Giá xăng dầu hôm nay 5/8/2023: Cập nhật giá xăng dầu trong nước, quốc tế
Cập nhật giá xăng dầu trong nước và thế giới mới nhất hôm nay 5/8/2023. Cập nhật giá xăng dầu thế giới mới nhất, giá dầu thô và các phiên điều chỉnh giá xăng
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 5/8
Ghi nhận vào lúc 8h30 ngày 5/8 (giờ Việt Nam), Dầu Brent tăng 0,78 USD/thùng, tương ứng +0,92% ở mức 85.93 USD/thùng. Giá dầu WTI tăng 0,79 USD/thùng, tương ứng +0,97% ở mức 82.01 USD/thùng.
Giá dầu hôm nay bật tăng sau khi các nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới là Saudi Arabia và Nga gia hạn cắt giảm nguồn cung cho đến tháng 9, làm tăng thêm lo ngại về thiếu hụt nguồn cung. Đây là chuỗi tăng giá dài hơi nhất của giá dầu kể từ cuối tháng 2 năm ngoái.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 2/8, giá dầu lao dốc hơn 2% bất chấp sự sụt giảm "khủng" trong dự trữ dầu thô của Mỹ. Sự trượt dốc của giá dầu là bởi các thương nhân giảm bớt rủi ro sau khi một trong ba tổ chức xếp hạng tín dụng lớn nhất Mỹ hạ bậc tín dụng của Mỹ.
Reuters đưa tin, ngày 3/8, Saudi Arabia đã gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 1 triệu thùng mỗi ngày đến cuối tháng 9, đồng thời nhấn mạnh việc cắt giảm này có thể kéo dài hơn. Sản lượng dầu của Saudi Arabia trong tháng 9 dự kiến vào khoảng 9 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết, Moscow sẽ cắt giảm lượng dầu xuất khẩu khoảng 300.000 thùng/ngày vào tháng sau.
Động thái trên của Saudi Arabia và Nga đã làm gia tăng lo ngại về nguồn cung, từ đó hỗ trợ giá “vàng đen”.
Giá dầu leo dốc bất chấp lo ngại một số ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp tục tăng lãi suất để giảm lạm phát. Việc này có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu dầu mỏ.
Tuy nhiên, những dữ liệu mới nhất của Mỹ cho thấy, thị trường lao động thắt chặt và lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng chậm lại đã gây ra lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế. Điều này sẽ hạn chế nhu cầu dầu mỏ, khiến giá dầu có thể đi xuống.
Giá dầu đã lấy lại được đà tăng khi thị trường kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm ngừng tăng lãi suất, dự trữ dầu của Mỹ giảm nhẹ, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc tăng mạnh, và sự gia tăng lo ngại thiếu hụt nguồn cung trong những tháng tới.
Reuters cho hay, Fitch đã hạ bậc tín dụng của Mỹ từ bậc cao nhất AAA xuống bậc AA+ với lý do suy thoái tài chính cũng như gánh nặng nợ công lớn và đang gia tăng. Việc Chính phủ Mỹ bị hạ xếp hạng tín nhiệm đã gây sức ép lên tâm lý của các nhà đầu tư, qua đó đẩy thị trường chứng khoán thế giới và dầu đi xuống.
Bên cạnh đó, việc chính phủ Mỹ rút lại đề nghị mua 6 triệu thùng dầu bổ sung cho kho dự trữ dầu chiến lược của nước này cũng đẩy giá dầu lao dốc. Tuy nhiên, giá dầu quay đầu đi lên khi dự trữ dầu của Mỹ giảm sốc.
Dữ liệu chính thức từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy, dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 17 triệu thùng trong tuần trước, mức giảm lớn nhất kể từ năm 1982. Nguyên nhân của sự sụt giảm mạnh này là do hoạt động lọc dầu tăng và xuất khẩu dầu thô mạnh.
Cùng với đó, những lo ngại về xu hướng nguồn cung thắt chặt đã phần nào hỗ trợ giá dầu. Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nước đồng minh (OPEC+) dự kiến sẽ duy trì cắt giảm sản lượng trong cuộc họp vào hôm nay.
Dữ liệu từ Viện Dầu khí Mỹ (API) đưa ra ngày 1/8 cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ giảm mạnh khoảng 15,4 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 28-7, cao gấp hơn 10 lần so với dự đoán của các nhà phân tích là giảm 1,37 triệu thùng. Cùng với dự trữ dầu, dự trữ xăng của Mỹ cũng giảm nhưng ở mức khiêm tốn hơn, khoảng 1,7 triệu thùng. Tuy nhiên, mức dự trữ này vẫn cao hơn so với ước tính của các nhà phân tích (giảm 1,3 triệu thùng). Dự trữ sản phẩm chưng cất giảm khoảng 510.000 thùng, trong khi các nhà phân tích ước tính tăng 112.000 thùng.
Theo Giovanni Staunovo, chiến lược gia tại Ngân hàng đầu tư UBS, việc cắt giảm sản lượng tự nguyện của các thành viên của OPEC+ đã hỗ trợ giá dầu leo dốc trong thời gian qua. Đáng chú ý là Saudi Arabia - nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới - tiếp tục keo dài cam kết cắt giảm tự nguyện sang tháng 9 sẽ thắt chặt hơn nữa thị trường dầu mỏ.
Edward Gardner, nhà kinh tế hàng hóa tại Capital Economics, nhận xét thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ chuyển từ mức dư cung 800.000 thùng/ngày trong nửa đầu năm sang mức thâm hụt 1,2 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm.
Trong một báo cáo trước đó của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), IEA dự báo nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến sẽ tăng 2,2 triệu thùng/ngày lên mức kỷ lục 102 triệu thùng trong năm nay. Tuy nhiên, sản lượng dầu toàn cầu được dự báo chỉ tăng 1,5 triệu thùng/ngày lên 101,5 triệu thùng.
Giá xăng dầu trong nước
Theo quyết định của liên bộ Công Thương-Tài chính, giá xăng dầu trong nước từ 15h30 ngày 1/8.
Theo điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính, trong kỳ điều chỉnh lần này, giá các mặt hàng xăng, dầu đồng loạt tăng.
Cụ thể, xăng E5 RON92 không cao hơn 22.791 đồng/lít (tăng 1.152 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), xăng RON95 có giá 23.963 đồng/lít (tăng 1.171 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành).
Các loại dầu tăng giá như sau: Dầu diesel tăng 1.112 đồng/lít, không cao hơn 20.612 đồng/lít; Dầu hỏa tăng 1.081 đồng/lít, không cao hơn 20.270 đồng/lít và giá dầu mazut tăng 806 đồng/kg, không cao hơn 16.531 đồng/kg.
Kỳ này, nhà điều hành quyết định chi sử dụng quỹ bình ổn giá với các mặt hàng dầu hoả và dầu diesel ở mức lần lượt là 300 và 400 đồng. Đồng thời không yêu cầu trích lập vào quỹ đối với tất cả các mặt hàng.
Tại kỳ điều hành ngày 21/7, giá xăng dầu cũng được cơ quan điều hành tăng giá hàng loạt. Mỗi lít xăng A95 và E5 tăng thêm hơn 1.200 đồng. Giá dầu cũng được điều chỉnh tăng gần 900 đồng/lít.
Như vậy giá xăng dầu trong nước tiếp tục tăng ở kỳ này. Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 21 lần điều chỉnh, trong đó có 12 lần tăng, trong đó hai kỳ vừa qua tăng mạnh liên tiếp; có 6 lần giảm và 3 lần giữ nguyên.
Bảng giá bán lẻ xăng dầu Petrolimex
Sản phẩm Vùng 1 Vùng 2
Xăng RON 95-V | 24.560 | 25.050 |
Xăng RON 95-III | 23.960 | 24.430 |
Xăng E5 RON 92-II | 22.790 | 23.240 |
DO 0,001S-V | 21.800 | 22.230 |
DO 0,05S-II | 20.610 | 21.020 |
Dầu hỏa 2-K | 20.270 | 20.670 |