".
Theo bà Lan, sau khi áp dụng thẻ xanh vắc xin, Chính phủ phải tạo điều kiện cho người dân khôi phục lại cuộc sống của mình, nhất là người làm ăn, kinh doanh.
"Không chỉ doanh nghiệp lớn, mà những người kinh doanh nhỏ lẻ cũng cần được tạo mọi điều kiện thuận lợi. Vì rõ ràng, cái làm cho cuộc sống của người dân ở các TP lớn, ví dụ như TP.HCM khó khăn chính là vì hệ thống mà người dân tự trao đổi, làm ăn, đỡ đần với nhau trong cuộc sống bị cắt đứt".
Tiếp đó, Chính phủ phải tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhất là ở các vùng trọng điểm có đóng góp lớn cho nền kinh tế. Các quy định đưa ra lâu nay gây cản trở đến cuộc sống của người dân cần sớm được dỡ bỏ. Ví dụ việc cấp các loại giấy phép đi đường.
"Nếu có thẻ xanh vắc xin, sẽ không có chuyện cấp giấy đi đường mà Công an phường lại hỏi tới cả sổ lương, hợp đồng lao động của người ta…. Như ở Hà Nội, thẻ xanh vắc xin sẽ giảm bớt biết bao là phiền hà cho người dân".
Tuy nhiên, bà Lan cũng mong mỏi, người dân sẽ không phải mang một tờ giấy chứng nhận tiêm chủng kè kè bên người. "Chính phủ cần tận dụng được tối đa công nghệ thông tin để tiện lợi cho người dân. Chỉ cần một mã code, họ có thể quẹt để thông qua các chốt, các cổng ra vào cơ quan…"
Bà Lan cho rằng, các loại giấy đi đường hiện nay đang gây phiền hà cho người dân, cần sớm được dỡ bỏ khi có thẻ xanh vắc xin. Thậm chí ngay cả thẻ xanh cũng nên được cấp theo hướng tận dụng CNTT.
Chuyên gia kinh tế Chi Lan nhấn mạnh, việc phục hổi kinh tế sau dịch phụ thuộc vào việc Chính phủ, các Bộ, ban, ngành và địa phương sẽ làm gì. Theo bà, ở những nơi nào mà lãnh đạo lắng nghe dân thì kinh tế cũng sẽ sớm được khôi phục.
"Tôi đánh giá rất cao cách ông Phan Văn Mãi (Chủ tịch UBND TP.HCM) trực tiếp livestream, lắng nghe người về khó khăn vướng mắc của người dân. Ông dám đưa ra cam kết, cố gắng hết sức để cải thiện tình hình. Chứ không phải dịch cứ tăng lên, lãnh đạo lại tìm cách gây khó thêm cho người dân".
Nhận xét về động thái đi đầu cả nước trong việc cấp thẻ xanh vắc xin ở Bình Dương, bà Lan khẳng định đây là một chủ trương rất đúng đắn, kịp thời. Vì nếu tính theo tỷ lệ người mắc trên đầu dân thì chính Bình Dương mới cao nhất chứ không phải TP.HCM.
"Có nghĩa là Bình Dương nghiêm trọng hơn cả Sài Gòn. Nhưng cách xử lý của tỉnh rất đúng khi nỗ lực tạo điều kiện sớm nhất cho người dân có đầy đủ tiêm chủng được đi lại, làm việc bình thường. Đối với một tỉnh là trọng điểm về công nghiệp như Bình Dương thì đó là một giải pháp hiệu quả".
Bên cạnh đó, các giải pháp khôi phục kinh tế cũng nên được tính toán theo hướng không cần nỗ lực khôi phục hết những gì đã làm trước đây, mà nên ưu tiên những doanh nghiệp có lực để phát triển. "Những câu chuyện như Vietnam Airlines dứt khoát phải xem lại. Việc duy trì hãng hàng không Quốc gia rất cần, nhưng duy trì như thế nào mới là vấn đề?".
Cuối cùng, chuyên gia kinh tế Chi Lan cho rằng, Chính phủ nên sớm có cơ sở pháp lý cho phép các tổ chức xã hội được thành lập và hoạt động. Chúng ta treo luật về các Hội đã nhiều năm. Nhưng suốt dịch Covid-19 vừa qua thì có thể thấy sức mạnh cộng đồng rất lớn.
"Ông Phan Văn Mãi cũng thừa nhận trong lúc dịch bệnh, bà con đã chia sẻ với nhau biết bao nhiêu, trong khi chính quyền không sức nào làm nổi. Vậy thì chuyện cấp phép, tạo điều kiện cho các hội hoạt động là vấn đề cần sớm được xem xét, giải quyết", bà Lan nói thêm.