Có được thanh toán BHYT khi không có giấy chuyển tuyến?
Theo quy định hiện nay, có được thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) nếu xuất trình được đầy đủ thủ tục khám chữa bệnh nhưng lại không có giấy chuyển tuyến không?
Theo BHXH TP. Hà Nội cho biết, tại Điều 6, Thông tư số 30/2020/TT-BYT ngày 31/12/2020 của Bộ Y tế Quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT quy định các trường hợp khám bệnh, chữa bệnh BHYT đúng tuyến bao gồm:
- Người tham gia BHYT trong tình trạng cấp cứu được cấp cứu tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào trên phạm vi toàn quốc;
- Người tham gia BHYT đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện khác trong cùng địa bàn tỉnh.
Tại khoản 15, Điều 1, Luật BHYT số 46/2014/QH13 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đã sửa đổi, bổ sung Điều 22 như sau:
Trường hợp người có thẻ BHYT tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến được quỹ BHYT thanh toán trong phạm vi được hưởng và mức hưởng theo tỉ lệ như sau:
- Tại bệnh viện tuyến Trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú;
- Tại bệnh viện tuyến tỉnh là 100% chi phí điều trị nội trú;
- Tại bệnh viện tuyến huyện là 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh (cả KCB ngoại trú và nội trú).
Như vậy, theo quy định trên, người có đăng ký BHYT tự ý chuyển tuyến từ huyện lên tuyến Trung ương mà không có giấy chuyển tuyến được quỹ BHYT thanh toán 40% chi phí điều trị nội trú.