Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ tư, 27/10/2021 19:59 (GMT+7)

Chuyên gia chỉ ra điều quan trọng nhất khi tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em

Theo dõi GĐ&PL trên

Theo chuyên gia, việc triển khai tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ là cần thiết, đặc biệt với những trẻ có bệnh lý nền.

Việt Nam chỉ mới phê duyệt 1 loại vaccine tiêm cho trẻ em

Liên quan tới kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ từ 12-17 tuổi, TS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng miền Bắc, Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cho hay, trên thế giới nhiều quốc gia đã tiêm nhiều loại vaccine khác nhau cho trẻ em. Tuy nhiên, tại Việt Nam, có một loại vaccine có đủ các điều kiện được phê duyệt là Pfizer. Đây là vaccine duy nhất có đủ hồ sơ và được Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt triển khai tiêm cho trẻ từ 12 tuổi trở lên.

Hiện nay, tỷ lệ nhiễm và mắc bệnh ở trẻ em thấp hơn nhiều so với người lớn, nhưng cũng có đối tượng trẻ em có bệnh lý nền biểu hiện nặng. Tình trạng trẻ mắc viêm cơ tim, suy hô hấp, tử vong đã xảy ra với tỷ lệ không hề nhỏ và ngay trong đợt dịch tại TP Hồ Chí Minh đã có những trường hợp như vậy.

Do đó, việc triển khai tiêm vaccine cho trẻ là cần thiết. Đặc biệt, những trẻ có bệnh lý nền cần phải tiêm càng sớm càng tốt vì nếu mắc Covid-19, nguy cơ trở nặng sẽ cao hơn rất nhiều so với không tiêm.

"Trẻ em cũng là nhóm đối tượng mang virus, có nguy cơ lây cho người khác. Phòng cho trẻ em bằng vaccine không đơn thuần tránh trẻ em rơi vào thể nặng, nhập viện mà còn giúp giảm thiểu và cắt đứt chuỗi lây truyền Covid-19 trong cộng đồng. Đó là mục tiêu cao nhất hướng tới an toàn chung cho cộng đồng", TS Thái nói.

Chuyên gia chỉ ra điều quan trọng nhất khi tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em - Ảnh 2.
Tiêm phòng vắc xin Covid-19 - Ảnh Việt Hùng.

Trước tâm tư lo ngại của nhiều gia đình về phản ứng bất lợi khi tiêm vaccine, TS Thái cho biết, việc phản ứng bất lợi liên quan đến tiêm vaccine thấp hơn vô cùng nhiều so với những biến chứng nếu bị nhiễm Covid-19. Vì vậy, tiêm vaccine vẫn là biện pháp tối ưu nhất với trẻ em, mặc dù chúng ta cần thêm thời gian đánh giá việc triển khai tiêm vaccine này với trẻ em Việt Nam như thế nào.

"Tỷ lệ trẻ bị viêm cơ tim hoặc các biến chứng do nhiễm virus SARS-CoV-2 tự nhiên nặng hơn, phổ biến hơn vô cùng nhiều so với tỷ lệ viêm cơ tim liên quan đến mũi tiêm vaccine. Ở trẻ tiêm vaccine, tỷ lệ viêm cơ tim khoảng 1/20.000, tức là trong 20.000 trẻ mới có 1 trẻ bị viêm cơ tim.

Nếu trẻ không may bị phản ứng bất lợi liên quan viêm cơ tim do vaccine thì trẻ em lại đáp ứng rất tốt với thuốc điều trị hiện hành. Vì thế, khi viêm cơ tim do vaccine, trẻ vẫn có thể điều trị, hồi phục hoàn toàn và không để lại di chứng", TS. Thái phân tích.

Việc triển khai tiêm vaccine cho trẻ sẽ triển khai như người lớn

TS. BS Phạm Quang Thái cho biết cũng giống như triển khai tiêm cho người lớn, giai đoạn đầu tiên cần thực hiện một cách cẩn trọng, điểm tiêm có sự giám sát tốt, tiêm giảm dần độ tuổi. Kế hoạch triển khai này cũng đã được thực hiện ở các chiến dịch tiêm chủng trước với nhiều đối tượng như tiêm cho nhóm người lớn.

Sau khi triển khai quy mô nhỏ, việc tiêm cho trẻ nhỏ sẽ triển khai ở quy mô lớn. Khi đã hoàn chỉnh tất cả vấn đề liên quan đến hướng dẫn chuẩn bị tổ chức và các tuyến thí điểm ban đầu làm trơn tru, chúng ta sẽ triển khai ở tất cả các điểm tiêm như trạm y tế, trường học, thậm chí tiêm ngoài trạm.

TS Thái khuyến cáo quan trọng nhất chính là việc theo dõi sau tiêm. Tại điểm tiêm, nếu trẻ có phản ứng thì sẽ được xử trí ngay nhưng tỉ lệ này rất hiếm. Phần lớn các phản ứng bất lợi nếu có lại xảy ra sau khi ở điểm tiêm về.

Vì vậy, để giảm thiểu tác hại nếu có với những phản ứng bất lợi đó, trẻ cần được theo dõi về sức khỏe, phát hiện sớm các bất thường và đưa đến cơ sở y tế sớm. Nếu phát hiện sớm sẽ được cơ sở y tế xử lý tốt, không vấn đề gì. Nếu vô tình thiếu theo dõi thì sẽ có hậu quả không thể lường trước.

"Tôi đặt nặng vấn đề này và đề nghị các cán bộ y tế phải có sự hướng dẫn, khuyến cáo kỹ chăm sóc cho cả trẻ lớn và nhỏ sau tiêm. Với gia đình, cần cập nhật kiến thức, có sự lắng nghe từ phương tiện thông tin đại chúng, từ kênh chính thống để có kỹ năng theo dõi sức khỏe của trẻ trong gia đình, bảo đảm an toàn sau buổi tiêm chủng", TS Thái nói.

Liên quan tới việc tiêm vaccine cho trẻ em là khuyến khích hay bắt buộc, TS Phạm Quang Thái cho biết, theo văn bản dự thảo xin ý kiến các chuyên gia, tới đây vaccine Covid-19 có thể sẽ được đưa vào danh sách các vắc xin bắt buộc phải tiêm chủng như các vắc xin có trong thông tư 38 của Bộ Y tế.

Chuyện tồn tại nhóm phản đối vaccine là không thể tránh khỏi vì đây là phong trào có trên toàn cầu đã làm tổn thất rất lớn cho công tác phòng, chống dịch rất nhiều bệnh trên thế giới. Có nhiều bệnh quay trở lại vì phong trào phản đối vaccine, kể cả ở quốc gia tiên tiến nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, với Covid-19, dịch bệnh còn lưu hành thì virus còn biến đổi, khi đó chủng mới sẽ vượt khỏi khả năng bảo vệ của vaccine cũng như khả năng miễn dịch mà một người có thể có khi đã nhiễm.

Khi tỷ lệ tiêm chủng không ở mức tối đa, dịch luôn tồn tại và virus sẽ có nguy cơ biến đổi, khi đó, những nỗ lực chúng ta đã làm sẽ bị 'cuốn trôi hết', chúng ta sẽ quay trở lại vạch mốc đầu tiên. Đó là nguy cơ lớn ảnh hưởng tới mọi thành quả chống dịch.

Vì thế, vai trò của truyền thông rất quan trọng để giải thích, tuyên truyền vận động người dân hiểu, tham gia cùng tiêm chủng để có mũi tiêm an toàn, có hành động dứt khoát phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tới.

Cùng chuyên mục

Điều kiện thanh toán thuốc điều trị ung thư cho người tham gia BHYT từ năm 2025
Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán đối với thuốc điều trị ung thư, điều hòa miễn dịch khi đáp ứng các quy định tại Thông tư 37/2024/TT-BYT đồng thời đáp ứng điều kiện như: Sử dụng để điều trị ung thư khi được chỉ định bởi bác sĩ có phạm vi hành nghề ung bướu hoặc y học hạt nhân hoặc huyết học truyền máu hoặc trường hợp thuộc phạm vi chuyên môn của người hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh...
Bộ Y tế khuyến cáo phòng bệnh dại
Để chủ động phòng chống bệnh dại, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vaccine phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm; nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm.

Tin mới

Đề xuất bệnh viện hạng I có thêm 02 năm để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử
Bộ Y tế hiện đang hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 46/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định hồ sơ bệnh án điện tử. Trong đó, dự thảo này đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 của Điều 20 Thông tư 46/2018/TT-BYT về lộ trình thực hiện bệnh án điện tử, như sau: Đến ngày 31/12/2025, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc phải áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử tại đơn vị.
Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.