Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ tư, 16/02/2022 10:21 (GMT+7)

Cục CSGT: 'Sẽ hạn chế dừng xe xử phạt, CSGT buộc phải gắn camera khi làm việc'

Theo dõi GĐ&PL trên

Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT nhấn mạnh, đây chính là một trong số những điểm mới khi xây dựng Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông mà Bộ Công an đang đề xuất.

Mới đây, Bộ Công an liên tiếp tổ chức tọa đàm lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học và các Bộ, ban ngành liên quan đến việc tiếp tục xây dựng dự Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đáng chú ý, việc đăng ký, cấp biển số phương tiện; quản lý đào tạo, sát hạch lái xe; cấp giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ...tiếp tục được đề xuất chuyển từ Luật Giao thông đường bộ sang Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Những nội dung này gây sự chú ý của dư luận và có nhiều ý kiến khác nhau. Để làm rõ các điểm mới, có tác động lớn đến người dân trong dự Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông, PV trao đổi riêng với Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT-Bộ Công an.

Cục CSGT: Sẽ hạn chế dừng xe xử phạt, CSGT buộc phải gắn camera khi làm việc - Ảnh 1.

- Thưa đại tá, việc tách Luật Giao thông đường bộ đã được bàn bạc tại Quốc hội trong chương trình nghị sự năm 2020, thời điểm đó còn nhiều ý kiến khác nhau nên chưa được thông qua. Sau hơn một năm tạm dừng, vì sao Bộ Công an chọn thời điểm đầu năm mới để đồng loạt tổ chức các cuộc hội thảo lớn, tiếp tục đề xuất tách Luật?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Việc chúng tôi tổ chức các hội thảo để thực hiện theo đúng chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ giao liên quan đến nhiệm vụ lập pháp trong năm 2022. Đây sẽ là tiền đề để điều chỉnh, hoàn thiện tổng thể dự Luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ một cách hoàn chỉnh, thuyết phục nhất.

Cụ thể, theo chương trình của năm, Bộ Công an được giao tổ chức lấy ý kiến rộng rãi chuyên gia, nhà khoa học, quản lý, người dân, các Bộ, ngành liên quan để tổng hợp và có bộ dữ liệu đánh giá đa chiều, khách quan trước khi trình Chính phủ và Quốc hội.

Theo tôi, đây cũng là dịp tốt, thông qua báo chí, truyền thông người dân có thể hiểu biết về các chương trình xây dựng pháp luật, nắm được các nội dung để có thể phản biện và góp ý, xây dựng dự Luật được hoàn thiện nhất có thể.

Cục CSGT: Sẽ hạn chế dừng xe xử phạt, CSGT buộc phải gắn camera khi làm việc - Ảnh 2.
Theo lãnh đạo Cục CSGT hiện nay văn hóa nhường đường của người tham gia giao thông còn rất kém.

- Trong lần đề xuất này thì đâu là điểm mới, quan trọng nhất, đúc kết những tinh hoa của thế giới và có tác động lớn đến người dân?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Trong dự Luật này, phạm vi điều chỉnh bao quát nhiều vấn đề, nhưng chúng tôi muốn nhấn mạnh các nội dung mới mang tính chắt lọc tinh hoa của thế giới để áp dụng phù hợp với hệ thống Luật pháp Việt Nam

Cụ thể như thiết kế các quy tắc ứng xử văn hóa, văn minh về nhường đường khi đèn đỏ, nhường cho người khuyết tật, văn hóa xếp hàng... những nội dung này chưa quy định trong Luật nào của chúng ta.

Khi xây dựng Luật, chúng tôi đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề văn hóa giao thông, coi văn hóa giao thông là một biểu hiện của văn hóa của dân tộc. Vì sao ở Nhật và các nước Châu Âu…, họ có văn hóa xếp hàng, nhường đường tốt như vậy? Tại sao chúng ta không làm được?

