Chuyển khoản tiền cho vay không có giấy vay có đòi được không?
Khi cho người khác vay tiền, nhiều người do tin tưởng nên đã không lập giấy vay mà chỉ thực hiện thao tác chuyển khoản số tiền vay qua tài khoản ngân hàng. Theo đó, đến kỳ hạn phải trả mặc dù có tài sản nhưng người vay không thực hiện nghĩa vụ trả tiền. Vậy, số tiền cho vay qua hình thức chuyển khoản này có đòi lại được không?
Theo Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, tại Điều 119, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về hình thức giao dịch dân sự. Theo đó, giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể; giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.
Ngoài ra, tại Điều 463, Bộ luật Dân sự 2015 quy định hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Cũng tại khoản 1, Điều 466, Bộ luật Dân sự 2015 quy định bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Vì thế, khi đến hạn trả tiền thì bên vay có nghĩa vụ trả tiền gốc và lãi cho bên cho vay đúng số tiền mà trong hợp đồng đã nêu. Trường hợp không có hợp đồng thì bên cho vay phải chứng minh số tiền mình cho vay bằng các biên lai, hóa đơn chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của người vay.
Trường hợp nếu chuyển tiền cho vay qua tài khoản ngân hàng bằng ứng dụng Internet Banking trên điện thoại thì đến ngân hàng xin xác nhận giao dịch đó và có đóng dấu của ngân hàng để xuất trình. Nếu chuyển tiền trực tiếp tại ngân hàng thì xuất trình biên lai chuyển tiền có xác nhận của ngân hàng. Đây là những tài liệu, chứng cứ có giá trị chứng minh tồn tại giao dịch thực tế giữa hai bên.
Ngoài ra, người có vay tiền cũng có thể thu thập các tin nhắn nhắn qua lại giữa hai bên, ghi âm cuộc gọi giữa hai bên. Thông thường khi mượn tiền thì một bên sẽ gọi điện hoặc nhắn tin để trao đổi về khoản vay, trong trường hợp nếu có nội dung tin nhắn hoặc ghi âm nội dung trao đổi về khoản vay thì cần thu thập lại để làm chứng cứ phục vụ quá trình khởi kiện. Bên cạnh đó, người cho vay có thể in đoạn tin nhắn đó ra giấy, lập vi bằng điện thoại có nội dung tin nhắn, đối với đoạn ghi âm người cho cho vay có thể cung cấp cho Tòa án kèm theo văn bản trình bày về quá trình ghi âm nội dung trao đổi. Nếu có người làm chứng, người biết về khoản vay đó thì lấy ý kiến từ người làm chứng về việc vay mượn đó, có thể trình bày nội dung và mang đến ủy ban nhân dân để chứng thực chữ ký.
Theo quy định trên nếu đáp ứng các điều kiện có hiệu lực của một giao dịch dân sự, việc thỏa thuận vay nợ giữa các bên dù không có giấy vay nợ thì vẫn hợp pháp và người cho vay hoàn toàn có thể đòi nợ người vay. Do đó, sau khi thu thập được các tài liệu, chứng cứ nêu trên thì người cho vay có thể tiến hành khởi kiện tại tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự.