Chuyên gia gợi ý cách đi chợ, siêu thị an toàn trong đại dịch Covid-19
Số ca mắc tại Hà Nội chưa cao bằng các tỉnh thành phía Nam nhưng các chuyên gia đều nhận định người dân cần hết sức lưu ý, đặc biệt hạn chế ra ngoài, tuân thủ giãn cách.
Thời gian qua, tại Việt Nam liên tục có các ca nhiễm trong cộng đồng, đặc biệt các ca nhiễm liên quan tới người bán hàng ở chợ. Điều này khiến không ít các bà nội trợ đứng ngồi không yên bởi nhu cầu mua thực phẩm, hàng thiết yếu lúc nào cũng cần thiết.
Trước đó, nhằm thực hiện triệt để chỉ thị 17 của UBND TP Hà Nội về giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19, người dân Hà Nội đã được phát phiếu đi chợ mua sắm thực phẩm, hàng thiết yếu theo khung giờ, thời gian quy định.
Theo BS Nguyễn Quốc Thái – Trung tâm Bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai, trong tình hình hiện nay, tâm lý lo lắng của mỗi người khi đi chợ là điều đương nhiên. Bởi vì, theo nghiên cứu thì virus SARS-CoV-2 có khả năng lây trong không khí. Trong các môi trường kín đông người như siêu thị, chợ dân sinh, nguy cơ lây nhiễm nơi công cộng rất lớn.
Bác sĩ Thái cho rằng những người dân đi chợ, đi siêu thị cần hết sức lưu ý phòng bệnh Covid-19.
Chợ truyền thống có nhược điểm là mọi người thường ngồi gần nhau, trò chuyện nhiều hơn, ít được kiểm soát. Vì vậy, khi đi chợ truyền thống, mọi người nên giữ khoảng cách, mua sắm xong về ngay, không tiếp xúc với những người lạ, không trò chuyện. Mọi người luôn giữ khoảng cách 2 mét. Đeo khẩu trang đúng cách, sát khuẩn tay trước khi đi chợ và về nhà, không đưa tay lên mặt.
Khi vào siêu thị, tốt nhất nên vào các siêu thị ít người. BS Thái cho rằng thực chất môi trường siêu thị, cửa hàng tiện lợi khá nguy hiểm bởi vì không gian kín, máy lạnh mở nhiều, việc lưu thông không khí kém, dẫn tới nguy cơ lây nhiễm cao hơn.
Nếu người mang virus vào siêu thị đeo khẩu trang không đúng thì vô tình có thể phát tán virus ra không khí. Môi trường kín làm cho virus tồn tại lâu hơn. Người sau vào có thể bị nhiễm bệnh mà không hay biết. Vì vậy, ở bất kỳ hoàn cảnh nào nên đi mua nhanh, không sờ tay vào các bề mặt trong siêu thị.
BS Thái khuyến cáo các siêu thị, cửa hàng tiện lợi cần nhanh chóng nâng cấp hệ thống thông khí. Ngoài ra, cần kiểm soát lượng người ra vào. Ví dụ không gian nhỏ nên cho 4, 5 người vào 1 lần, không nên để tình trạng chen chúc ra vào siêu thị gây lây nhiễm chéo.
Khi đi chợ, siêu thị, không cần đeo găng tay vì nhiều người đeo găng tay xong chủ quan không sát khuẩn sẽ nguy hiểm hơn. Ý thức phòng bệnh cá nhân sẽ là quyết định để công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả.
Theo PGS Nguyễn Viết Nhung – Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, virus gây bệnh SARS-COV-2 lây chủ yếu qua tiếp xúc gần bằng đường giọt bắn.
Giọt bắn có thể tiếp xúc trực tiếp vào mặt, mũi người tiếp xúc gần hoặc có thể rơi xuống sàn, đồ vật, các mặt bàn, khay hàng. Dù ở chợ hay siêu thị thì người dân vẫn cần đảm bảo tốt việc chống nhiễm khuẩn.
Đi chợ rất tiện nhưng nhiều chợ ki ốt bán hàng có không gian bí bách, người dân tụ tập nhiều, khâu vệ sinh khử khuẩn kém hơn.
Trong siêu thị cũng có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 khi người dân tiếp xúc với xe đẩy, các kệ hàng hóa, đồ vật, vật dụng trong siêu thị mà trước đó có nhiều người cũng đã tiếp xúc. Vì vậy trong thời gian ở siêu thị, bạn nên có lọ cồn nhỏ để sát khuẩn tay.
Khi mua sản phẩm về nên thay bao bì sản phẩm mua được. Ngoài ra, có thể xịt cồn 70 độ vào các hộp thực phẩm, sát khuẩn bề mặt. Đi chợ về nên thay bỏ khẩu trang, tiếp tục vệ sinh tay sạch sẽ trước khi tiếp xúc với người thân trong gia đình.
Trong đợt dịch bệnh này, các chuyên gia cho rằng người dân có thể chọn mua hàng online, tuân thủ phòng dịch để hạn chế các nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Người mua nên thanh toán online qua thẻ, qua ví điện tử. Khi nhân viên giao hàng đến, hãy nhờ nhân viên đứng cách xa tối thiểu 2m, đặt gói hàng xuống dưới đất, rồi khi nhân viên giao hàng rời đi mới đến vị trí đó để lấy đồ.