Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ tư, 24/07/2024 14:26 (GMT+7)

Hoại tử chân do tự ý cho ong châm chữa bệnh

Theo dõi GĐ&PL trên

Một bệnh nhân đã rơi vào tình trạng hoại tử khớp gối, sốt cao, nhiễm khuẩn huyết do tự ý dùng ong châm vào khớp gối và đắp thuốc nam để chữa bệnh viêm khớp dạng thấp.

Theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh viện vừa tiếp nhận một trường hợp người bệnh 43 tuổi ở Hà Tĩnh có tiền sử viêm khớp dạng thấp 20 năm, điều trị thường xuyên tại nhà. Gần đây, bệnh nhân xuất hiện đau nhiều các khớp gối, cổ bàn tay 2 bên nên đã tự ý dừng thuốc đột ngột và chuyển sang điều trị bằng phương pháp cho ong châm khớp gối. Một tuần gần đây, bệnh nhân xuất hiện sưng nóng đỏ đau nhiều cẳng, bàn chân phải. Nghe người mách, người này đã tự đắp, bôi nhiều loại thuốc nam tại nhà. Tuy nhiên, sau đó 4 ngày, cẳng chân phải sưng đau hoại tử kèm sốt cao liên tục, nói nhảm nhiều.

Hoại tử chân do tự ý đắp thuốc nam, cho ong đốt chữa bệnh
Hoại tử khớp gối, sốt cao, nhiễm khuẩn huyết do tự ý dùng ong châm chữa bệnh - https://suckhoeviet.org.vn/.

Khi đến cơ sở y tế điều trị, người bệnh được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết, viêm mô mềm. Sau điều trị một ngày, bệnh nhân được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng kích thích, nói nhảm và sốt liên tục; sưng đỏ đau cẳng chân phải nhiều, loét mủ hoạt tử nhiều mu bàn chân phải; biến dạng khớp bàn ngón tay 2 bên. Bệnh viện chẩn đoán người bệnh bị nhiễm khuẩn huyết - viêm mô bào cẳng bàn chân phải/viêm đa khớp dạng thấp.

Bác sĩ Phạm Văn Tỉnh, Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình và thần kinh cột sống, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh nhân có tiền sử viêm đa khớp dạng thấp, đặc biệt ở 2 khớp gối, đã tự điều trị bằng corticoid trong nhiều năm mà không có hiệu quả. Từ 6 năm trước, bệnh nhân đã tìm ra phương pháp dùng ong châm vào chân để chữa khớp gối trên internet và cảm thấy có đỡ.

Hơn một tháng trước, khi cơn đau tái phát, bệnh nhân tiếp tục điều trị phương pháp này tại nhà một thầy lang, dẫn đến tình trạng ong châm chi chít ở cả hai đầu gối. Sau khi bị ong châm, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sưng đau kéo dài tại vị trí bị đốt, dẫn đến mưng mủ khớp gối nhưng không đến bệnh viện mà tự ý đắp thuốc nam chữa bệnh.

Tình trạng nhiễm trùng lan xuống mu bàn chân phải, khiến bệnh nhân rơi vào trạng thái nhiễm độc tiền hôn mê và phải mổ cấp cứu.

Sau gần một tiếng phẫu thuật, các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tập trung cắt lọc phần hoại tử và làm sạch các khoang ở cẳng chân. Bệnh nhân dần ổn định và đã lấy lại ý thức. Hiện bệnh nhân đang được lắp hệ thống hút liên tục để chờ vết thương ổn định trước khi tiến hành cấy da từ vùng đùi xuống.

Bác sĩ Phạm Văn Tỉnh cảnh báo, người dân không nên tự ý điều trị bệnh bằng các phương pháp không được kiểm chứng; không tự ý sử dụng thuốc nam điều trị khi chưa có cơ sở khoa học. Khi gặp vấn đề về sức khỏe, người dân hãy đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị thay vì tự điều trị tại nhà.

Cùng chuyên mục

Thành phố Hồ Chí Minh: Chưa thể kết thúc dịch sởi do chưa tiêm đủ vaccine
Mặc dù tỷ lệ tiêm chủng vaccine sởi trong cộng đồng đã được nâng lên nhưng số ca mắc sởi tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục gia tăng. Đáng chú ý, khảo sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố cho thấy, vẫn còn khoảng 20% trẻ cư trú trên địa bàn nhưng lại có địa chỉ khai báo trên hệ thống ở tỉnh, thành khác.
Kiểm dịch y tế, ngăn chặn ca bệnh Marburg từ cửa khẩu
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur; Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế các tỉnh, thành phố; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố có hoạt động kiểm dịch y tế tăng cường kiểm dịch y tế, năng lực xác định với bệnh Marburg.
Trào lưu "bắt pen" và những hậu quả khôn lường
Thời gian gần đây, mạng xã hội xuất hiện nhiều video theo trào lưu “bắt pen” khiến giới trẻ thích thú và tò mò thực hiện bởi cảm giác lâng lâng. Các chuyên gia y tế cảnh báo, hành động này tiềm ẩn nguy cơ gây thiếu máu não, ngưng tim, đột quỵ, thậm chí tử vong.

Tin mới

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất giảm giá vé tàu xe công cộng cho học sinh, sinh viên
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 84/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất học sinh, sinh viên được giảm giá vé tàu điện trên cao, tàu điện ngầm, phà; học sinh phổ thông được miễn phí tham quan các thiết chế văn hóa như: bảo tàng, di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh.