Đang tắm thì con gái hỏi: Sao chỗ của mẹ khác chỗ của con vậy?, câu trả lời của người mẹ rất đáng học hỏi
Trẻ đến độ tuổi phù hợp, bố mẹ cần giáo dục giới tính sớm cho con. Vì điều này, có thể giúp con nhận thức đúng và có thể tự chăm sóc tốt bản thân.
Khi trẻ lớn lên đến một độ tuổi nhất định, trẻ sẽ bắt đầu trở nên nhạy cảm và học cách thể hiện bản thân. Sau khi học cách bày tỏ suy nghĩ của mình, trẻ sẽ hỏi bố mẹ một số câu hỏi mà trẻ tò mò, trong đó một số câu hỏi thậm chí có thể khiến bố mẹ đỏ mặt và ngại ngùng. Các bậc bố mẹ lần đầu gặp những câu hỏi này rất có thể sẽ “bối rối” không biết trả lời thế nào, nhất là khi nói đến chủ đề “nhạy cảm” về cơ thể.
Một bà mẹ chia sẻ kinh nghiệm: Mấy hôm trước khi tắm cho con, chị chỉ mặc áo ba lỗ do trời nóng. Là một người mẹ toàn thời gian, chỉ ở nhà chăm sóc con cái hàng ngày nên người mẹ đã không cạo lông nách. Đang tắm thì con gái 6 tuổi chợt hỏi: "Mẹ ơi sao chỗ của mẹ khác chỗ của con thế? Sao nách của mẹ có lông?"
Người mẹ sững sờ một lúc lâu trước câu hỏi của con gái. Đối với các dạng câu hỏi hơi khó trả lời như thế, bất kỳ người mẹ nào cũng phải thận trọng để đưa ra cho con một đáp án phù hợp nhất.
Nếu nói thẳng với con rằng đây là đặc điểm sinh dục thứ cấp, chỉ xuất hiện sau tuổi dậy thì thì có vẻ hơi xa vời và khó hiểu với lượng kiến thức mà con đang có. Hơn nữa, trẻ có thể tiếp tục đặt câu hỏi sau đó, khi sự tò mò của trẻ ở giai đoạn này là "không giới hạn". Và nếu trẻ hỏi một số câu hỏi có phần nhạy cảm, bố mẹ sẽ càng khó trả lời hơn.
Vì vậy, người mẹ đã chọn cách trả lời như sau: "Mẹ đã đến một độ tuổi nhất định, và con cũng sẽ như thế khi con lớn trong vài năm nữa". Vì vậy câu trả lời cho câu hỏi này sẽ không có, cho đến khi con đủ trưởng thành. Nghe được câu trả lời từ mẹ, cô con gái chớp mắt và nói: "Con biết rồi mẹ ạ! Khi con lớn lên, con cũng giống như mẹ".
Câu trả lời đầy tinh tế của người mẹ, không chỉ giải quyết khéo léo câu hỏi gây lúng túng của cô con gái, mà còn ngăn trẻ hỏi thêm những câu hỏi đi sâu vào vấn đề "nhạy cảm", khó trả lời khác. Mặc dù người mẹ xử lý khá hay, nhưng phương pháp giáo dục này cũng có mặt trái.
Bởi vì, việc né tránh những câu hỏi "nhạy cảm" liên quan đến cơ thể con người, sẽ dẫn đến việc trẻ thiếu kiến thức về giới tính. Sau này khi lớn lên, tính tò mò của trẻ mạnh mẽ hơn, có thể đưa ra một số lựa chọn và hành vi không phù hợp, đồng thời trẻ cũng sẽ không biết cách tự chăm sóc và bảo vệ bản thân.
Trên thực tế, trẻ từ 2-6 tuổi là giai đoạn trí tò mò của trẻ phát triển mạnh nhất. Nhu cầu muốn khám phá mọi thứ xung quanh của trẻ tăng cao. Lúc này, bố mẹ với tư cách là giáo viên đầu tiên của con cái, đảm nhận nhiệm vụ nuôi dạy con sao cho hiệu quả.
Hơn nữa, ở giai đoạn này, trẻ thường xuyên ở bên cạnh bố mẹ, nên sẽ luôn xuất hiện những tình huống, trẻ phát hiện ra sự khác biệt giữa mình và bố mẹ. Từ đó, trẻ sẽ hình thành sự tò mò, nên sẽ hỏi bố mẹ một số câu hỏi khiến cho bố mẹ lúng túng. Trước những trường hợp như thế, các chuyên gia cũng mách bố mẹ những mẹo hay để giáo dục con hiệu quả.
Bố mẹ nên làm gì trước những câu hỏi “ngượng chín mặt” của con?
Không trốn tránh câu hỏi
Mặc dù ngày nay, việc giáo dục con cái về giới tính đã cởi mở hơn, thậm chí còn được khuyến khích giáo dục sớm cho trẻ. Tuy nhiên vẫn có nhiều ông bố bà mẹ còn giữ tư tưởng truyền thống, cho rằng con còn nhỏ nên hạn chế để con biết nhiều về các vấn đề "nhạy cảm” liên quan đến cơ thể.
Một số phụ huynh còn xem đây là một vấn đề đáng xấu hổ, vì vậy khi con cái đặt câu hỏi về vấn đề này, các bậc bố mẹ sẽ chọn cách lảng tránh, tìm cách để con sao nhãng bằng cách dẫn dắt sự chú ý của con theo hướng khác, hoặc đơn giản là từ chối trả lời. Nhưng bố mẹ lại không nắm bắt được diễn biến tâm lý của trẻ nhỏ ở lứa tuổi này.
Vậy nên, rất nhiều trường hợp cách xử lý của bố mẹ như trên hoàn toàn không mang đến hiệu quả. Ngược lại còn làm trẻ có hứng thú mạnh mẽ, và lâu dài hơn với những sự tò mò chưa được giải đáp thỏa đáng. Vì vậy, khi trẻ hỏi những câu hỏi liên quan đến giáo dục giới tính, bố mẹ nên nói chuyện với trẻ một cách thẳng thắn và cởi mở hơn.
Tận dụng cơ hội phổ cập giáo dục giới tính cho trẻ
Bố mẹ có thể nhân cơ hội này để phổ biến kiến thức về giới tính cho con cái, để trẻ có những hiểu biết cơ bản về điều này, chẳng hạn như giới tính của mình là nam hay nữ, nam nữ thì khác nhau như thế nào, bộ phận nào không được để lộ ra ngoài, chứ đừng nói đến việc cho người khác chạm vào.
Những kiến thức nền tảng và vô cùng cần thiết để cho trẻ biết này, cũng có thể làm giảm sự bối rối của bố mẹ trong một số tình huống đề cập đến giáo dục giới tính, đồng thời cũng có thể khiến trẻ hiểu rõ hơn và có sự tiếp nhận dần dần.
Hơn nữa, một điều rất quan trọng trong quá trình giáo dục con cái, đó là bố mẹ cũng nên dạy con hình thành ý thức tự chăm sóc và bảo vệ cơ thể của mình tốt nhất, tránh những tình huống nguy hiểm, như trẻ bị quấy rối hoặc thậm chí là xâm hại tình dục.
Thực tế đãc chứng minh, chính vì sự thiếu nhận thức về giáo dục giới tính mà nhiều đứa trẻ bị kẻ xấu lợi dụng. Vì vậy để bảo vệ sự phát triển lành mạnh của con cái, việc "phòng bệnh hơn chữa bệnh" nên được thực hiện càng sớm càng tốt.
Để trẻ dần hình thành nhận thức về cấu tạo cơ thể
Khi trả lời những câu hỏi "nhạy cảm" cho trẻ, một điều bố mẹ cần chú ý là phải để trẻ hiểu được sự khác biệt về cấu tạo cơ thể của nam và nữ, cũng như sự khác biệt về cấu tạo cơ thể của trẻ em và người lớn. Theo đó, bố mẹ có thể giáo dục con cái bằng cách tham khảo mô típ sau:
- Hình thành hiểu biết sơ bộ về giới tính: Thông qua việc giải thích kiến thức về giới tính cho trẻ, để trẻ hiểu được cấu tạo đặc biệt của cơ thể mình, dần dần hình thành nhận thức sơ bộ một cách đúng đắn và rõ ràng.
- Xác định sự khác biệt về giới tính: để trẻ hiểu rằng có sự khác biệt giữa con gái và con trai. Làm con gái thì phải thực hiện những điều giống con gái, đừng nhầm lẫn với con trai, đừng có nhận thức sai về giới tính của mình.
- Cho trẻ học cách tự bảo vệ bản thân: phổ biến kiến thức về một số bộ phận quan trọng trên cơ thể cho trẻ, để trẻ hiểu rằng những bộ phận đó trên cơ thể không nên để người khác nhìn thấy và càng tuyệt đối không nên để người khác chạm vào. Từ đó, giúp trẻ hình thành ý thức tự chăm sóc và bảo vệ bản thân mạnh mẽ ngay từ khi còn nhỏ.