Hà Nội cho học sinh cấp 3 học trực tiếp từ 6/12, thí điểm điều trị F0 thể nhẹ tại nhà
Học sinh THPT ở khu vực dịch cấp 1 và 2, trong 14 ngày (tính đến 30/11) không có ca mắc Covid-19 cộng đồng, có thể được đến trường từ 6/12.
Chiều 29/11, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã xem xét báo cáo và yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND TP Hà Nội khẩn trương ban hành kế hoạch tổ chức đưa học sinh khối 10, 11, 12 và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trở lại trường học.
Trước mắt, thực hiện đối với các xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2; trong 14 ngày tính đến thời điểm 30/11/2021 không có các ca F0 trong cộng đồng.
Thời gian thực hiện kế hoạch trên bắt đầu từ đầu tháng 12/2021, có thể xem xét từ 6/12.
Theo báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND thành phố Hà Nội, hiện nay, dịch bệnh trên địa bàn Thành phố đang được kiểm soát, tuy nhiên có nguy cơ bùng phát và có thể xuất hiện nhiều các ca bệnh mới do mầm bệnh tồn tại ngoài cộng đồng, tâm lý chủ quan của một số bộ phận người dân, cơ quan, đơn vị. Chủng vi rút biến thể lây lan nhanh khó lường (hiện Việt Nam đã có 07 biến thể).
Số liệu thống kê cho thấy, giai đoạn từ ngày 21/11-29/11, trên địa bàn Thành phố ghi nhận 2.267 bệnh nhân, trong đó, đã tiêm 2 mũi 1.402 trường hợp (61,8%), 213 trường hợp đã tiêm 1 mũi (9,4%).
Trung bình mỗi ngày ghi nhận 284 ca/ngày, tăng so với tuần từ ngày 14/11-20/11 ghi nhận trung bình 226 ca/ngày. Tỷ lệ F1 chuyển thành F0 có xu hướng gia tăng nhanh.
Giai đoạn từ 11/10-29/11, toàn Thành phố ghi nhận thêm 22.621 trường hợp F1 trong đó có 3.371 trường hợp F1 chuyển thành F0. Như vậy, tỷ lệ F1 chuyển thành F0 giai đoạn này là 14,9%; cao hơn so với tỷ lệ F1 chuyển thành F0 giai đoạn từ 29/4 đến 10/10.
Trên địa bàn Thành phố đã ghi nhận một số ổ dịch cộng đồng phức tạp, bùng phát nhanh, không rõ nguồn lây, liên quan nhiều đơn vị và nhiều sự kiện tập trung đông người…
Về công tác điều trị tại bệnh viện và cơ sở thu dung, Thành phố đã ban hành Phương án 263/PA-UBND ngày 23/11/2021 về phương án đáp ứng thu dung điều trị “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Trong đó, có tổ chức thực hiện điều trị tại các bệnh viện và các cơ sở thu dung, điều trị F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ để có thể đáp ứng 100.000 ca bệnh.
Tính đến ngày 29/11, 4 huyện đã thu dung điều trị F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ (Hoài Đức: 39 ca; Sóc Sơn: 8; Mỹ Đức: 7; Thanh Trì: 2). Từ ngày 1/12/2021, tất cả các địa phương còn lại thực hiện thu dung, điều trị F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ tại cơ sở (Thành phố chỉ điều tiết F0 tại 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng).
Tính đến ngày 27/11/2021 đã có 10 quận, huyện sẵn sàng thu dung điều trị (Sóc Sơn, Đông Anh, Long Biên, Mỹ Đức, Hoài Đức, Đan Phượng, Phú Xuyên, Thanh Trì, Ba Vì, Hà Đông).
Các quận, huyện, thị xã đã rà soát được 1,993,336 hộ dân/26 quận, huyện với 778,781 hộ đủ điều kiện cách ly (F1) tại nhà. Hiện đang cách ly tại nhà 5.585 người tiếp xúc gần F1.
Thường trực Thành ủy thống nhất chỉ đạo tiếp tục triển khai thực hiện một số biện pháp:
Về điều trị: Thực hiện điều tri F0 ở cơ sở xã , phường; củng cố hệ thống y tế cơ sở, huy động các lực lượng y tế và tăng cường tập huấn , hướng dẫn đối với lực lượng y tế cơ sở
Triển khai thí điểm điều trị F0 thể nhẹ và không triệu chứng tại nhà khi đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của ngành y tế. Chuẩn bị sẵn sàng các phương án theo dõi, phân luồng, cơ số thuốc điều trị để hạn chế tối đa bệnh nhân phải chuyển tầng điều trị. Thường xuyên cập nhật trên phần mềm theo dõi, quản lý F0 của Thành phố.
Thực hiện việc cho học sinh cấp 3 đi học trực tiếp từ ngày 06/12/2021 và tiếp tục nghiên cứu cho học sinh cấp 2 tiếp tục đến trường sau khi hoàn thành việc tiêm phủ cho học sinh theo kế hoạch. Đồng thời nghiên cứu có phương án tầm soát y tế phù hợp để đảm bảo an toàn cho học sinh khi quay trở lại trường.
Nâng cao kỷ luật, kỷ cương hệ thống chính trị trong việc nghiêm túc tổ chức thực hiện các chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố. Xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm. Đồng thời với việc tăng cường tuyên truyền nhằm thúc đẩy tính tự giác, tích cực của người dân trong phòng, chống dịch, đặc biệt là hướng dẫn các biện pháp thích ứng an toàn, nâng cao nhận thức của người dân để thích ứng trong tình hình mới.