Chồng không được yêu cầu ly hôn dù vợ sinh con với người khác trong giai đoạn mới sinh: Có hợp lý?
Quy định tại Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán còn nhiều quan điểm khác nhau, tuy nhiên quy định này cũng có phần hợp lý dựa trên nguyên tắc nhân đạo, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, trẻ em.
Tuy nhiên, khi vận dụng thì các Thẩm phán cũng cần xem xét đánh giá tình huống mang thai, căn cứ cho thấy người phụ nữ mang thai với người khác và nếu xét thấy tình trạng hôn nhân trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được thì cũng có thể động viên các bên thuận tình ly hôn để bảo vệ quyền lợi của các thành viên trong gia đình, tránh bạo lực gia đình tiếp tục xảy ra.
Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình thì vợ chồng có nghĩa vụ yêu thương, chung thủy, giúp đỡ lẫn nhau trong công việc và cuộc sống. Nếu một bên ngoại tình thì bên kia có quyền đơn phương ly hôn. Tuy nhiên mới đây, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao ban hành Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP hướng dẫn Luật Hôn nhân và gia đình có quy định là trường hợp vợ mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chồng không được đơn phương ly hôn bất kể cái thai đó là của ai. Quy định này khiến nhiều người có quan điểm khác nhau, gây tranh cãi. Nhiều người lo sợ rằng quy định này sẽ “nối giáo cho giặc”, khiến phụ nữ sẵn sàng ngoại tình và nếu có thai, có con với người khác thì người chồng cũng không được phép ly hôn cho đến khi đứa bé được 12 tháng tuổi, lấy chồng vẫn phải có nghĩa vụ yêu thương chăm sóc, nuôi dạy đứa trẻ…
Theo đó, việc hạn chế quyền được đơn phương ly hôn của người chồng khi người vợ mang thai với người khác là thể hiện tính nhân đạo, bảo vệ quyền lợi phụ nữ, tuy nhiên quy định này có thể mâu thuẫn với quy định quyền được đơn phương ly hôn khi vợ ngoại tình và dễ phát sinh xung đột trong thời gian người chồng chờ đủ điều kiện gửi đơn ly hôn. Bởi vậy, khi áp dụng quy định này thì cần phải mềm dẻo, linh hoạt, tùy từng trường hợp mà hạn chế quyền đơn phương ly hôn của người chồng. Khi tiếp nhận đơn đề nghị ly hôn thì Tòa án có thể động viên vợ chồng thuận tình ly hôn nếu như hôn nhân đã lâm vào tình trạng trầm trọng, kéo dài có thể dẫn đến bạo lực gia đình, không đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em.
Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình thì kết hôn và ly hôn là các sự kiện pháp lí quan trọng, được thực hiện trên cơ sở ý chí tự nguyện của các bên. Theo đó, kết hôn là nam nữ xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định pháp luật, còn ly hôn là chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án hoặc quyết định của Tòa án.
Luật Hôn nhân và gia đình quy định điều kiện cụ thể khi nam nữ kết hôn và các điều kiện cơ sở các nguyên tắc cơ bản của pháp luật, đảm bảo tính nhân đạo, nhân văn và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi bên trong quan hệ vợ chồng. Cụ thể, tại Điều 17, Luật Hôn nhân và gia đình quy định, vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp, Luật này và các luật khác có liên quan. Điều 19, của Luật cũng nêu rõ, vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình. Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác.
Bởi vậy, khi vợ hoặc chồng vi phạm nghĩa vụ vợ chồng theo quy định của pháp luật, không yêu thương, không chung thủy, không tôn trọng, quan tâm chăm sóc giúp đỡ lẫn nhau thì đó là một trong những căn cứ để bên còn lại có quyền đề nghị Tòa án cho ly hôn đơn phương.
Nếu một bên ngoại tình đã được bạn bè, gia đình, chính chuyển quyền địa phương hoặc cơ quan đoàn thể hòa giải nhiều lần nhưng vẫn ngoại tình thì đó là tình trạng hôn nhân trầm trọng, là căn cứ cho người còn lại được quyền đề nghị đơn phương ly hôn. Nếu việc người vợ ngoại tình nhiều lần dẫn đến mang thai với người khác mà người chồng không được đơn phương ly hôn thì có vẻ như không bình đẳng và cuộc sống hôn nhân sẽ ngày càng trầm trọng, họ sẽ sống trong sự bất hòa kéo dài, bạo lực gia đình có thể xảy ra… Do đó, tùy từng trường hợp người vợ mang thai với người khác mà nên có những quy định khác nhau về quyền được lựa chọn ly hôn của người chồng. Nếu người vợ mang thai là do bị cưỡng dâm, hiếp dâm, hoặc do nguyên nhân khách quan khác mà không có lỗi của người vợ thì có thể hạn chế quyền được đơn phương ly hôn của người chồng trong thời hạn vợ mang thai, nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Còn nếu người vợ vi phạm nghĩa vụ vợ chồng, không chung thủy dẫn đến mang thai mà nghị quyết của hội đồng thẩm phán lại quy định hạn chế quyền được ly hôn của người chồng trong trường hợp này thì có vẻ chưa đảm bảo sự bình đẳng trong quan hệ vợ chồng.
Luật Hôn nhân và gia đình quy định có 02 trường hợp ly hôn là ly hôn thuận tình và ly hôn theo yêu cầu một bên. Theo đó, trường hợp thuận tình là có sự thỏa thuận thống nhất ý chí của cả hai bên về việc chấm dứt quan hệ vợ chồng, thỏa thuận về nuôi con và chia tài sản sau ly hôn.
Trong trường hợp hai bên không thỏa thuận với nhau được về việc ly hôn mà tình trạng hôn nhân trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được thì một bên cũng có quyền đề nghị Tòa án giải quyết cho “ly hôn đơn phương” hay còn gọi là ly hôn theo yêu cầu của một bên.
Điều 56, Luật Hôn nhân và gia đình quy định, khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Điều 51, Luật Hôn nhân và gia đình cũng quy định, vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
Tuy nhiên, việc quy định tại khoản 3, Điều 51 về trường hợp: “Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi”. Điều luật này không quy định cụ thể là cái thai đó là của ai, con là của ai dẫn đến trong thực tiễn có những tình huống khó giải quyết khi thai không phải là của người chồng, trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo hoặc trường hợp vợ đang nuôi con nuôi dưới 12 tháng tuổi.
Pháp luật về hôn nhân và gia đình quy định ly hôn là quyền của vợ, của chồng khi hôn nhân không hạnh phúc. Tuy nhiên, để đảm bảo tính chính sách nhân đạo, nhân văn và bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, trẻ em thì Luật Hôn nhân và gia đình hạn chế quyền được đơn phương ly hôn của chồng khi vợ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Điều đáng chú ý là trong thực tiễn thì có nhiều trường hợp người vợ mang thai với người khác (do ngoại tình), mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo quy định pháp luật và nuôi con của người khác (bao gồm đẻ con với người khác về nuôi con nuôi) dưới 12 tháng tuổi… điều này dẫn đến có những quan điểm khác nhau về việc Tòa án có thụ lý giải quyết cho người chồng ly hôn hay không?
Trước những thực trạng như vậy thì Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao cần có văn bản hướng dẫn để xác định quy định hạn chế quyền được ly hôn đơn phương của người chồng theo khoản 3, điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình có bao gồm trường hợp vợ (ngoại tình) mang thai với người khác, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, nuôi con của người khác hoặc nuôi con nuôi dưới 12 tháng tuổi hay không?
Theo đó, ngày 16/5/2024 Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành Nghị quyết số 01/2024/NQ-HĐTP, hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong việc giải quyết các vụ việc hôn nhân gia đình. Theo đó Điều 2 của Nghị quyết để quy định:
1. “Đang có thai” quy định tại khoản 3 Điều 51 của Luật Hôn nhân và gia đình là khoảng thời gian vợ mang trong mình bào thai và được cơ sở y tế có thẩm quyền xác định cho đến thời điểm sinh con hoặc thời điểm đình chỉ thai nghén.
2. “Sinh con” quy định tại khoản 3 Điều 51 của Luật Hôn nhân và gia đình là thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Vợ đã sinh con nhưng không nuôi con trong khoảng thời gian từ khi sinh con đến khi con dưới 12 tháng tuổi;
b) Vợ đã sinh con nhưng con chết trong khoảng thời gian dưới 12 tháng tuổi kể từ khi sinh con;
c) Vợ có thai từ 22 tuần tuổi trở lên mà phải đình chỉ thai nghén.
3. Chồng không có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn trong khoảng thời gian dưới 12 tháng tính từ ngày vợ sinh con hướng dẫn tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều này hoặc ngày đình chỉ thai nghén hướng dẫn tại điểm c khoản 2 Điều này.
4. Trường hợp vợ đang có thai, sinh con thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt vợ có thai, sinh con với ai.
5. Trường hợp vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt con đẻ, con nuôi.
6. Trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thì việc xác định quyền yêu cầu giải quyết ly hôn của chồng như sau:
a) Chồng của người mang thai hộ không có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi;
b) Chồng của người nhờ mang thai hộ không có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc khi người mang thai hộ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Điều đáng chủ ý là khoản 4, Điều 2 Nghị quyết có nội dung: “Trường hợp vợ đang có thai, sinh con thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt vợ có thai, sinh con với ai”. Đây là nội dung hướng dẫn khoản 3, Điều 51, Luật Hôn nhân và gia đình, tuy nhiên nội dung này đang gây tranh cãi và khiến nhiều người lo ngại rằng, quy định như vậy là bênh vực người ngoại tình, có thể sẽ làm gia tăng tình trạng ngoại tình, mang thai ngoài hôn nhân.
Hạn chế quyền được ly hôn của người chồng khi người vợ ngoại tình dẫn đến mang thai với tình nhân sẽ khiến mâu thuẫn căng thẳng trong gia đình tăng lên và bạo lực gia đình sẽ có xu hướng gia tăng trong những trường hợp như vậy.
Quy định này dẫn đến xung đột với quy định về quyền được ly hôn đơn phương khi một bên vi phạm nghĩa vụ vợ chồng (ngoại tình), trong những trường hợp như vậy thì gia đình không thể có hạnh phúc trong giai đoạn này và bi kịch gia đình có thể kéo dài.
Về lĩnh vực đạo đức, văn hóa Á Đông thì rất ít người đàn ông nào chấp nhận chung sống với một người vợ ngoại tình, mang thai của người khác. Bởi vậy trong trường hợp người vợ không chung thủy, mang thai của người khác thì chuyện hôn nhân đổ vỡ là điều khó tránh. Thực tiễn không ít những trường hợp chồng nghi ngờ vợ ngoại tình nên đã bạo lực, đánh đập, hành hạ, thậm chí án mạng đã từng xảy ra… Trong những tình huống đó nếu không quy định cho người trồng được phép đơn phương ly hôn khi vợ mang thai với người khác hoặc nuôi con của người khác dưới 12 tháng tuổi thì chưa chắc người vợ đã được sống yên ổn trong gia đình đó, thậm chí tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người vợ có thể bị xâm phạm bất kỳ lúc nào.
Tuy nhiên, nhìn ở một khía cạnh khác thì người phụ nữ mang thai thì tâm sinh lý sẽ thay đổi, không ít trường hợp vì một phút mất kiểm soát về lí trí và mang lại hậu quả có thai hoặc có thể bị hiếp dâm dẫn đến mang thai. Nếu cho người chồng được quyền đơn phương ly hôn khi vợ mang thai với người khác, nuôi con dưới 12 tháng tuổi của người khác thì có thể dẫn đến gia tăng tình trạng nạo phá thai và có thể xảy ra trường hợp người phụ nữ mang thai có thể tự tử, bị lâm vào tình trạng quẫn bách mà nghĩ quẩn, họ sẽ gặp khó khăn khi bị những người xung quanh tẩy chay, lên án.
Lĩnh vực hôn nhân và gia đình là lĩnh vực đặc biệt, mối quan hệ vợ chồng, quan hệ giữa các thành viên trong gia đình không chỉ được điều chỉnh bởi pháp luật mà còn được điều chỉnh nhiều bởi các quy phạm xã hội như đạo đức, văn hóa, tập quán… Bởi vậy, quy định về hạn chế quyền được đơn phương ly hôn của người chồng khi người vợ mang thai với người khác cần phải được chi tiết và nhìn nhận đánh giá một cách linh động, mềm dẻo, trên cơ sở các nguyên tắc nhân đạo, nguyên tắc chung của Luật Hôn nhân và gia đình. Nếu người vợ mang thai với người khác do bị hiếp dâm, cưỡng dâm hoặc do lý do khách quan khác thì hạn chế quyền được ly hôn của người chồng trong thời gian vợ mang thai, nuôi con dưới 12 tháng là hợp lý để bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em, tránh sáo trộn tâm lý, đời sống của phụ nữ mang thai.
