Điều kiện viên chức được nghỉ không hưởng lương
Tôi là viên chức tại 1 Bệnh viện thuộc Bộ Y tế. Vì lí do cá nhân, tôi muốn được nghỉ việc không hưởng lương 4 năm. Vậy, nếu Giám đốc Bệnh viện đồng ý thì tôi có được nghỉ việc không hưởng lương không? Bạn đọc Tạp chí Luật sư Việt Nam hỏi.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, tại khoản 4 Điều 13 Luật Viên chức năm 2010 quy định về quyền nghỉ không lương đối với viên chức: Được nghỉ không hưởng lương trong trường hợp có lý do chính đáng và được sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
Tại khoản 3 Điều 115 Bộ luật Lao động 2019 quy định: Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.
Điều 115 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương như sau:
1. Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong trường hợp sau đây:
a) Kết hôn: nghỉ 03 ngày;
b) Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;
c) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.
2. Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.
3. Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.
Như vậy, việc nghỉ không hưởng lương của viên chức hiện nay chưa có quy định về thời gian tối đa, tuy nhiên trong trường hợp này phải đủ các điều kiện là: Có lý do chính đáng và được sự đồng ý của người đứng đầu bệnh viện.