Chính vì vậy, chúng tôi sẽ hướng tới các quy tắc, đưa ra các chế định để điều chỉnh dần và hướng tới một tương lai có sự thay đổi tốt về hành vi của người dân khi tham gia giao thông.

Một nhóm nội dung mới nữa là chúng tôi sẽ mở rộng khả năng tiếp cận đăng ký phương tiện qua các hình thức trực tuyến thay vì thủ công, quy định rõ hơn quyền và trách nhiệm của người đăng ký phương tiện để họ có trách nhiệm đến cùng với phương tiện mình đứng tên; cơ quan quản lý nhà nước cũng phải có trách nhiệm phục vụ tốt hơn cho người dân.

Việc đào tạo sát hạch giấy phép lái xe, phân hạng giấy phép lái xe, sẽ được làm theo hướng công khai minh bạch hơn thông qua hệ thống camera giám sát ở tất cả các điểm sát hạch mà ai cũng có thể theo dõi.

Đào tạo lái xe vẫn được duy trì theo hướng xã hội hóa, nhà nước sẽ không đầu tư trực tiếp mà để cho các đơn vị tư nhân hoạt động theo Luật doanh nghiệp. Khi đó cơ quan quản lý chỉ đứng ngoài giám sát, kiểm tra, xử lý.

Trong Luật cũng sẽ nhấn mạnh đến các giải pháp, cơ chế để nâng cao chất lượng đầu ra cho lái xe…đặc biệt các đơn vị sát hạch cấp giấy phép lái xe hằng năm buộc phải công khai tài chính, kết quả đào tạo, chất lượng đầu ra và cả những lần bị cơ quan chức năng xử phạt vì vi phạm trong sát hạch…

Cục CSGT: Sẽ hạn chế dừng xe xử phạt, CSGT buộc phải gắn camera khi làm việc - Ảnh 3.
Cục CSGT: Sẽ hạn chế dừng xe xử phạt, CSGT buộc phải gắn camera khi làm việc - Ảnh 4.

- Vậy khi tách Luật thì việc xử phạt vi phạm và quyền của CSGT có tăng hơn; làm thế nào để giảm những tiêu cực trong quá trình xử lý vi phạm?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Trong Luật không quy định cụ thể việc tăng nặng mức phạt vi phạm, vì việc xử phạt nằm trong Luật xử lý vi phạm hành chính, còn về quyền của cảnh sát thì tôi khẳng định là sẽ không thay đổi. Chỉ có trách nhiệm của cảnh sát là tăng; minh bạch tăng vì ứng dụng công nghệ vào xử lý nên người dân có thể yên tâm.

Tuy nhiên, trong Luật này sẽ quy định bổ sung về nguyên tắc ở một số nhóm hành vi. Ví dụ sẽ bổ sung thêm các nhóm hành vi bị xử phạt như không nhường đường cho người khuyết tật, hành vi không chấp hành đèn đỏ, rượu bia...

- Một vấn đề lớn mà hiện nay người dân quan tâm nhiều hơn cả đó là việc dừng phương tiện của lực lượng thực thi công vụ, vậy xin ông cho biết, khi tách Luật thì các trường hợp bị dừng xe có thay đổi gì không, người dân có thể gặp phải những bất tiện gì không?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Khi tách Luật đương nhiên là phải có những điểm mới, tuy nhiên những nội dung mới sẽ không làm phát sinh các thủ tục rườm rà gây khó khăn cho người tham gia giao thông.

Chúng tôi sẽ xây dựng quy định để có thể dừng phương tiện đảm bảo an toàn giao thông trong tình hình mới, phù hợp với thực tiễn hơn.

Ví dụ như việc dừng phương tiện khi có bão to, thiên tai thì cần phải có cơ chế như thế nào, ai là người có thẩm quyền dừng xe để đảm bảo an toàn, nếu không dừng, để xảy ra tai nạn ai là người chịu trách nhiệm?...tất cả cần đưa vào Luật để quy định cho rõ hơn.

