Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ tư, 25/11/2020 14:01 (GMT+7)

Đại dịch Covid-19: Nguy cơ tái bùng phát luôn thường trực

Theo dõi GĐ&PL trên

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có Chỉ thị về việc tăng cường thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Dịch đã bùng phát trở lại trong mùa đông xuân tại nhiều quốc gia. Trong nước, dịch bệnh vẫn đang tiếp tục được kiểm soát, tuy nhiên các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài dương tính với SARS-CoV-2 vẫn liên tục được ghi nhận. Do đó nguy cơ dịch bệnh xuất hiện vẫn luôn thường trực nếu không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

Đại dịch Covid-19: Nguy cơ tái bùng phát luôn thường trực - Luật sư Việt Nam Online
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, nguy cơ dịch Covid-19 xuất hiện vẫn luôn thường trực nếu không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Ảnh: VGP.

Bộ Y tế nhận định, nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt tại khu vực châu Âu đã phải tái áp dụng các biện pháp phòng chống dịch và thực hiện giãn cách xã hội. Trong nước, tình dịch bệnh vẫn đang tiếp tục được kiểm soát. Cả nước đã trải qua hơn 80 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng. Tuy nhiên, các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài dương tính với SARS-CoV-2 vẫn liên tục được ghi nhận trong thời gian vừa qua. Do đó nguy cơ dịch bệnh xuất hiện vẫn luôn thường trực, đặc biệt nếu không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

Trước tình hình trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có Chỉ thị về việc tăng cường thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Bộ trưởng cho biết, trong thời gian tới, trong nước sẽ diễn ra nhiều hoạt động, sự kiện chính trị quan trọng, công tác phòng chống dịch được đặt trong tình trạng nghiêm ngặt với mức độ an toàn cao nhất. Để tăng cường thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, không để ảnh hưởng sức khỏe của người dân và sự phát triển kinh tế-xã hội, Bộ trưởng yêu cầu những gười đứng đầu các cơ quan, đơn vị y tế chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch tại đơn vị và phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm các chỉ đạo, hướng dẫn về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; tổ chức thực hiện các biện pháp phòng dịch nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn khi tổ chức các sự kiện, hoạt động tập trung đông người, các hoạt động sản xuất, kinh doanh…

Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tiếp tục thực hiện đánh giá theo Bộ tiêu chí Bệnh viện an toàn phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp; trên cơ sở đó rà soát các vấn đề không an toàn và các nguy cơ tiềm ẩn được phát hiện, xây dựng kế hoạch khắc phục, giải pháp can thiệp nhằm tăng cường năng lực phòng, chống dịch của bệnh viện và cập nhật các tiêu chí an toàn Covid-19 đối với các cơ sở khám, chữa bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế lên bản đồ chung sống an toàn Covid-19.

Đồng thời, duy trì tổ chức thực hiện nghiêm các quy trình về sàng lọc, phân loại, phân luồng; đảm bảo công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện, tuyệt đối không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện, đặc biệt tại các khoa điều trị bệnh nhân nặng; tiếp tục đảm bảo công tác quản lý chất thải, vệ sinh môi trường…

Tiếp tục mở rộng xét nghiệm cho các trường hợp nghi ngờ, bệnh nhân nằm điều trị tại các khoa điều trị bệnh nhân nặng và nhân viên y tế; tăng cường tập huấn về công tác xét nghiệm, điều trị, sử dụng trang thiết bị máy thở, máy lọc máu và các thiết bị khác phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tư vấn, khám, chữa bệnh; tiếp tục yêu cầu tất cả các nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà đến thăm, chăm sóc phải thực hiện cài đặt và bật ứng dụng truy vết, ứng dụng khai báo y tế nếu sử dụng thiết bị di động thông minh; có hình thức phân luồng ưu tiên đối người đến khám, điều trị thực hiện việc cài đặt và bật ứng dụng truy vết. Mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đăng ký lịch khám, chữa bệnh, tư vấn sức khỏe, khám bệnh từ xa. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống Covid-19 tại các khoa, phòng, bộ phận trong bệnh viện…

