Du lịch Việt Nam phục hồi mạnh mẽ, đón 12,5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023
Năm 2023, hoạt động du lịch có sự phục hồi mạnh mẽ, gặt hái được nhiều kết quả tích cực. Tổng số khách du lịch quốc tế ước đạt 12,5 triệu lượt, khách du lịch nội địa ước đạt 108 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 672 nghìn tỷ đồng.
Ngày 21/12, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tổ chức Hội thảo triển khai công tác quản lý nhà nước về du lịch năm 2023. Phó Cục trưởng Phạm Văn Thủy chủ trì hội thảo. Tham dự có đại diện các Sở quản lý du lịch, trung tâm xúc tiến du lịch các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch.
Hoạt động du lịch có sự phục hồi mạnh mẽ, gặt hái được nhiều kết quả tích cực
Báo cáo tại hội thảo, ông Ngô Hải Dương - Chánh Văn phòng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, năm 2023 thực hiện chủ trương sắp xếp "bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" của BCH Trung ương Đảng Khoá XIII, ngày 16/01/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 01/2023/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ VHTTDL, theo đó tổ chức, sắp xếp lại Tổng cục Du lịch sang mô hình, cơ cấu mới là Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam.
Trên cơ sở đó, ngày 15/6/2023, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 1536/QĐ-BVHTTDL quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, đánh dấu một trang mới với cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở trung ương nói riêng và toàn ngành du lịch nói chung.
Sau khi sắp xếp, đổi mới, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam vẫn kế thừa các nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng cục Du lịch theo quy định của pháp luật hiện hành và các điều ước quốc tế liên quan mà nước ta là thành viên.
Các nhiệm vụ, chức năng quản lý nhà nước về du lịch của Cục vẫn tương tự như trước, tầm nhìn, sứ mệnh của vai trò cơ quan quản lý nhà nước về du lịch tại trung ương vẫn đảm bảo thống nhất, đáp ứng nhu cầu và mục tiêu phát triển trong bối cảnh, tình hình mới.
Về định hướng phát triển ngành, năm 2023 Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tham mưu, phối hợp trình Chính phủ ban hành một số chính sách nổi bật nhằm tháo gỡ rào cản, thúc đẩy phục hồi phát triển du lịch, tiêu biểu như Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; Nghị quyết 127/NQ-CP của Chính phủ về việc áp dụng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ; Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về việc nâng thời hạn tạm trú lên 45 ngày cho công dân các nước được miễn thị thực nhập cảnh vào Việt Nam.
Đồng thời, Cục đã tham mưu Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chủ trì 3 hội nghị quan trọng: Hội nghị "Thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam" (tháng 12/2022); Hội nghị toàn quốc về du lịch (tháng 3/2023); Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững (tháng 11/2023).
Bên cạnh đó, Cục đã chủ trì, tham mưu Bộ báo cáo Chính phủ, kiến nghị tiếp tục kéo dài chính sách ưu đãi giảm lệ phí cấp phép và cấp thẻ hướng dẫn viên cho đối tượng doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn theo Thông tư số 44/2023/TT-BTC ngày 29/6/2023. Đồng thời, năm 2023, doanh nghiệp lữ hành vẫn tiếp tục giảm 80% tiền ký quỹ theo Nghị định số 94/2021/NĐ-CP ngày 28/10/2021.
Nhờ đó, năm 2023, hoạt động du lịch có sự phục hồi mạnh mẽ, gặt hái được nhiều kết quả tích cực. Tổng số khách du lịch quốc tế ước đạt 12,5 triệu lượt, vượt chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm (8 triệu lượt) và đạt mục tiêu đã điều chỉnh (12,5 - 13 triệu lượt) của năm. Khách du lịch nội địa ước đạt 108 triệu lượt, vượt 5,8% so với kế hoạch. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 672 nghìn tỷ đồng, vượt 3,38% so với kế hoạch năm 2023.
Hình ảnh Du lịch Việt Nam được nâng cao và định vị rõ nét hơn trên trên bản đồ thế giới, năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam tiếp tục được cải thiện. Năm 2023, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam vinh dự nhận danh hiệu "Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á" lần thứ 4. Tại lễ trao giải thưởng toàn cầu, Việt Nam được Tổ chức giải thưởng du lịch thế giới (World Travel Awards) vinh danh là "Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới"; nhiều điểm đến, doanh nghiệp du lịch Việt Nam đã nhận được các hạng mục giải thưởng danh giá khác.