Cục CSGT: Sẽ hạn chế dừng xe xử phạt, CSGT buộc phải gắn camera khi làm việc - Ảnh 5.

Ngoài ra một nội dung nữa ví dụ như đợt dịch Covid-19 vừa qua, cảnh sát cũng phải dừng xe, nhưng không phải để kiểm tra, xử phạt lỗi vi phạm giao thông mà là kiểm tra phòng chống dịch. Đây là những kiểu dừng phương tiện mới xuất hiện nhưng lại chưa có Luật nào quy định cần phải bổ sung cho phù hợp thực tiễn.

- Các nước phương tây hiện nay sử dụng công nghệ để xử phạt, rất ít khi cảnh sát xuất hiện trên đường, nếu có chỉ là điều tiết giao thông hoặc xử lý tai nạn… Vậy khi xây dựng dự Luật này, Bộ Công an có áp dụng những phương pháp hiện đại này?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Tôi khẳng định, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào xử phạt vi phạm sẽ là một điểm nhấn quan trọng trong khi xây dựng dự Luật này.

Không chỉ chờ khi xây dựng Luật mà nhiều năm trước Bộ Công an đã bắt tay vào việc này để giúp cảnh sát giao thông hạn chế ra đường, tiếp xúc với người dân.

Bộ Công an cũng có chỉ đạo, tiến tới cảnh sát giao thông sẽ hạn chế tối đa việc dừng xe trực tiếp. Khi có công nghệ tốt hỗ trợ, cảnh sát giao thông dường như chỉ dừng xe với các lỗi mà công nghệ không hỗ trợ phát hiện được như vi phạm nồng độ cồn, ma túy. Tuy nhiên, khi kiểm tra trực tiếp, bắt buộc các CSGT phải đeo camera giám sát trước ngực.

Với giải pháp này, mức độ công khai minh bạch rất cao, rất khách quan và sẽ tiệm cận với kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới.

Cục CSGT: Sẽ hạn chế dừng xe xử phạt, CSGT buộc phải gắn camera khi làm việc - Ảnh 6.
Cục CSGT đã thử nghiệm sử dụng camera gắn ngực cho một số đội CSGT khi xử lý vi phạm trên cao tốc.
Cục CSGT: Sẽ hạn chế dừng xe xử phạt, CSGT buộc phải gắn camera khi làm việc - Ảnh 7.

- Khi xây dựng Luật, điều có lợi nhất cho người dân và cơ quan quản lý là gì?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Theo tôi, khi tách Luật, cái lợi lớn nhất là quyền của người dân được đầy đủ hơn, quy định về an toàn dễ nhớ, dễ thực hiện. Ngoài ra tính mạng của người tham gia giao thông sẽ được đảm bảo một cách tốt nhất, khi các vấn đề về văn hóa, thiết chế giao thông được xây dựng tốt như phần trên tôi đã nhắc tới thì tai nạn giao thông sẽ giảm.

Ngoài ra, khi Luật được xây dựng thì chất lượng cấp, sát hạch lái xe chắc chắn sẽ tốt hơn, thực chất hơn, phù hợp với kỹ năng điều khiển, tránh những rủi ro tai nạn giao thông; việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, xử phạt ở mọi nội dung công việc sẽ giúp công khai minh bạch, giảm tiêu cực, ít tiếp xúc trực tiếp và tạo niềm tin hơn cho người dân.

Ngoài ra, khi xây dựng Luật này chúng tôi cũng tính tới các phương án xây dựng các trạm cứu hộ lưu động trên các cao tốc, hoặc lắp đặt hệ thống giám sát nhiều hơn để phát hiện kịp thời các vụ tai nạn, nhanh chóng phối hợp với các lực lượng, sơ cấp cứu kịp thời, giúp giảm thiểu những rủi ro thương vong cho người tai nạn giao thông. Đây chính là những điều có lợi nhất cho người dân...