Đối với các đơn vị y tế dự phòng, thực hiện nghiêm các quy trình về quản lý nhập cảnh, kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu; yêu cầu tất cả người nhập cảnh bắt buộc phải khai báo y tế; giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; tổ chức phân loại các trường hợp phải cách ly phù hợp theo quy định ngay tại cửa khẩu; theo dõi, cập nhật tình hình sức khỏe của người nhập cảnh hằng ngày trong thời gian cách ly, giám sát y tế. Rà soát, kiểm tra chặt chẽ giấy xác nhận âm tính với SARS-CoV-2 đối với tất các các trường hợp là chuyên gia nhập cảnh từ nước ngoài.

Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tại cộng đồng; thực hiện khoanh vùng, cách ly kịp thời, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát trong cộng đồng; đồng thời triển khai tốt các hoạt động y tế trong khu vực cách ly; chuẩn bị kế hoạch xét nghiệm trên diện rộng khi có yêu cầu về phòng chống dịch; tổ chức tập huấn, tăng cường đội ngũ lẫy mẫu xét nghiệm, nâng cao năng lực giám sát, xét nghiệm, đáp ứng nhanh khi có tình huống dịch bệnh xảy ra.

Đối với Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tiếp tục chỉ đạo quản lý, theo dõi, giám sát chặt chẽ người nhập cảnh; xét nghiệm cho người nhập cảnh theo quy định, tuyệt đối không để lây nhiễm trong các cơ sở cách ly và từ cơ sở cách ly ra ngoài cộng đồng, đặc biệt khi thực hiện cách ly tại các cơ sở lưu trú, khách sạn hay các đơn vị cách ly ngoài quân đội. Xử lý nghiêm các trường hợp khai báo y tế không trung thực, không thực hiện cách ly theo quy định.    

Chủ động xây dựng và chuẩn bị sẵn sàng các phương án, kịch bản, diễn tập phòng chống dịch theo các tình huống cụ thể khi tổ chức các sự kiện, hoạt động tập trung đông người trên địa bàn; tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống dịch đối với các địa điểm có nguy cơ cao; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là các trường hợp không thực hiện đeo khẩu trang tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người; chỉ đạo, hướng dẫn các bệnh viện, phòng khám tư nhân tuyến huyện, tuyến xã thực hiện ngay việc cung cấp thông tin, cập nhật dữ liệu, khai báo, chấm điểm định kỳ dành cho bản đồ chung sống an toàn với dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế; có hình thức xử lý đối với các cơ sở không thực hiện, không đảm bảo an toàn…

Tiếp tục thực hiện công tác truyền thông phòng, chống dịch Covid-19 trong trạng thái bình thường mới, tuyên truyền thông điệp 5K của Bộ Y tế, tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, tránh tâm lý lơ là, chủ quan trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; tham mưu cho chính quyền địa phương việc thực hiện các chế tài xử phạt hành chính với các trường hợp cố tình vi phạm việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Đối với các Viện nghiên cứu, tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển vaccine phòng bệnh Covid-19, các phương pháp xét nghiệm mới để sàng lọc, xác định SARS-CoV-2; tập trung hợp tác quốc tế với các quốc gia đã có kết quả thử nghiệm lâm sàng vắc xin phòng bệnh Covid-19…

Sáng 24/12, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.

Cùng chuyên mục

Bộ Y tế khuyến cáo phòng bệnh dại
Để chủ động phòng chống bệnh dại, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vaccine phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm; nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm.

Tin mới

08 trường hợp có thể thu hồi giấy phép lái xe
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang dự thảo Thông tư quy định về đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi giấy phép lái xe; cấp, sử dụng giấy phép lái xe quốc tế; kiểm tra, cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ. Tại dự thảo này, Bộ GTVT đề xuất 8 trường hợp thu hồi giấy phép lái xe.