Còn nếu trường hợp người vợ ngoại tình nhiều lần, ngang nhiên quan hệ với người đàn ông khác dẫn đến mang thai, lại còn thách thức chồng, không đồng ý thuận tình ly hôn thì mâu thuẫn trong gia đình sẽ căng thẳng, bạo lực gia đình hoàn toàn có thể xảy ra rồi mất an ninh trật tự, an toàn xã hội… Bởi vậy trong những trường hợp này, khi người chồng có đơn xin ly hôn đơn phương, Tòa án có thể động viên hai vợ chồng thuận tình ly hôn.
Lưu ý là Điều 51, Luật Hôn nhân và gia đình chỉ hạn chế quyền được đơn phương ly hôn của người chồng (Đơn phương ly hôn, ly hôn theo yêu cầu của một bên) khi người vợ mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi, nếu người vợ cũng đồng ý ly hôn, hai bên thuận tình ly hôn thì Tòa án vẫn thụ lý giải quyết theo quy định của pháp luật về thuận tình ly hôn.
Pháp luật về hôn nhân và gia đình quy định vợ chồng có nghĩa vụ yêu thương, chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau, có nghĩa vụ chung thủy với nhau. Nếu trường hợp một bên không chung thủy (ngoại tình) mà đã được chính quyền địa phương, cơ quan, đoàn thể, bạn bè khuyên can hòa giải nhưng vẫn tiếp tục ngoại tình thì đây là căn cứ để cho đơn phương ly hôn. Tuy nhiên, theo quy định của Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP hội đồng thẩm phán thì việc ngoại tình này dẫn đến người vợ mang thai với người khác thì lại vô hiệu hóa quyền được ly hôn đơn phương của người chồng trong thời hạn vợ mang thai hộ tôi con dưới 12 tháng. Hướng dẫn của nghị quyết và quy định của Luật Hôn nhân và gia đình ở phần này có vẻ xung đột và có thể sẽ gây tranh cãi trong quá trình áp dụng.
Khi phụ nữ đang mang thai, chưa sinh con thì rất khó có thể giám định ADN để xác định cái thai đó là của ai, trừ trường hợp người phụ nữ tự thừa nhận. Bởi vậy, quy định này có thể giảm những mâu thuẫn về xác định cái thai là của ai trong thời gian vợ mang thai, khi đó cứ người phụ nữ mang thai là người chồng không được đơn phương ly hôn. Nhưng khi người phụ nữ đã sinh con thì việc giám định ADN Rất dễ dàng thông qua mẫu tóc, mẫu máu. Thực tiễn rất nhiều trường hợp sau khi sinh con thì phát hiện ra đứa con đó không phải của người chồng dẫn đến mâu thuẫn gia đình căng thẳng, thông thường người phụ nữ sẽ rời khỏi gia đình nhà chồng để tránh bị đánh đập hành hạ và đồng ý thuận tình ly hôn… nếu người phụ nữ sinh con với người khác mà vẫn sống chung với chồng thì rất dễ xảy ra bạo lực gia đình, bạo hành đối với đứa trẻ. Bởi vậy trong những tình huống này thì rất cần có sự quan tâm hỗ trợ giúp đỡ của các thành viên khác trong gia đình, của cơ quan, chính quyền địa phương. Khi người chồng để đơn ly hôn đơn phương thì Tòa án cần hướng dẫn và tạo điều kiện, nếu quan hệ hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được mà “vướng” quy định của nghị quyết không cho chồng được đơn phương ly hôn thì Tòa án có thể động viên hai vợ chồng thuận tình ly hôn để giải quyết theo quy định của pháp luật.
Quy định tại Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán còn nhiều quan điểm khác nhau, tuy nhiên quy định này cũng có phần hợp lý dựa trên nguyên tắc nhân đạo, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, trẻ em. Tuy nhiên khi vận dụng thì các Thẩm phán cũng cần xem xét đánh giá tình huống mang thai, căn cứ cho thấy người phụ nữ mang thai với người khác và nếu xét thấy tình trạng hôn nhân trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được thì cũng có thể động viên các bên thuận tình ly hôn để bảo vệ quyền lợi của các thành viên trong gia đình, tránh bạo lực gia đình tiếp tục xảy ra.