Hành vi mua bán, nhập khẩu, sử dụng trái phép pháo nổ bị xử lý thế nào?
Trong dịp gần Tết Nguyên đán, cơ quan Công an liên tục bắt giữ các nhóm đối tượng để điều tra về hành vi vận chuyển trái phép pháo nổ. Vậy, theo quy định của pháp luật, hành vi mua bán, nhập khẩu, sử dụng trái phép pháo nổ, pháo hoa nổ có thể bị xử lý như thế nào?
Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, Chính phủ Việt Nam đã quy định cấm sản xuất, vận chuyển, buôn bán pháo nổ từ năm 1994. Ngày 08/8/1994, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã ban hành Chỉ thị số 406-TTg về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo. Theo Chỉ thị số 406-TTg, kể từ ngày 01/01/1995 nghiêm cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ trong phạm vi cả nước (trừ các loại pháo hoa và thuốc làm pháo hoa).
Chỉ thị nghiêm cấm việc nhập khẩu các loại pháo, các loại thuốc pháo và nguyên liệu làm pháo từ nước ngoài vào Việt Nam. Mọi loại pháo nước ngoài đang được buôn bán trên thị trường Việt Nam đều bị tịch thu và tiêu huỷ và thu hồi giấy phép kinh doanh; nếu gây hậu quả nghiêm trọng phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hiện nay, hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép pháo nổ là hành vi vi phạm pháp luật, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, điểm i khoản 3 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm như sau:
"3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
...
i) Sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép;".
Ngoài ra, tại điểm a khoản 7 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội cũng có quy định mức xử phạt về hành vi vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm như sau:
"7. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các điểm d và đ khoản 1; các điểm a, b, c, e và g khoản 2; các điểm a, c, d, đ, e, h, i và k khoản 3; các điểm a, b, c, d, đ, e, h và i khoản 4 và khoản 5 Điều này;".
Như vậy, theo quy định của pháp luật thì người đốt, sử dụng pháo hoa trái phép sẽ bị phạt hành chính từ 5.000.000 đến 10.000.000 đồng và tịch thu tang vật.
Hành vi đốt pháo nổ nơi công cộng gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội hoặc hành vi sử dụng pháo nổ gây ra thương tích cho người khác thì cũng có thể bị xử lý hình sự về tội "Gây rối trật tự công cộng" hoặc tội "Cố ý gây thương tích".
Theo quy định của pháp luật, pháo hoa nổ và pháo nổ là loại hàng hóa cấm sản xuất, buôn bán. Do đó, người nào sản xuất, buôn bán trái phép pháo nổ và pháo hoa nổ thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 190 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt có thể tới 15 năm tù nếu số lượng pháo từ 120kg trở lên.
Hành vi sản xuất, buôn bán trái phép pháo hoa nổ và pháo nổ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu số lượng pháo từ 6kg trở lên. Trường hợp dưới 06 kilôgam thì sẽ bị xử phạt hành chính.
Đối với đối tượng vận chuyển trái phép pháo nổ qua biên giới còn có thể bị xử lý hình sự về tội "Buôn lậu" hoặc tội "Buôn bán hàng cấm" với tình tiết tăng nặng là vận chuyển trái phép qua biên giới.
Có thể thấy, pháp luật quy định rất cụ thể, rất rõ ràng về hành vi sản xuất, vận chuyển phải nhập lậu, mua bán, sử dụng trái phép pháo. Tuy nhiên, những dịp cận Tết Nguyên đán thì hành vi vận chuyển, mua bán trái phép pháo nổ diễn ra ở nhiều địa phương, địa bàn, đặc biệt là những khu vực giáp biên giới.
Do đó, để giảm thiểu những hành vi vi phạm thì cần phải tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Bên cạnh đó, cần phải tuần tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới để kịp trời thời phát hiện và xử lý các hành vi vận chuyển, mua bán trái phép pháo nổ theo quy định của pháp luật.