- Trong thời gian gần đây, sau mỗi nhiều vụ tai nạn giao thông, cơ quan điều tra phát hiện nhiều tài xế có bệnh án tâm thần, hoặc rất người có bằng giả, giấy khám sức khỏe giả, vậy nếu Bộ Công an tiếp quản việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe thì có giải pháp gì cho thực trạng này?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Khi Bộ Công an cấp bằng lái, CSGT sẽ có tất cả dữ liệu trên máy, vì vậy khi kiểm tra phương tiện, rất đơn giản để phát hiện bằng giả và các tình trạng khác của tài xế. Tuy nhiên hiện nay đang có một thực trạng là nhiều người bị tâm thần, bị cụt chân, cụt tay vẫn có bằng lái vì thông tin về tình trạng thực tế của họ không được các cơ quan có thẩm quyền cập nhật lên hệ thống và chia sẻ với nhau.

Từ thực trạng này, khi xây dựng Luật, chúng tôi sẽ đưa ra giải pháp như sau. Ví dụ có một vụ tai nạn người vào cấp cứu bị thương, cụt chân, khi đó đơn vị y tế cấp cứu cũng lập tức bổ sung vào dữ liệu quốc gia và chia sẻ chéo với các cơ quan chức năng có thẩm quyền, để bên cấp bằng biết được người này đã bị bị cụt chân, cần phải thu hồi ngay…, hay như các trường hợp tài xế bị tâm thần, cơ quan y tế thấy họ mất khả năng làm chủ an toàn thì phải thông tin kịp thời...

Chúng ta cần phải làm ngay và thường xuyên cập nhật, chia sẻ dữ liệu, chứ không phải như hiện nay là cầm bộ hồ sơ khám sức khỏe giấy rồi đi nộp thì mới cập nhật, như vậy rất hành chính, rườm rà, tốn kém và lỗi thời.

Vì vậy tôi cho rằng, để giải quyết tận gốc của việc này là phải đưa vào Luật, bắt buộc các cơ quan liên quan phải bổ sung thông tin liên tục sức khỏe tài xế lên hệ thống, cơ quan cấp bằng lái sẽ sớm nắm được và ra quyết định ngăn chặn, để tránh được tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Cục CSGT: Sẽ hạn chế dừng xe xử phạt, CSGT buộc phải gắn camera khi làm việc - Ảnh 8.
Cục CSGT: Sẽ hạn chế dừng xe xử phạt, CSGT buộc phải gắn camera khi làm việc - Ảnh 9.

- Có một điểm gây tranh cãi nhất hiện nay là việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe do Bộ Giao thông quản lý theo quy định của Luật Giao thông đường bộ từ năm 2008, vậy tại sao Bộ Công an lại đề xuất đưa nội dung này vào Luật đảm bảo trật tự, an toàn giao thông?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới, như Nhật Bản, Hàn Quốc, một số nước Châu Âu..., từ lâu họ không có một Luật bao quát rộng như Luật giao thông đường bộ, nó gồm cả phát triển hạ tầng, kinh tế vận tải và an ninh, an toàn con người...

Ngoài ra, họ cũng quy định rất rõ Bộ Giao thông chỉ tập trung phát triển hạ tầng, đường xá, cầu cống, vận tải, còn Công an, cảnh sát sẽ quản lý về trật tự, an toàn giao thông, liên quan đến người và phương tiện đi trên đường. Việc phân cấp, phân quyền như vậy sẽ giúp các bên tập trung đầu tư, phát triển, quản lý cho tốt nhất và phân rõ trách nhiệm hơn.

Bộ Công an đề xuất nội dung này chỉ là một phần nhỏ trong dự Luật nhằm phù hợp với các kinh nghiệm, xu hướng quản lý, phát triển của thế giới.

Để việc này được đánh giá khách quan, theo tôi cần có sự góp ý, của nhiều bên, sau đó sẽ báo cáo Chính phủ quyết định Bộ nào sẽ tiếp quản.

- Trước đây, một số ý kiến từng thẳng thắn cho rằng, việc tách Luật sẽ mang lại lợi ích cho Bộ Công an nhiều hơn, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Để trả lời cho câu hỏi này, tôi đề nghị mọi người cùng đọc dự thảo và cùng nghiên cứu. Hiện nay các dự thảo sửa đổi đều được công khai. Hơn nữa chúng tôi vẫn còn phải xin ý kiến tiếp thu của nhiều tầng lớp, việc xây dựng Luật trải qua các quy trình rất chặt chẽ, qua nhiều vòng, nhiều lớp chứ không phải ý chí của một Bộ nào đó mà ban hành ngay được.

Tôi muốn nhấn mạnh và khẳng định là Luật mới sẽ không phát sinh thủ tục hành chính gì phiền hà cho người dân, ngược lại cách quản lý hiện đại hơn, tất cả đều công khai minh bạch, gắn rõ trách nhiệm với từng cơ quan…, việc ai được lợi thì chúng ta đã rõ.

Cục CSGT: Sẽ hạn chế dừng xe xử phạt, CSGT buộc phải gắn camera khi làm việc - Ảnh 10.

- Có ý kiến cũng lo ngại rằng, khi Bộ Công an tiếp quản việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe, giáp sát và xử phạt có thể sẽ không được khách quan, ông nghĩ sao về việc này?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe tôi muốn nhấn mạnh là tách bạch riêng vì nó đã được xã hội hóa, các doanh nghiệp chịu trách nhiệm sát hạch, đào tạo, Bộ công an không làm trực tiếp việc đó. Còn việc cấp giấy phép lái xe là thủ tục hành chính thông thường của cơ quan quản lý. Nhưng quan trọng nhất vẫn là việc quản lý sau cấp phải gắn với hoạt động đi đường của người dân, giúp đảm bảo an toàn và hạn chế nhất những tai nạn xảy ra.

Về việc có khách quan hay không trong Luật cũng quy định rõ các cơ chế công khai minh bạch bằng hệ thống giám sát, vì vậy cơ quan quản lý sẽ thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình và đặt dưới sự giám sát của người dân.

Khi xây dựng Luật, chúng tôi cũng tham khảo, học hỏi kinh nghiệm các nước, theo đó, mỗi nước giao cơ quan khác nhau quản lý, có nơi thì giao cảnh sát quản lý sát hạch lái xe, có nơi thì giao lực lượng giao thông, nhưng quan trọng phải gắn với thể, chế văn hoá. Vấn đề ở đây là phải chọn các mô hình thành công và tương đồng văn hoá, dễ tiếp cận, dễ áp dụng.

Như bạn biết, ở Nhật Bản, hiện nay Cảnh sát cũng cấp bằng lái, nhưng họ vẫn phải giám sát, xử phạt, không thể nói họ cấp rồi xong bỏ đó, không xử lý vi phạm mà cái chính là xử lý như thế nào cho khách quan, trung thực. Do vậy sử dụng công nghệ sẽ là bài toán tối ưu nhất.

Cục CSGT: Sẽ hạn chế dừng xe xử phạt, CSGT buộc phải gắn camera khi làm việc - Ảnh 11.
CSGT tiến tới hạn chế dừng xe ngoài đường, chủ yếu làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, đảm bảo an toàn giao thông.

Cùng chuyên mục

TP.HCM đang mưa lớn, giông sét ầm ầm
TP.HCM đang đối mặt với mưa lớn và giông sét tại nhiều quận huyện. Người dân cần đề phòng lốc, mưa đá và ngập úng cục bộ trong các giờ tới.
Kiến nghị hỗ trợ mức đóng BHYT hộ gia đình
Trên cơ sở quy định của Luật BHYT, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT, mức đóng BHYT là 4,5%.

Tin mới