Đã có 22 tổ chức tín dụng ứng dụng VNeID cho xác thực giao dịch thanh toán
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 37 tổ chức tín dụng đã triển khai xác thực qua ứng dụng mobile và 47 tổ chức tín dụng triển khai xác thực tại quầy. Bên cạnh đó, có 25 tổ chức tín dụng đã gửi dữ liệu sang Bộ Công an, 22 tổ chức tín dụng đang triển khai trên nền tảng VneID.
Tại Hội nghị sơ kết triển khai Đề án số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-BCA-NHNN giữa Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam diễn ra mới đây, đại diện Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến hết ngày 22/7, có khoảng 26,3 triệu khách hàng đã được xác thực sinh trắc học với CCCD gắn chíp. Trong đó, có 22,5 triệu khách hàng xác thực qua ứng dụng di động và 3,8 triệu khách hàng thực hiện xác thực tại quầy. Đồng thời, đến nay đã có 37 tổ chức tín dụng đã triển khai xác thực qua ứng dụng mobile và 47 tổ chức tín dụng triển khai xác thực tại quầy. Có 25 tổ chức tín dụng đã gửi dữ liệu sang Bộ Công an, 22 tổ chức tín dụng đang triển khai trên nền tảng VneID.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện xác thực sinh trắc học đã xuất hiện một số hình thức lừa đảo. Cụ thể, thao báo cáo từ các ngân hàng thương mại xác nhận có xảy ra tình trạng giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện đến hỗ trợ xác thực sinh trắc học. Các đối tượng dẫn dụ khách qua đó chiếm quyền điều khiển điện thoại và thực hiện chuyển tiền của khách hàng.
Trước tình trạng này, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Văn bản số 5675 hướng dẫn, cảnh báo, để các ngân hàng có các biện pháp truyền thông, cảnh báo khuyến nghị đến khách hàng. Theo đó, người dân được khuyến cáo chỉ thực hiện xác thực sinh trắc học thông qua ứng dụng chính thức và website chính thống của ngân hàng hoặc xác thực tại quầy. Tuyệt đối không xác thực sinh trắc học thông qua đường link lạ, đường link không chính thống đồng thời không cung cấp bất kỳ thông tin bảo mật nào cho người khác để nhờ xác thực sinh trắc học.
Ngân hàng cũng phải có những hướng dẫn cơ bản, cụ thể để khuyến cáo khách hàng của mình không sử dụng ứng dụng lạ, không click vào đường link lạ. Đối với điện thoại thì không cấp quyền trợ năng hay phá khóa điện thoại. Đặc biệt là không cung cấp các thông tin về tài khoản, mật khẩu, OTP cho bất kỳ ai kể cả với nhân viên ngân hàng. Đồng thời, các ngân hàng cũng cần có những bản vá, bản cập nhật kịp thời để kịp thời xử lý, ngăn chặn các lỗ hổng bảo mật.
Bên cạnh bảo mật bằng xác thực sinh trắc học, thời gian qua NHNN đã có nhiều giải pháp để phòng chống lừa đảo trên không gian mạng. Như áp dụng các biện pháp xác thực mạnh trong giao dịch; áp dụng các cơ chế giám sát các giao dịch bất thường để xử lý, ngăn chặn kịp thời. Ngân hàng cũng có các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện điện thoại bị bẻ khóa để kịp thời cảnh báo đến khách hàng.
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đang thí điểm giải pháp giám sát các tài khoản nghi ngờ gian lận, giả mạo tại các tổ chức tín dụng. Các tổ chức tín dụng sẽ thông báo thông tin nghi ngờ giả mạo về Ngân hàng Nhà nước. Nếu xác định bất thường, giao dịch có nguy cơ về gian lận, giả mạo sẽ bị chặn hoặc yêu cầu bắt buộc phải xác thực để thực hiện giao dịch.