Đề xuất nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi
Theo thông tin từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), cơ quan này đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 20/2021/NĐ-CP về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Trong đó, cơ quan này đề xuất tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng từ ngày 01 tháng 07 năm 2024 là 500.000 đồng/tháng.
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, hiện chính sách trợ cấp xã hội hằng tháng cho 3.336.267 đối tượng bảo trợ xã hội và 354.340 hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng hàng tháng. Ngân sách nhà nước chi trợ giúp xã hội hàng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ trên 27.000 tỉ đồng/năm. Nhiều tỉnh, thành phố có điều kiện chủ động nâng mức chuẩn trợ cấp, mức trung bình khoảng 400.000 đồng/tháng, cho gần 700.000 đối tượng với kinh phí 3.514 tỉ đồng/năm.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, cơ quan này đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 20/2021/NĐ-CP về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Trong đó, cơ quan này đề xuất tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng từ ngày 01 tháng 07 năm 2024 là 500.000 đồng/tháng. So với hiện nay, mức chuẩn trợ giúp xã hội đã tăng thêm 140.000 đồng/tháng (hiện nay là 360.000 đồng/tháng).
Tùy thuộc điều kiện kinh tế - xã hội tại địa phương, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định đối với trường hợp quy định như sau:
- Mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội áp dụng trên địa bàn cao hơn mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội;
- Đối tượng khó khăn khác chưa quy định tại Nghị định được hưởng chính sách trợ giúp xã hội trong đó có đối tượng người khuyết tật là thế hệ thứ ba của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; người là thành viên hộ nghèo, cận nghèo không có thành viên trong độ tuổi lao động hoặc có thành viên trong độ tuổi lao động nhưng mất khả năng lao động.