Công tác xây dựng văn bản quản lý nhà nước được xác định là một trong những trọng tâm triển khai trong giai đoạn phục hồi. Cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch tiếp tục được tham mưu rà soát, điều chỉnh, bổ sung và ban hành kịp thời.Công tác quản lý hoạt động lữ hành; quản lý khu, điểm du lịch, hướng dẫn viên du lịch được diễn ra thường xuyên, liên tục; Công tác xúc tiến, quảng bá được tập trung đẩy mạnh; Công tác chuyển đổi số trong hoạt động du lịch diễn ra mạnh mẽ...
Đến nay cả nước có 3.921 doanh nghiệp lữ hành quốc tế (tăng 34,3% so với cùng kỳ năm 2022), với nhiều loại hình doanh nghiệp đa dạng hơn. 37.331 hướng dẫn viên du lịch đã được cấp thẻ; 573 điểm du lịch, 64 khu du lịch cấp tỉnh và 07 khu du lịch cấp quốc gia được công nhận; 90 cơ sở đào tạo được uỷ quyền cho phép tổ chức thi, cấp chứng chỉ nghiệp vụ điều hành và nghiệp vụ hướng dẫn du lịch. Về cơ sở lưu trú cả nước hiện có khoảng 38.000 cơ sở lưu trú du lịch, với hơn 780.000 buồng.
Tuy nhiên, năm 2023 hoạt động du lịch còn tồn tại một số hạn chế. Một số quy định tại Luật Du lịch và các văn bản hướng dẫn về kinh doanh lữ hành, vận chuyển, hướng dẫn viên không còn phù hợp với thực tiễn. Thiếu cơ chế thu hút đầu tư phát triển hạ tầng du lịch chất lượng cao. Doanh nghiệp trong ngành nhìn chung có quy mô nhỏ và vừa, khả năng cạnh tranh trong khu vực còn hạn chế.
Đáng chú ý, vẫn còn hiện tượng vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh du lịch (kinh doanh không có giấy phép, kinh doanh không đủ điều kiện theo quy định pháp luật, vi phạm về điều kiện ký quỹ, người điều hành, quảng cáo sai sự thật…).
Tiếp tục nâng cao nhận thức về phát triển du lịch
Tại hội thảo, các đại biểu đại diện Phòng Quản lý lữ hành, Phòng Quản lý lưu trú du lịch, Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) và đại diện các Sở quản lý du lịch Hà Nội, Ninh Bình, Hòa Bình, Khánh Hòa cùng một số doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú đã có những ý kiến đề xuất về việc ban hành các cơ chế chính sách thuận lợi cho cho du lịch, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, địa phương; Tăng cường hoạt động quản lý doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên, cơ sở lưu trú du lịch; Đẩy mạnh liên kết trong hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch; Tăng cường công tác chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh… nhằm tạo thuận lợi cho du lịch phát triển nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới.
Kết luận hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy đánh giá cao các ý kiến đóng góp của của đại biểu, đồng thời giao Văn phòng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tổng hợp, tiếp thu và trình Lãnh đạo Cục để tham mưu các cấp ban hành cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho du lịch.
Nhấn mạnh phương hướng, nhiệm vụ cho ngành du lịch năm 2024, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đề nghị các sở quản lý du lịch, trung tâm xúc tiến du lịch cần tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền phát huy những lợi thế, tiềm năng sẵn có của địa phương, thúc đẩy xã hội hóa đầu tư du lịch, phát huy vai trò của nhà đầu tư chiến lược trong việc phát triển du lịch hiện đại, đẳng cấp quốc tế. Tiếp tục nâng cao nhận thức về phát triển du lịch, nâng cao chất lượng công tác hoạch định chính sách, đổi mới tư duy về quản lý và phát triển du lịch. Tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế ban đêm gắn với du lịch theo phương châm "Nhà nước - doanh nghiệp - nhân dân đồng hành phát triển du lịch".
Phó Cục trưởng Phạm Văn Thủy cho rằng, cần chú trọng tham mưu, nghiên cứu về các hình thức đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật cho ngành du lịch. Tích cực triển khai và tham mưu triển khai các sáng kiến, ý tưởng xúc tiến quảng bá mới, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng.