Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ tư, 05/04/2023 08:58 (GMT+7)

Fansipan trong những chiếc gùi Hmông

Theo dõi GĐ&PL trên

Leo lên đỉnh núi Fansipan bằng cáp treo hôm nay chỉ mất 15 phút. Ngồi trong ca bin kính trong suốt, toàn cảnh núi cao rừng thẳm, mây bay gió cuốn hiện ra trước mắt chẳng khác nào xem phim màn ảnh rộng 4D trong các phòng chiếu phim hiện đại, tôi bỗng bồi hồi nhớ lại cái lần leo bộ lên đỉnh cũng chính ngọn núi cao nhất xứ Đông Dương này cùng với các bạn người HMông.

Khởi hành từ Hà Nội tối hôm trước, 8 giờ sáng hôm sau chúng tôi đã có mặt ở Trạm Tôn trên đèo Ô Quý Hồ ngoại thị Sa Pa để sẵn sàng cho cuộc chinh phục ngọn núi được mệnh danh là Nóc Nhà Đông Dương. Từ ô tô bước xuống khoảng sân rộng Trạm Tôn, tức là cổng chính Vườn Quốc gia Hoàng Liên, đã thấy một tốp khá đông, người Kinh có, người H'Mông có. Xung quanh họ la liệt những gùi hàng và ba lô túi xách.

Anh Thiện, đội trưởng đội hướng dẫn viên du lịch 4 người mời một người H'Mông thấp bé đã luống tuổi, giới thiệu với chúng tôi: "Đây là bác Mã A Ly, đội trưởng đội potơ 5 người. Đội của bác có trách nhiệm phục vụ đoàn chúng ta trong suốt ba ngày leo núi. Còn đây giới thiệu với bác Ly, anh Bình, đoàn trưởng đoàn du lịch 9 người. Anh em Tua gai chúng tôi có phận sự đưa đón và hướng dẫn đoàn đi đến nơi về đến chốn an toàn, mọi sinh hoạt ăn ở trên đường đều do potơ các bác thu xếp. Có việc gì hai người cứ trao đổi trực tiếp với nhau". Bác Ly quay sang nói với chúng tôi: "Những cái mang được thì mang, những cái không mang được cứ để cu tỉ potơ mang cho!".

Trong mấy ngày cùng đi, cùng ăn, cùng ngủ sau đấy, tôi có dịp phát hiện ra rằng, có lẽ do thường xuyên phải tiếp xúc và phục vụ khách du lịch cả trong và ngoài nước, nên ngôn ngữ giao tiếp ở đây cũng được pha trộn đôi chút theo hướng ngắn gọn dễ hiểu. Ví dụ, hướng dẫn viên du lịch được gọi là tua gai, hoặc là gai (“tour guide” trong tiếng Anh ), người khuân vác hàng hóa gọi là potơ (“porter” trong tiếng Anh ), cu tỉ tiếng H'Mông nghĩa là anh em ruột thịt họ hàng thân thích, ở đây khi giao tiếp dùng luôn là cu tỉ...

5 potơ người H'Mông với 5 chiếc gùi lớn chất đầy gạo mỳ, mắm muối, thịt trứng, rau đậu... đủ lượng phục vụ ngày ba bữa cho 18 miệng ăn trong suốt ba ngày leo núi đi về. Ngoài ra lại còn 18 chiếc túi ngủ cuốn gọn trong bao căng tròn như những chiếc phao cứu sinh. Rồi thì 3 tấm bạt lớn mang theo dự phòng khi không có lán ngủ sẽ trải ra nền đất lấy chỗ ngả lưng.

Lại nữa, nồi niêu bát đũa và dụng cụ nhà bếp phục vụ trên đường chả thiếu thứ gì. Đấy là chưa kể đồ dùng cá nhân và dao quắm đi rừng, từng potơ bao giờ cũng có đầy đủ. Anh em trong đoàn chúng tôi ai cũng một ba lô quần áo, đồ dùng cá nhân đủ thứ khoác vai. Còn lại những thứ không thường xuyên dùng đến trên đường như quần áo ấm, chăn, áo mưa, dây thừng leo núi, và đặc biệt là nước uống dự trữ, thuốc thang bông băng, bia lon, nước ngọt, rượu và các loại thực phẩm khô ăn liền... tất tật đều tập trung lại nhờ cu tỉ potơ mang giúp.

Fansipan trong những chiếc gùi H'mông - 1
Anh em cu tỉ potơ gùi hàng vượt suối.

Trước khi xuất phát, đội trưởng tua gai Đinh Văn Thiện phổ biến tóm tắt nội quy đi đường và lộ trình leo núi. Yêu cầu được đặt ra là mọi người cần cố gắng đi tập trung theo đội hình hàng dọc, dẫn đường là một gai, khoá đuôi là một gai, hai gai còn lại sẽ xen kẽ giữa hàng để giúp đỡ những người yếu sức. Trường hợp bị lạc đường hoặc cần sự giúp đỡ của người khác thì cứ thổi ba tiếng còi liên tiếp làm tín hiệu, ai nghe thấy lập tức phải trả lời bằng một tiếng còi dài.

Còn về lộ trình, ngày đầu xuất phát từ Trạm Tôn, leo đến Lán Một ở độ cao 2219 mét, nghỉ ăn trưa trong khoảng một tiếng. Từ đây leo tiếp, chừng 5 giờ chiều tới Lán Hai cốt 2930 mét, đoàn sẽ nghỉ ăn tối, đốt lửa trại và ngủ qua đêm. Ngày thứ hai lên đường lúc 7 giờ sáng, từ Lán Hai sẽ bước vào đoạn tụt dốc xuống tới tận chân khe ngọn núi Chúa có đỉnh Fansipan, chân khe núi Chúa có độ cao 2715 mét, vượt qua lòng khe, leo tiếp khoảng vài ba tiếng nữa là đặt chân lên đỉnh Fansipan.

Nếu không có trục trặc gì xảy ra và mọi người leo khoẻ thì chỉ khoảng 12 giờ trưa là tới đỉnh. Nghỉ ngơi ăn uống và chụp ảnh quay phim trên đỉnh chừng một tiếng sẽ hạ sơn. Không vòng về đường cũ qua Lán Hai mà sẽ theo đường mới tạt ngang Lán Ba để trở về Lán Một. Ăn và ngủ đêm ở Lán Một, sáng sớm ngày thứ ba tiếp tục xuống núi trở về cửa rừng Trạm Tôn, kết thúc chuyến chinh phục đỉnh Fansipan.

Như thế là lộ trình đường đi nước bước đã rõ ràng đâu vào đấy, và trong lúc tôi còn đang chập chờn trong dòng ngẫm nghĩ thì đã nghe tiếng Thiện phát lệnh lên đường. Đội potơ xuất phát trước. Năm người H'Mông quần áo sắc chàm đồng phục theo đội hình hàng dọc, hai tay khoanh chặt trước ngực, ai nấy đều cúi rạp để những chiếc gùi chở hàng cao vượt đầu luôn gắn chặt trên lưng. Chỉ nhoáng cái đã thấy bóng họ mờ dần phía hẻm núi xa.

Con đường lúc lên cao lúc xuống thấp, lúc vượt suối lúc băng rừng và độ khó cứ mỗi lúc một tăng thêm. Những câu chuyện râm ran ban đầu thưa thớt dần rồi cuối cùng là tắt hẳn. Giãn cách đội hình mỗi lúc một xộc xệch rồi tự nhiên tách ra thành từng nhóm hai, ba người. Áo gió đồng phục cởi ra khoác lên ba lô, rồi áo len cũng trút ra nốt. Mới khoảng nửa giờ quanh quẩn ở chân núi mà trông người nào người nấy đã cứ mướt mát như quân thất trận.

Lên đến đỉnh một ngọn đồi rộng và khá bằng phẳng, cả đoàn dừng lại nghỉ ngơi. Đội potơ đã đến trước từ lúc nào không biết, họ ngồi cụm lại bên một tảng đá lớn. Ông Ly đang cho mấy con gà trong giỏ tre uống nước, đây là thứ thực phẩm tươi sống mang theo dự trữ cho bữa liên hoan tối ngày thứ hai, mừng thành công cho nửa cuộc Fansipan. Mấy chàng trai H'Mông người ngồi người nằm ngửa trên đất, riêng có Mã A Giô, con trai út ông Ly lại đang ngồi thổi kèn lá. Những điệu nhạc H'Mông không lẫn vào đâu cứ to nhỏ dặt dìu theo gió xa gần bay đi.

Đội trưởng Thiện cho biết chỗ nghỉ này có độ cao 1980 mét, như vậy là đoàn đã đi được khoảng nửa cây số đường núi. Nửa giờ nửa cây số đường đi và 35 mét độ vênh chiều cao. So với lộ trình toàn tuyến thì chưa nhằm nhò gì mà hơi thở ai nấy cũng đã thấy ra hết cả đằng tai!

Trước khi tiếp tục lên đường, tôi khoác chiếc ba lô lép kẹp đi lại phía Sùng A Vàng bắt chuyện: "A Vàng khoẻ quá, gùi nặng thế mà leo núi cứ như không". A Vàng nhìn tôi cười thật thà: "Cũng không khoẻ đâu, việc làm thì phải làm thôi. Công ty thuê cu tỉ chúng mình để gùi hàng mà!". Tôi chợt hiểu ra, cái kiểu hỏi han chia sẻ như cách chọc gậy xuống nước vừa xong, không khéo lại hoá ra là sự xã giao nhạt thếch. Và rồi từ đấy trở đi, trong câu chuyện, tôi cố hết sức tránh đụng chạm tới những điều có thể gây nên nỗi trắc ẩn về thân phận các bạn H'Mông.

Càng vào rừng sâu, núi càng cao, dốc càng đứng, cây rừng càng rậm rịt. Nhưng cũng chính những bộ rễ cây mọc toả ra mọi phía cao thấp, vô hình trung đã biến thành những bậc cầu thang nâng bước người đi. Và những đoạn rễ nổi như thế đã trở thành những tay nắm tự nhiên, giúp chúng tôi luôn có thế co người lao lên phía trước. Nhưng cho dù thế nào thì sức lực cũng cứ giảm sút rất nhanh. Thời gian mỗi chặng đi cứ rút ngắn dần mà thời gian nghỉ lại cứ kéo dài ra. Nếu ở chặng đầu còn đi được nửa tiếng, thì các chặng sau chỉ còn một nửa, thậm chí có lúc chỉ còn năm phút.

Phong cảnh rừng núi luôn thay đổi sau những chặng đường đi. Có vẻ như sự thay đổi đó luôn tương ứng với sự thay đổi của độ cao sườn núi. Thoạt đầu là rừng sa mu giống như những cây nô en rải rác xa gần. Rồi rừng trúc cao vút như tầng tầng lớp lớp ngọn thương ngọn giáo dựng đứng dọc đường đi. Tiếp đến là rừng gỗ dổi cổ thụ vài trăm năm tuổi xen kẽ với rừng thảo quả người dân trồng trọt và thu hoạch hàng năm. Đỗ quyên, một loài cây đặc hữu của Fansipan, đặc hữu tới độ, có một giả thuyết đã cho rằng Fanxipan tiếng H'Mông có nghĩa là Núi Đỗ Quyên.

Vào mùa này đỗ quyên nở bạt ngàn trên mỗi nẻo đường đi, nhưng nhiều nhất vẫn là đỗ quyên trắng và đỗ quyên đỏ. Trong lúc đi, ai nấy đều phải gò lưng cúi mặt xuống đất, thận trọng tìm chỗ đặt cho từng bước chân, bởi vậy mà ít khi có điều kiện thanh thản ngắm cảnh bên đường. Nhưng khi nào hễ cứ thấy cánh hoa đỗ quyên trắng hoặc đỏ phủ đầy lối đi thì chẳng ai bảo ai, mọi người đều dừng bước, lấy cớ chụp ảnh rừng hoa, và cũng là cái cớ để có được khoảnh khắc nghỉ ngơi giữa chừng.

Fansipan trong những chiếc gùi H'mông - 2
Tác giả Nguyễn Đắc Như cùng ông Mã A Ly (thứ 3 bên phải) và các con gia đình cu tỉ potơ.

Đánh vật với chính mình theo cái cách như thế, cuối cùng vào lúc chính Ngọ 12 giờ trưa, chúng tôi cũng tha nhau đến được Lán Một. Khu Lán Một là một thung lũng nhỏ nằm giữa rừng trên đường đi, trên đó người ta dựng một cái lán bằng gỗ, xung quanh thưng bằng thân trúc, mái lợp bạt ni lông. Đây là chỗ ngủ qua đêm của khách du lịch.

Bên cạnh đấy là một cái lều được dùng như một trạm trung chuyển liên lạc trên đường đi về của các đội tua gai và potơ. Gian ngoài căn lều có một quầy bán các loại bia, nước ngọt, nước khoáng, bánh kẹo... Đây cũng là nơi ở của một cặp vợ chồng H'Mông, được giao nhiệm vụ trông nom khu lán trại. Để trả công, vợ chồng họ được mở quầy bán hàng vặt vãnh cho khách du lịch kiếm lời.

Ngoài hai cái gọi là công trình kiến trúc đó ra, ở giữa khu đất trống, người ta dựng lên mấy dãy bàn ghế đủ chỗ cho khoảng ba chục khách ngồi ăn. Mặt bàn là phên nứa, ghế ngồi là thân luồng ghép đôi. Cạnh đấy là khu bếp dã chiến lộ thiên. Tất cả các ông đầu rau đều là những cục đá to nhỏ đủ cỡ kê lại mà thành.

Khi chúng tôi bước chân tới trung tâm khu lán trại thì đã thấy nhiều đoàn khách du lịch ngồi rải rác thành từng nhóm đó đây, tây cũng có mà ta cũng có. Đấy là những người ngồi nghỉ ngơi ăn uống lấy sức để leo tiếp, hoặc đã lên tới đỉnh Fanxipan và đang trên đường trở về.

Cánh chúng tôi vừa mới tháo ba lô và còn đang duỗi chân duỗi cẳng cho đỡ mỏi, thì đã thấy bác Ly chạy lại thông báo: "Chúng mình cứ nghỉ một lúc cho khoẻ xong là ăn cơm ngay thôi mà". Nhìn sang phía bên kia đã thấy mấy anh con trai của bác, kẻ đứng người ngồi vây quanh mấy cái bếp đang bốc lửa rừng rực và mùi thức ăn ngào ngạt cũng từ đấy bay sang. Thì ra đội potơ đã đến trước chúng tôi ít nhất cũng phải cả tiếng đồng hồ.

Bữa cơm đầu tiên giữa rừng của chuyến leo núi do cu tỉ nhà Mã A Ly nấu nướng, tuy chẳng sơn hào hải vị gì, cũng chỉ canh bắp cải xào, thịt lợn rang cháy cạnh, đậu rán sốt cà chua, trứng rán, nhưng mà sao thấy ngon miệng lạ lùng. Khi mọi người đứng dậy thì cơm canh đều sạch bách. Nhanh nhẹn và liên hoàn như một màn kịch múa, A Giô và A Vàng thu dọn bát đĩa nồi niêu đem ra suối rửa.

A Dín con trai thứ hai bác Ly và A Giáy cháu gọi bác bằng chú ruột, cả hai thoăn thoắt nhặt nhạnh tất cả giấy ăn, vỏ hộp, vỏ hoa quả trên bàn, dưới đất. Giấy ăn, túi ni lông được vo viên ném vào bếp than hồng đốt ngay tại chỗ, các loại lon bia chai nhựa được quẳng vào một cái sọt bên căn lều, còn vỏ hoa quả thì vứt vào một cái sọt lớn gần đấy. Tất cả lại đều gọn ghẽ tinh tươm như lúc mới đến. Mã A Ly nói với chúng tôi, đấy là quy định của Ban quản lý Vườn Quốc gia Hoàng Liên, các potơ và tua gai phải thực hiện nghiêm chỉnh!

Chúng tôi tranh thủ ngả lưng lên ba lô ngay trên mặt đất, chừng nửa tiếng sau cả đoàn lại lên đường. Độ khó khăn và hiểm trở của cung đường mới thì cứ ngày một tăng lên. Rừng chiều đổ bóng thật nhanh, mới chỉ khoảng ba giờ mà trời đã tắt nắng, ánh sáng yếu ớt từ đỉnh núi cao hắt xuống không đủ sức xuyên qua những tán lá dày đặc và ướt mờ sương núi. Lần mò trong cánh rừng nguyên thuỷ nhập nhoạng như thế cho tới sáu giờ chiều, nhọ hẳn mặt người, chúng tôi mới tới được Lán số Hai.

Xem ra Lán Hai có phần khang trang hơn Lán Một. Ngoài gian lớn cho khách và gian nhỏ cho người trông coi, ở đây bàn ăn và bếp đun đều được bố trí trong nhà có mái che đàng hoàng. Tất cả lán trại được dựng lên thành một khối liên hoàn hình chữ U. Bác Ly ra đón chúng tôi và bảo là trong bếp có nhiều nước nóng, mọi người đi rửa mặt cho khoẻ, nghỉ ngơi rồi ăn cơm tối. Chúng tôi cất ba lô vào trong lán rồi tranh thủ đi rửa mặt mũi chân tay. Cái khoản nước nóng già pha muối mà ngâm tay với rửa mặt sau một ngày leo núi mà Mã A Ly phổ biến, kể ra cũng khó có vị thuốc nào sánh bằng.

Tối nay chỉ có đoàn 18 người chúng tôi ghé qua và ngủ đêm tại đây. Lúc này, lẫn trong số anh em H'Mông quen thuộc đang tíu tít chuẩn bị bữa cơm tối, tôi thấy có một cô gái H'Mông rất trẻ, và có thể gọi là xinh nữa. Cô gái lúc nào cũng quanh quẩn bên cạnh A Giô. Tôi hỏi thì bác Ly cho biết đấy là vợ của Giô, kém chồng một tuổi, chúng nó mới cưới nhau được bốn tháng nay.

Thế rồi trong lúc chờ đợi bữa cơm, bên bếp lửa hồng giữa cánh rừng đại ngàn lưng chừng đỉnh Fansipan, tôi đã được bác Ly kể cho nghe về gia cảnh và đặc biệt là công việc potơ của mình. Gia đình bác ở bản Cát Cát bên ngoài thị xã Sa Pa, vợ chồng có ba con trai với một con gái, đến nay đều đã lập gia đình riêng. Nhờ vào nghề du lịch phát triển trong những năm gần đây mà người dân trong vùng, già trẻ trai gái đều có thêm việc làm, vì thế mà cuộc sống mọi người đã được no đủ hơn.

Bây giờ vợ bác cùng lũ con gái và con dâu quanh năm lo se sợi, nhuộm vải và dệt thổ cẩm mà cũng không hết việc. Đàn ông trong nhà đến mùa leo núi thì cùng nhau vào đội potơ đi gùi hàng cho khách du lịch. Vợ của A Giô là cháu kiểm lâm trên tỉnh, được tin cậy giao việc trông nom Lán Hai này, thỉnh thoảng A Giô bỏ cho vợ trông lán một mình để đi potơ cho đỡ cuồng cẳng mà lại có thêm tiền. Ở bản Cát Cát thường những gia đình H'Mông đông con trai thì lập ra một đội potơ, nếu không thì hai ba nhà một đội. Toàn anh em con cháu ruột thịt cả nên mới gọi là cu tỉ potơ. Chỉ có người H'Mông mới đi làm potơ thế này, đàn ông người Dao, người Giáy, người Tày ít ai chịu làm vì khó nhọc lắm.

Khi có khách du lịch leo núi, công ty du lịch ở Lào Cai hoặc Sa Pa sẽ gọi điện giao việc, tuỳ khách đông hay vắng mà họ yêu cầu bố trí potơ cho đủ, trung bình cứ hai khách một potơ. Với người nước ngoài, đôi khi phải nhiều hơn vì họ mang theo đủ thứ, có khi cả lều bạt, cả nước rửa ráy cũng phải gùi lên tận đỉnh Fansipan.

Tôi hỏi bác Ly, ai là người trả tiền cho potơ, và trả như thế nào? Bác Ly cho biết ai gọi mình thì người ấy trả. Cứ sau khi khách du lịch thanh toán tiền đủ cho công ty thì công ty trả tiền công cho đội trưởng potơ 120 nghìn một người một ngày đêm. Như chuyến này 5 potơ đi trong 3 ngày, mỗi cu tỉ được 360 nghìn đồng, cả đội được một triệu 800 nghìn đồng. Còn tiền ăn 3 ngày potơ không phải trả, công ty bao cho cả. Lại hỏi có nhiều công ty gọi đi gùi hàng không? Nhiều, nhiều lắm nhé. Lần đi này là của công ty Phú Cường, lần khác là công ty Việt Hùng, rồi Đức Minh, rồi Hùng Vĩ, rồi Phúc Thịnh, nhiều không đếm hết được!

( Còn nữa)

Cùng chuyên mục

Các điểm du lịch tại Mộc Châu hút khách dịp nghỉ lễ
Trong 5 ngày (từ ngày 27/4 đến ngày 1/5) của đợt nghỉ lễ 30/4 - 1/5, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đã đón 112.000 lượt khách du lịch đến thăm quan, trải nghiệm, nghỉ dưỡng. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 86,24 tỷ đồng.
Biển người đổ về “Hàn Quốc thu nhỏ” K-Town trong ngày khai trương
Hàng vạn tín đồ yêu văn hóa Hàn Quốc đã đổ về phía Đông Hà Nội, tham gia sự kiện khai trương K-Town (Grand World, Ocean City) với chuỗi hoạt động hấp dẫn kéo dài liên tục trong 3 ngày từ 26 - 28/4. Với vô vàn trải nghiệm độc đáo “chuẩn Hàn”, K-Town hứa hẹn trở thành điểm đến được yêu thích bậc nhất dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.
Mùa hè bùng nổ của cư dân Ocean City với loạt trải nghiệm "du lịch tại chỗ" siêu hấp dẫn
Mùa hè năm nay được dự báo sẽ khắc nghiệt hơn năm trước. Thay vì xách vali đi “đổi gió” tại các thành phố biển như Nha Trang, Phú Quốc... nhiều cư dân Ocean City lại chọn “du lịch tại chỗ”. Níu chân họ là một loạt lễ hội, sự kiện sôi động, chuỗi tiện ích được nâng tầm, ngay dưới thềm nhà.
Quảng trường biển Sầm Sơn sẽ rực rỡ pháo hoa trong đêm khai mạc Lễ hội du lịch biển cuối tuần này
Tối 27/4, đêm khai mạc Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn năm 2024 sẽ diễn ra tại sân khấu Quảng trường biển TP Sầm Sơn. Đêm nghệ thuật quy tụ nhiều nghệ sỹ nổi tiếng như Đức Phúc, Trọng Tấn, Min, Dương Hoàng Yến, nhóm OPlus… cùng màn trình diễn pháo hoa đặc sắc mở đầu cho mùa du lịch hè đầy sôi động.

Tin mới

Vụ nổ lò hơi ở Đồng Nai: Tạm giữ giám đốc công ty và tạm hoãn xuất cảnh với 7 người nước ngoài
Liên quan đến vụ nổ lò hơi xảy ra hôm 1/5, Công an tỉnh Đồng Nai cho biết đã ra lệnh tạm giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Feng Yong (quốc tịch Trung Quốc), Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại gỗ Bình Minh và tạm hoãn xuất cảnh đối với
Bộ TN&MT đã hoàn thành các văn bản hướng dẫn Luật Đất đai năm 2024
Trả lời báo giới về tiến độ để chuẩn bị cho Luật Đất đai có hiệu lực sớm từ ngày 01/7, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Minh Ngân cho biết, Bộ này đã hoàn thành dự thảo 6 Nghị định và 4 Thông tư. Bộ Tư pháp đã thẩm định, dự kiến trước ngày 10/5, Bộ TN&MT sẽ trình Chính phủ các Nghị định hướng dẫn thi hành.